Thị trường xe máy: Cạnh tranh trong thế khó
Dù thị trường liên tục sụt giảm nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất xe máy vẫn không ngừng tung ra những mẫu xe mới với tỷ lệ nội địa hóa cao. Đây được xem là một trong những biện pháp ưu tiên để tăng trưởng và giữ thị phần trong tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa.
"Xuống cục bộ”
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tính đến tháng 8/2014 là 15 tháng liên tiếp thị trường xe máy sụt giảm số lượng. Năm 2013, toàn thị trường chỉ đạt 2,97 triệu xe, giảm 9% so với năm 2012.
Trong đó, Honda chiếm thị phần áp đảo với 1,87 triệu xe, Yamaha đứng thứ 2 với 721.000 chiếc, SYM đạt 500.000 xe, Piaggio bán ra hơn 56.000 chiếc và Suzuki là 50.000 chiếc. Tiếp đà giảm sút, từ tháng 4 - 8/2014, các hãng xe máy chỉ bán được 977.586 xe, bằng 96,9% so với năm trước.
Tháng 9, nhờ vào thời điểm tựu trường và lượng xe dành cho sinh viên học sinh tăng nên thị trường có nhích lên nhưng không đáng kể. Nguyên nhân chính khiến thị trường xe máy đi xuống được các hãng sản xuất nhìn nhận là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Ông Wang Ching Tung, Tổng giám đốc Công ty SYM Việt Nam, cho rằng, thị trường xe máy đi xuống chỉ là cục bộ. Khi kinh tế tăng trưởng trở lại vào năm 2015 - 2016 thì chắc chắn nhu cầu về xe máy sẽ tăng lên.
Hướng đến tương lai nên dù thị trường còn khó khăn nhưng các hãng xe máy vẫn liên tục tung ra nhiều sản phẩm mới. Mới đây nhất, ngày 9/10, Honda Việt Nam đã cùng lúc đưa ra thị trường 3 sản phẩm mới nhắm đến 3 phân khúc khách hàng là xe ga Vision, xe số Blade và xe côn tay MSX 125.
Trong đó, mẫu xe côn tay MSX 125 được xem là hướng ra mới cho nhà đầu tư đứng đầu thị trường này. Bởi đây là phân khúc khách hàng mới: những người trẻ thích sự mạnh mẽ, thể thao mà các hãng đang nhắm đến.
Do là phân khúc mới nên Honda cũng khá dè dặt và chỉ nhập khẩu từ Thái Lan về để thăm dò thị trường. Trước đó, từ tháng 1 - 6, Honda Việt Nam đã lần lượt tung ra 5 mẫu xe mới là Future 2014, Wave 110 RSX Fi, Wave RSX, Air Blade và PCX 2014.
Trước Honda Việt Nam, các hãng xe khác như Suzuki, Yamaha, Piaggio, SYM cũng đã liên tục đưa ra thị trường những mẫu xe hoàn toàn mới. Cụ thể, Suzuki có mẫu xe côn tay Thunder 150 Fi và 150S Fi dành cho giới trẻ.
Yamaha có mẫu xe Sirius Fi 2014, Exciter 2014 với tem mới và New Luvias. Piaggio ra mắt xe tay ga Vespa Primavera, xe Sprint thay thế Vespa S, đồng thời làm mới cho dòng xe Liberty bằng hai phiên bản Liberty tiêu chuẩn và Liberty S 2014. Chưa dừng lại ở những mẫu xe này, các hãng đều đã có kế hoạch tiếp tục những dòng xe mới cho thị trường.
Và đến thời điểm này, Honda cho biết đã hoàn thành kế hoạch 9 tháng đầu năm nhưng "có đạt được kế hoạch đề ra trong năm hay không lại là điều... rất khó đoán. Thông thường, cuối năm là thời điểm bán chạy của xe máy nhưng đã có những năm thời điểm này sụt giảm mạnh".
Thông thường, cuối năm là thời điểm bán chạy của xe máy nhưng đã có những năm thời điểm này sụt giảm mạnh".
Tăng nội địa hóa
Thị trường sụt giảm liên tiếp 15 tháng qua nhưng không vì thế mà DN giảm đầu tư. Sau thời gian ồ ạt mở nhà máy, nâng công suất sản xuất, hiện nay, các hãng tập trung mạnh cho nghiên cứu sản phẩm. Khi thị trường có đầy đủ các dòng sản phẩm từ phổ thông đến cao cấp, thì nội địa hóa để giảm giá thành là ưu tiên số 1 mà các hãng áp dụng để cạnh tranh. Hiện nay, hầu như các liên doanh trong VAMM đều đã tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 90 - 95%.
Chiến dịch cạnh tranh nội địa hóa được khơi mào bởi Honda Việt Nam với mẫu xe SH sản xuất tại Việt Nam vào đầu tháng 7/2012. Mẫu xe này được Honda Việt Nam định vị ở tầm trung cao với giá 66 triệu đồng cho phiên bản SH 125i và SH 150i giá 80 triệu đồng, thấp hơn 50 triệu đồng so với phiên bản trước.
Ngay lập tức, vào cuối tháng 7/2012, Piaggio trình làng mẫu xe Liberty S 125 i.e với giá 57,9 triệu đồng. Tiếp tục chiến dịch này, giữa năm 2013, Honda ra mắt mẫu xe SH Mode dành cho phái nữ với tỷ lệ nội địa hóa hơn 90% và giá bán 50 triệu đồng.
Cho đến nay, cùng với những dòng "xe sang", các dòng xe phổ thông của Honda như Air Blade, Future, Wave... đạt tỷ lệ nội địa lên đến 95%. Cũng như Honda, các sản phẩm của SYM Việt Nam được DN này tiết lộ đạt tỷ lệ nội địa hóa lên đến 95%.
Hiện nay, hầu hết các liên doanh đếu hướng đến việc sản xuất tại chỗ và giảm nhiều chi phí cho việc nhập khẩu linh kiện. Điều này không những giúp DN tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ tại Việt Nam mà còn giảm được đáng kể chi phí nhưng chất lượng không giảm nhiều.
Nhưng điều quan trọng là từ việc tăng tỷ lệ nội địa, các hãng xe máy tính đến phương án xa hơn: xuất khẩu. Cả Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam và SYM Việt Nam đều hướng đến các thị trường lân cận.
Đại diện Công ty SYM Việt Nam, cho biết, ngoài thị trường Việt Nam, các sản phẩm của SYM xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á, chủ yếu là Malaysia và Philippines bình quân 80.000 xe/năm. Piaggio Việt Nam đã xuất sang thị trường ASEAN mỗi năm 30.000 xe.
Ông Minoru Kato, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, cho rằng, thời gian qua, kinh doanh xe máy phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Honda Việt Nam vẫn cố gắng thúc đẩy bán hàng nhằm giữ vững thị phần 70% trong 5 doanh nghiệp FDI.
"Chúng tôi nhận thấy rằng tình hình khó khăn này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Dù vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực hết sức để mang đến những sản phẩm hấp dẫn, dịch vụ chất lượng cao hơn nữa đến khách hàng. Bên cạnh đó, không chỉ sản xuất cho thị trường trong nước, chúng tôi còn xuất khẩu một số mẫu xe cho thị trường nước ngoài. Dự tính, sản lượng xuất khẩu trong năm nay sẽ đạt 100.000 xe và xuất khẩu đến 20 quốc gia", ông Minoru Kato cho biết.
Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn