Whitman ra chiêu

Bất kỳ thông tin chia tách một tập đoàn lớn nào cũng đều thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và chuyên gia phân tích. Nhất là khi công ty bị chia tách đó lại là HP, một trong những hãng công nghệ đã định hình nên thung lũng Silicon và cuộc cách mạng máy tính cá nhân (PC).

Cụ thể, thứ Hai tuần qua, Meg Whitman, người cầm cương HP từ năm 2011, tuyên bố sẽ chia tách hãng công nghệ có hơn 100 tỉ USD doanh thu ra làm hai gồm HP Inc. và Hewlett-Packard Enterprise. HP Inc. sẽ bao gồm bộ phận PC và máy in trong khi Hewlett-Packard Enterprise sẽ bán các sản phẩm và dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn bao gồm máy chủ, thiết bị lưu trữ dữ liệu, phần mềm và dịch vụ tư vấn. Whitman vẫn nắm giữ quyền lực tại 2 công ty này. Bà sẽ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của HP Inc. đồng thời là CEO của Hewlett-Packard Enterprise.

Việc chia tách này thực ra không mới. Người tiền nhiệm của Whitman, ông Leo Apotheker, đã đưa ra ý tưởng chia tách bộ phận PC hồi năm 2011, nhưng không được thông qua, rồi sau đó bị sa thải. Bản thân Whitman đã nhiều lần bác bỏ ý kiến này. Gần đây nhất là đầu năm ngoái, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNBC, bà cũng đã nói: “Chúng tôi sẽ không chia tách Công ty”.

Whitman ra chiêu

Meg Whitman, Tổng Giám đốc công ty công nghệ HP

Nhưng giờ Whitman đã thay đổi ý kiến, nói rằng điều tốt nhất cho HP hiện nay chính là điều ban đầu bà đã chống đối. “Cách đây 3 năm, Công ty đang ở trong một tình huống khá khó khăn, cần phải tái thiết. Và chúng tôi cần phải làm điều đó với vị thế là một HP duy nhất”, bà giải thích.

Nhưng nay, khi HP đã khỏe hơn, bà cho rằng việc chia tách sẽ cho mỗi công ty mới sự độc lập, tập trung và nguồn lực tài chính cùng với tính linh hoạt mà họ cần để thích ứng nhanh với thị trường. “Tinh gọn là con đường duy nhất giành chiến thắng”, bà khẳng định.

Liệu Whitman có đảm đương được cuộc chia tách này? Nếu giao cho bà trọng trách giám sát việc chia tách HP khi bà mới đến Thung lũng Silicon vào năm 1998 từ Walt Disney có lẽ sẽ là điều không tưởng.

Bà đã đến ngành công nghệ với tấm bằng MBA của trường Harvard và không có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật - một lý do bà bị chỉ trích sau vài lần va vấp ở eBay. Thế nhưng, bà đã chứng tỏ mình là một người học hỏi rất nhanh khi giúp đưa eBay trở thành một trong những gã khổng lồ internet trước khi rời eBay vào năm 2008.

“Tinh gọn là con đường duy nhất giành chiến thắng” - Meg Whitman

Nhưng nhiệm vụ lèo lái HP qua cuộc chia tách lần này cũng đầy thách thức không kém. HP đang chật vật thích ứng với cuộc chuyển giao sang lĩnh vực máy tính di động và điện toán đám mây và đang bị qua mặt bởi các đối thủ trẻ tuổi hơn.

Giá trị thị trường của HP chỉ 66 tỉ USD, một con số khiêm tốn so với 596 tỉ USD của Apple và 380 tỉ USD của Microsoft. HP cũng bị qua mặt bởi đối thủ Trung Quốc Lenovo, hiện là nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới về lượng máy tính bán ra.

Tuy nhiên, Maynard Webb, Chủ tịch hội đồng Quản trị Yahoo!, người từng làm việc với Whitman tại eBay trong 7 năm, lại có niềm tin đối với Whitman. Trong thời gian ở eBay, Whitman đã đưa ra nhiều quyết định trọng đại, trong đó có việc mua lại Skype và PayPal, mà phải mất nhiều năm các thương vụ này mới mang lại thành công cho eBay. Dù là trong trường hợp nào, Webb cho biết Whitman đều nắm thông tin rất kỹ trước khi đưa ra kế hoạch.

Quyết định này cũng đã nhận sự hưởng ứng của Ralph Whitworth, nhà sáng lập Relational Investors và là cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của HP. “Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của HP đã đưa ra một quyết định thông minh giúp gia tăng giá trị cho doanh nghiệp vào một thời khắc hoàn hảo trong một cuộc lội ngược dòng. Các công ty mới sẽ ở vị thế tốt hơn để thích ứng với những thay đổi nhanh trên thị trường cũng như về nhu cầu khách hàng”, ông nói.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều người tỏ ý nghi ngờ, cho rằng chia tách sẽ không giải quyết được vấn đề của HP, mà chỉ là tách bạch vấn đề ra. Một trong số đó là Michael Dell, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Dell Inc.

Whitman ra chiêu

HP sau khi chia tách ra làm 2 công ty

Trong một thông báo nội bộ gửi đến các phó chủ tịch của mình, ông Dell nói: “Tôi ngờ rằng lý do duy nhất là các nhà lãnh đạo HP muốn bán một phần hoặc nhiều phần trong Công ty”.

Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích tài chính của Sanford C. Bernstein, cũng không tin rằng 2 công ty chia tách sẽ có triển vọng. “Đây không phải là một vụ chia tách giống như chia tách PayPal từ eBay”, ông nói.

Trong khi PayPal có cơ hội tách khỏi eBay để hoạt động độc lập thì việc chia tách HP lại không mang lại lợi thế như vậy và có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề. Khi không còn bộ phận PC và máy in “sống chung dưới một mái nhà”, HP sẽ không thể dễ dàng bán các gói thiết bị máy tính, máy chủ, dịch vụ tư vấn và phần mềm. Hơn nữa, các công ty sau khi chia tách cũng có thể mất đi thế thượng phong và quyền mặc cả giá với các nhà cung cấp chip vi tính và các linh kiện phần cứng khác.

Hiện tại, tình thế của HP chưa thể nói là đã khả quan. Bộ phận máy chủ, thiết bị lưu trữ và các phần cứng doanh nghiệp khác của HP đã báo cáo mức giảm 7,4% lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng kết thúc vào ngày 31/7.

Trong khi đó, bộ phận này sẽ là nguồn đóng góp doanh thu lớn nhất cho Hewlett-Packard Enterprise. HP cũng đã giới thiệu các công cụ phần mềm để giúp doanh nghiệp có thể quản lý các trung tâm dữ liệu đồ sộ của mình và kết nối chung với “đám mây”. Nhưng mảng phần mềm có biên lợi nhuận cao này lại có quy mô nhỏ và còn gặp khó khăn: Phần mềm chiếm chưa tới 4% tổng doanh thu của HP và doanh số bán ở mảng này đã giảm trong suốt quý gần đây nhất so với cùng kỳ năm ngoái.

Whitman ra chiêu

Còn đối với HP Inc., đó là thách thức của một thị trường tiêu dùng có biên lợi nhuận thấp và cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nặng ký như Apple và Samsung. Ngay cả Whitman dù kỳ vọng các cải tiến công nghệ mới như in 3D sẽ giúp cải thiện triển vọng của HP Inc, nhưng bà cũng có cái nhìn rất thực tế: “Tôi không nghĩ công ty này (HP Inc.) sẽ đối đầu được với Apple và Samsung”.

Đến nay, điểm sáng của HP là các hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, hoặc các nền tảng phần cứng giúp kết nối kho lưu trữ, hệ thống mạng và máy tính. HP cũng là một người chơi mới đầy hứa hẹn trong lĩnh vực thiết bị mạng internet, theo đánh giá của Neil MacDonald, Phó Chủ tịch tại hãng nghiên cứu Gartner. Vấn đề là, theo ông MacDonald, Hewlett-Packard Enterprise sẽ cần nhiều tiền để đầu tư vào các lĩnh vực đang lên, nhất là khi Whitman không còn nguồn tiền hỗ trợ từ mảng PC và máy in.

Với những chật vật này, Daniel Ives, chuyên gia phân tích công nghệ tại FBR Capital Markets, cho rằng: “HP vẫn đang trong tình huống khó khăn. Vẫn chưa biết là bước đi chiến lược này (việc chia tách) có giúp họ mở đường cho tăng trưởng hay không”. Dù vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngại, nhưng ít nhất nhà đầu tư lại rất hào hứng khi đẩy tăng giá cổ phiếu HP lên 4,74% đạt 36,87 USD vào hôm thứ Hai tuần qua.

Ngô Ngọc Châu
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn