Thị trường bán lẻ vào tay ai? Bài 2: Còn nhiều nỗi lo…
Tại hội thảo “Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và kiến nghị chính sách của doanh nghiệp” diễn ra vào chiều 15-10, tại TPHCM, các đại biểu tỏ ra lo ngại cho thị trường bán lẻ của doanh nghiệp (DN) trong nước và hoạt động sản xuất của nông dân.
Bởi theo cam kết WTO, kể từ đầu năm 2015, Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, chưa kể 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Nếu không chuyển động nhanh, thị trường bán lẻ trong nước sẽ do các tên tuổi lớn nước ngoài chi phối.
Đa dạng để cạnh tranh
Chưa bao giờ DN bán lẻ trong nước phải đối diện với nhiều đối thủ cạnh trạnh to lớn như hiện nay. Ngoài BJC (Thái Lan) tuyên bố sẽ xây dựng 100 cửa hàng trong năm tới và đạt 300 cửa hàng trong tương lai, thì các DN khác cũng đang “bủa vây” thị trường, như: TCI (phân phối độc quyền Red Bull, Nestle and Bear…) cũng đã triển khai 1.000 đại lý cung cấp hàng cho 5.000 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam; LotteMart (Hàn Quốc) đang sở hữu 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực bánh kẹo, thức ăn nhanh với hàng trăm cửa hàng, trung tâm thương mại; Công ty Aeon Credit Service (Nhật Bản) cung cấp dịch vụ bán hàng trả góp, trung tâm mua sắm…
Một số dự án khác đang được triển khai như Malaysia có dự án “đại siêu thị” (shopping mall) Platinum Plaza, do Tập đoàn WCT đầu tư với tổng vốn 600 triệu USD tại Bình Chánh; E-Mart - Tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc - cũng đã vào Việt Nam với vốn đầu tư ban đầu 80 triệu USD và có kế hoạch mở chuỗi 52 siêu thị đến năm 2020…
Trong khi các DN ngoại bủa vây thị trường thì các DN cung cấp và bán lẻ trong nước vẫn tỏ ra lúng túng vì thiếu thông tin hướng dẫn về mặt chính sách, các khuyến nghị từ nhà chức trách. Việt Nam đang cần một chiến lược cho ngành bán lẻ với định vị rõ ràng. Từ đó, chính phủ lựa chọn, đầu tư, hỗ trợ cho các thương hiệu dẫn đầu, xây dựng chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia theo mô hình Nhà nước và DN cùng làm. Nhiều DN cũng đề xuất Nhà nước cần thành lập các trung tâm, tổng kho phân phối hoặc sàn giao dịch để bảo vệ quyền lợi cho nông dân và DN. DN nào muốn đưa thành phẩm vào hệ thống phân phối phải đáp ứng được quy trình, tiêu chuẩn.
Nhiều ý kiến tại hội thảo thống nhất giải pháp “tự cứu mình” trong khi chờ các nhà hoạch định xây dựng một chiến lược cho ngành bán lẻ, bằng cách DN tự thân vận động và tiếp thu nhanh những điểm mới và những thách thức trong việc duy trì các hệ thống phân phối.
Cụ thể, DN trong nước phải định vị cạnh tranh trong môi trường toàn cầu thực sự, chú trọng đầu tư cho quảng bá và làm thương hiệu trên các kênh xúc tiến với khách hàng, đa dạng hóa mô hình bán lẻ… Trong đó, chú trọng việc tìm kiếm các liên kết, liên minh để tạo ra sức mạnh đồng bộ. Đồng thời thay đổi phương thức sản xuất và cách thức quan hệ với các hộ buôn bán, kinh doanh trong chợ, tập trung vào thị trường nông thôn…
DN trong nước phải định vị cạnh tranh trong môi trường toàn cầu thực sự, chú trọng đầu tư cho quảng bá và làm thương hiệu trên các kênh xúc tiến với khách hàng, đa dạng hóa mô hình bán lẻ..
Cần một “thuyền trưởng”
Trung tâm mua sắm Aeon (Nhật Bản) đưa 1/3 hàng hóa có xuất xứ Nhật vào cửa hàng và hàng Việt Nam chỉ chiếm 1/3, còn lại là xuất xứ từ các nước khác. Với việc xây dựng chuỗi siêu thị B’mart, BJC (Thái Lan) tuyên bố sẽ có 70% hàng hóa Thái trong chuỗi siêu thị này. Và một thách thức khi DN ngoại này tuyên bố “không có tay chơi bán lẻ đáng kể nào ở thị trường Việt Nam và điều đó phù hợp với chiến lược của chúng tôi là trở thành nhà lãnh đạo ở bất kỳ thị trường nào chúng tôi làm ăn”. Lời thách thức đó đã được thực hiện.
Trước đây, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nói, thị trường nội địa thì mênh mông, nhu cầu của người dân là rất lớn nhưng hệ thống phân phối của chúng ta không vươn tới được. Đó là lỗi của cả DN và cơ chế chính sách của Nhà nước. Hơn nữa, mở cửa không có nghĩa là buông lỏng, thả nổi vì ngay những cam kết nó cũng có những chỗ rất rõ ràng, các DN nước ngoài cũng có rất nhiều thủ tục, đâu phải là dễ khi mở cửa hàng ở Mỹ hay nước khác, mà Việt Nam lại quá dễ dàng.
Do vậy, hội thảo đưa ra các kiến nghị phải có chính sách bảo vệ cho hệ thống bán lẻ Việt Nam như: cần chính sách kiểm tra nghiêm ngặt nhà phân phối nước ngoài; đầu tư nghiêm túc, đúng mức cho lực lượng phân phối trong nước; cung cấp dịch vụ hỗ trợ về đào tạo và nghiên cứu thị trường; cung cấp thông tin hội nhập thương mại quốc tế cho DN; triệt để ngăn chặn, trừng trị gian lận thương mại. Đặc biệt, nghiên cứu hoạt động xúc tiến thương mại các nước ASEAN và có chính sách hỗ trợ các DN vừa, nhỏ địa phương, các làng nghề trong kết nối, tạo điều kiện khai thác cơ hội thị trường…
Một mô hình đang áp dụng tại Nhật Bản cũng đáng để Việt Nam nghiên cứu: Chính phủ đứng ra làm trung gian để điều chỉnh và đảm bảo chuỗi giá trị bán lẻ bằng cách lập ra các tổng kho và trung tâm phân phối chính. Bên cạnh đó, xây dựng các siêu thị lớn kiểu “Metro” bao tiêu từ A đến Z cho nông dân. Hiệp hội các mặt hàng nông sản kết nối DN với các đối tác nông dân, nhằm tạo chuỗi cung ứng lâu dài. Đến mùa vụ, DN bán lẻ cho xe đến tận các nông trại lớn nhỏ để thu gom nông sản. Sau khi chuyển về xưởng, DN cho phân loại sản phẩm. Hình thức phổ biến là “bán đấu giá” các gói sản phẩm nông sản. Như vậy, nông dân vừa được bán sản phẩm giá cao, người tiêu dùng mua thành phẩm giá thấp hơn do DN trực tiếp mua - bán, hạn chế thông qua thương lái trung gian.
* TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Phải biết nhìn thấy cơ hội
Nền kinh tế đất nước có những dấu hiệu phục hồi nhưng chưa rõ nét lắm. Người tiêu dùng cần thời gian để gia tăng niềm tin và quay lại việc mua bán. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu, rộng trên tất cả các phương diện, nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới là xuyên Thái Bình Dương vẫn đang đàm phán. Điều đó có nghĩa là các nước họ mở cửa cho mình cơ hội bán hàng, xâm nhập thị trường ra bên ngoài, ngược lại các DN nước ngoài cũng xâm nhập vào thị trường nước ta trên tất cả các phương diện từ sản xuất, bán buôn, bán lẻ cho đến dịch vụ. Tuy nhiên, điều quan trọng là mở cửa như thế mình nhìn thấy cơ hội và mọi người cũng nhìn thấy cơ hội.
Cái được quan trọng là phải tiếp cận cơ hội và hiện thực hóa cơ hội phục vụ cho lợi ích của mình. Chúng ta hội nhập, mở cửa như thế, trong mấy năm vừa rồi xuất khẩu của chúng ta tăng lên rất mạnh nhưng chủ yếu là nhờ đầu tư nước ngoài. Cho đến nay có thể nói hơn 2/3 kim ngạch của Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa là những cơ hội kinh doanh và hội nhập các hiệp định mà mình ký kết chủ yếu là người nước ngoài tận dụng được, còn người Việt chỉ tận dụng được ít thôi. Đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ.
Tại sao thị trường của mình ở đây mà mình lại sợ người ta, trong khi mình có nhiều lợi thế hơn về sự am hiểu văn hóa, hiểu biết thị trường? Vấn đề là phải làm cho DN Việt Nam mạnh lên, hệ thống phân phối của DN Việt Nam mạnh lên. Để làm được điều này, cần có vai trò của DN, hiệp hội, Nhà nước. Nếu coi kinh doanh như là thương trường, DN như là chiến sĩ thì Nhà nước là hậu phương và rõ ràng vai trò của hậu phương rất quan trọng. Vì vậy, Nhà nước cần thuận lợi hóa hoạt động kinh doanh, đừng chồng thêm khó khăn, vất vả, rủi ro cho người kinh doanh; cần công bằng, bình đẳng hóa hoạt động kinh doanh.
Cần nhìn thấy nguồn lực hiện có và thay đổi cách sử dụng để nó có hiệu quả hơn. Ví dụ như chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình hỗ trợ DN, xúc tiến thương mại… Về phía DN, không nên coi việc hội nhập như thế mình bị mất, mà nên suy nghĩ trong khó khăn, thách thức có cơ hội. Lúc đó mới có sự sáng tạo và tìm kiếm được cơ hội.
* Bà Hồ Đức Minh, Chánh văn phòng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao: Vai trò định vị của Chính phủNếu cứ giữ quan điểm sản xuất hàng hóa để tiêu thụ nội địa thì khó cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài do mẫu mã, thông tin sản phẩm không thu hút người tiêu dùng.
Xu hướng của thế giới trong thị trường bán lẻ có 4 nhân tố tác động vào và Việt Nam cũng không nằm ngoài vấn đề này. Trong đó, có yếu tố kinh tế toàn cầu về mua sắm, có nghĩa là các nhà bán lẻ nước ngoài họ sẽ vào đây, đem đến những công nghệ mới trong thị trường bán lẻ, các sản phẩm hàng hóa ở một thị trường đã đạt chuẩn rồi. Do vậy, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn được nhiều sản phẩm. Ngoài ra, việc gia nhập của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tạo ra sự kích thích nhà sản xuất trong nước thay đổi cách thức sản xuất. Bên cạnh những cái lợi thì cũng đan xen những cái hại, đó là nếu anh cứ giữ quan điểm sản xuất hàng hóa để tiêu thụ nội địa thì khó cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài do mẫu mã, thông tin sản phẩm không thu hút người tiêu dùng.
Hiện nay theo quan sát, DN Việt Nam cũng có những thay đổi để thích ứng với hội nhập thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, về mặt thông tin họ không nhận được một cách xuyên suốt, tổng thể. Trong khi đó, ở các nước có những chính sách chung để giúp cho DN thích nghi với sự hội nhập toàn cầu. Để DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh hay không, vai trò của chính phủ trong sự chuẩn bị cho họ về việc định vị toàn cầu là hết sức quan trọng. Chẳng hạn như cung cấp chính sách cụ thể cho DN.
Thị trường bán lẻ vào tay ai? Bài 1: Nhộn nhịp mua bán, sáp nhập
Hàn Ni - Đình Lý
Nguồn Sài Gòn Giải Phóng