5 bí quyết khởi nghiệp của ông chủ Tập đoàn Phú Thái

Trong khuôn khổ chương trình LifeB Forum 3, doanh nhân Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệm với các bạn trẻ tại khách sạn Fortuna với chủ đề “Khởi nghiệp: Học thế nào?”

Qua hơn 20 năm tự khẳng định bản thân trên thương trường, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái đã đưa doanh nghiệp từ một công ty nhỏ với chỉ hơn 10 thành viên, vươn lên trở thành Tập đoàn phân phối - bán lẻ lớn mạnh tại Việt Nam.

Ông Phạm Đình Đoàn được ghi nhận như một hình mẫu doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam qua việc ông từng đạt Giải thưởng Doanh nhân Sao Đỏ - giải thưởng dành cho những doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam với thành tích nổi bật trong kinh doanh và đóng góp cho xã hội. Ông cũng từng được bầu chọn là 50 người Tiên phong năm 2012.

5 bí quyết khởi nghiệp của ông chủ Tập đoàn Phú Thái

Ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ bí quyết khởi nghiệp

Ông chủ tập đoàn bán lẻ nổi tiếng chia sẻ những kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công:

1. Quan trọng nhất vẫn là học

Theo ông Phạm Đình Đoàn, lứa tuổi từ 40-50 là thời gian mà một doanh nhân dễ đạt được thành công nhất, chính vì vậy, các bạn trẻ không cần quá vội vàng.

Việc nhận được mức lương 5 triệu hay 20 triệu trước lứa tuổi 30 không khẳng định bạn sẽ thành công hay không. Quan trọng là trong quá trình làm việc, bạn đã học được gì.

Ở lứa tuổi này, kiến thức mới là điều bạn cần tập trung nhất. Ông chia sẻ: "Giả sử bạn muốn đi một chiếc xe máy trị giá 50 triệu, thay vì dành cả 50 triệu để mua một chiếc xe, bạn chỉ cần đi xe 20 triệu và hãy dành 30 triệu cho việc học".

Trước tuổi 30 các bạn trẻ nên trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, đàm phán, quản lý tài chính, ngoại ngữ,… cho thật giỏi.

Ngoài ra, trước tuổi 30 các bạn trẻ nên trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, đàm phán, quản lý tài chính, ngoại ngữ,… cho thật giỏi. Nếu có thể thì nên theo học ở những trường đại học uy tín và học cả ở trường đời.

2. Nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”

Thực tế hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp theo trào lưu, thiếu việc chuẩn bị và tìm hiểu kỹ về lĩnh vực mà mình sẽ làm, đồng thời đầu tư rải rác vào nhiều lĩnh vực khác nhau, dẫn đến việc gặp thất bại trong kinh doanh.

Khi nhắc đến những sai lầm này, ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ: “Kinh doanh ở Việt Nam, do chính sách còn hạn chế cùng với nguồn lực có hạn nên không thể áp dụng quy tắc “bỏ trứng vào nhiều giỏ” như ở trong sách hay các tài liệu nước ngoài. Các bạn nhất định phải “bỏ tất trứng vào một giỏ”, phải tập trung đầu tư làm thứ mà mình giỏi nhất. Khi nào chưa đủ nguồn lực về tài chính, nhân lực… thì không nên phân tán, đầu tư vào nhiều mảng khác nhau. Đó là việc cực kỳ mạo hiểm và khả năng tan rã khi mới khởi nghiệp là rất lớn”.

Ông Đoàn đặc biệt nhấn mạnh về việc các doanh nghiệp nhỏ khi khởi nghiệp nên tìm cho mình một thị trường ngách để tập trung tìm hiểu và học hỏi về cái mình đang làm, cũng như tự tạo ra sự khác biệt trước các đối thủ, nhân tố then chốt giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, sự sáng tạo của doanh nghiệp không nhất thiết phải nằm trong việc tìm ra sản phẩm mới, hay lĩnh vực kinh doanh mới, mà bắt nguồn từ ngay trong việc bạn có thể mang lại sự phục vụ ưu việt, vượt trên những mong đợi của khách hàng.

5 bí quyết khởi nghiệp của ông chủ Tập đoàn Phú Thái

Để minh họa cho quan điểm này, ông Đoàn đã chia sẻ câu chuyện thú vị mà ông gặp tại một nhà hàng Nhật. Khi thấy ông tỏ ra thích thú và muốn chụp ảnh chai rượu vang có trên bàn tiệc, chỉ sau 20 phút nhà hàng đã tinh ý mang ra tặng vị doanh nhân bức ảnh chai rượu mà ông quan tâm. Điều đó đã khiến vị lãnh đạo của tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Việt Nam đã vô cùng bất ngờ và ấn tượng về phong cách phục vụ của nhà hàng.

3. Đừng bao giờ đánh mất uy tín

Theo ông Phạm Đình Đoàn, phải biết giữ những gì mình đang có, đặc biệt uy tín. Uy tín là điều quan trọng nhất mà mỗi doanh nhân cần phải giữ gìn, là một trong những yếu tố làm nên giá trị vô hình của một doanh nghiệp, nâng giá trị và tầm vóc của doanh nghiệp lên rất nhiều.

Nếu doanh nghiệp đánh mất uy tín một lần thì rất khó để gây dựng lại và có cơ hội làm việc với các đối tác lớn. Do đó, đánh mất niềm tin chính là việc tối kỵ trong kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Với ông, mất tiền chỉ là mất nửa đời người. Mất lòng tin là mất tất cả.

Uy tín là điều quan trọng nhất mà mỗi doanh nhân cần phải giữ gìn, là một trong những yếu tố làm nên giá trị vô hình của một doanh nghiệp.

4. Luôn hợp tác với người mạnh nhất

Khi khởi sự, mỗi doanh nghiệp nên tìm đến những đối tác lớn hoặc những người đỡ đầu uyên bác, bởi theo ông: "Bí quyết của thành công là luôn hợp tác với người mạnh nhất, được làm việc với người giỏi, với các tổ chức lớn thì bản thân mới học được nhiều điều. Hơn nữa, trước khi bắt tay vào thực thi một ý tưởng kinh doanh, người khởi nghiệp trẻ nên tìm đến những vị cố vấn giỏi để phản biện ý tưởng và nhận được những sự góp ý, bổ sung cần thiết cho tổ chức của mình".

5. Chăm chỉ và đạo đức

Lời khuyên cuối cùng của ông Phạm Đình Đoàn và cũng là điều ông cho rằng quan trọng nhất là người khởi nghiệp cần luôn tâm niệm và làm việc theo hai nguyên tắc: Chăm chỉ và đạo đức.

Theo ông, người mới khởi nghiệp thì cần làm việc chăm chỉ và kiên trì gấp 10 lần người đi làm bình thường, phải hy sinh rất nhiều thời gian dành cho việc nghỉ ngơi và giải trí, thậm chí cả thời gian dành cho gia đình.

Ông chủ Tập đoàn Phú Thái cũng chia sẻ rằng, ông đã không có thời gian rảnh để xem một bộ phim trong suốt nhiều năm.

5 bí quyết khởi nghiệp của ông chủ Tập đoàn Phú TháiĐạo đức là đức tính quan trọng nhất mà một doanh nhân cần có. Hiện tại, khi tính cá nhân đang lên ngôi, thì người lãnh đạo chính là linh hồn của doanh nghiệp.

“Quyết định có hợp tác với một doanh nghiệp hay không phụ thuộc rất lớn vào phẩm chất đạo đức của người đứng đầu doanh nghiệp”, ông Đoàn khẳng định.

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn nhắn nhủ các bạn trẻ đang lập nghiệp: “Thế giới thay đổi không ngừng và khó đoán trước. Việt Nam đang ở phía sau và rất xa, chúng ta không nhìn rõ được tương lai. Vậy chúng ta, các doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để tồn tại và phát triển trong bối cảnh không dễ cạnh tranh với những người khổng lồ? Hãy chuẩn bị đủ hành trang, chuẩn bị đủ sức khỏe, xác định hướng đi và chạy thật nhanh, đừng đi đường vòng... thì cơ hội thành công sẽ rất nhiều”.

Hoàng Sang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp