Yahoo, Google, Facebook: "đạn đã lên nòng"
Yahoo!, Google và Facebook cùng chuẩn bị ráo riết "vũ khí chiến lược" trên thị trường ứng dụng nhắn tin di động (OTT). Các ông lớn động thủ!
Facebook hoàn tất thâu tóm WhatsApp
Chi 19 tỉ USD thâu tóm ứng dụng nhắn tin WhatsApp từ ngày 20-2, đến ngày 6-10 vừa qua, thương vụ này mới được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn sau khi xem xét yếu tố cạnh tranh và chống độc quyền.
Trước đó, WhatsApp được xem là đối thủ cạnh tranh lớn với các nhà mạng châu Âu như Deutsche Telekom, Orange hay Telecom Italia do ứng dụng nhắn tin này dự kiến tung ra dịch vụ gọi thoại miễn phí cho 450 triệu người dùng của mình vào cuối năm nay.
Theo Reuters, WhatsApp hiện có hơn 600 triệu người dùng mỗi tháng. Đội ngũ nhân sự 70 người và có trụ sở tại Mountain View, bang California, Mỹ.
Nhà sáng lập WhatsApp, ông Jan Koum, sẽ nhận cổ phiếu trị giá 2 tỉ USD để ở lại Facebook trong vai trò giám đốc bộ phận và tiếp tục quản lý WhatsApp. Tương tự, CEO Facebook Mark Zuckerberg, Jan Koum sẽ nhận mức lương 1 USD/tháng.
WhatsApp cùng các ứng dụng nhắn tin di động khác như Line, Viber, KakaoTalk, WeChat... đang cắt những mảng lớn từ miếng bánh doanh thu có tổng giá trị lên đến 120 tỉ USD của các nhà mạng viễn thông với các dịch vụ nhắn tin và gọi thoại miễn phí qua mạng Internet (OTT)
Số liệu năm 2013 từ Công ty nghiên cứu thị trường Ovum
Ngày 5-10, một sinh viên Stanford Andrew Aude lần mò trong mã nguồn Facebook Messenger và phát hiện mạng xã hội này đã "rục rịch" chuẩn bị cho chức năng thanh toán di động (mobile payment) trong ứng dụng. Theo đó, trong thời gian tới khi dịch vụ này ra mắt, người dùng mạng xã hội có thể gửi tiền trực tiếp cho nhau từ ứng dụng di động với mã PIN, cụ thể là Facebook Messenger.
Mới đây, mạng xã hội này buộc người dùng cài đặt ứng dụng Facebook Messenger thay cho trình nhắn tin tích hợp bên trong ứng dụng Facebook. Facebook cũng phát hành ứng dụng nhắn tin Slingshot đối đầu Snapchat, sau khi Evan Spiegel (chủ nhân Snapchat) "quay lưng với nụ cười trị giá 3 tỉ USD" của Mark Zuckerberg.
Và hai nhà sáng lập Snapchat Evan Spiegel và Bobby Murphy đã sáng suốt. Giá trị ứng dụng này vọt lên đến 10 tỉ USD sau vòng gọi vốn gần đây nhất, và giới truyền thông đồn đoán Yahoo! sẽ tham gia cuộc đua qua thương vụ thâu tóm Snapchat.
Yahoo! bất ngờ mua MessageMe, ngó lơ Snapchat
Kiếm hơn 5 tỉ USD qua vụ IPO của Alibaba từ 1 tỉ USD đầu tư ban đầu, Yahoo! không chi bộn thâu tóm Snapchat, thay vào đó công ty chi ít hơn nhiều để mua ứng dụng nhắn tin MessageMe. Giới phân tích dự đoán chi phí thâu tóm MessageMe là 30-40 triệu USD.
MessageMe là ứng dụng nhắn tin ra đời năm 2012 bởi hai nhà sáng lập Arjun Sethi và Alex Chee tại San Francisco (Mỹ). Tháng 5-2013, MessageMe có 5 triệu người dùng.
Khác với 19 tỉ USD từ Facebook thâu tóm WhatsApp có hơn 600 triệu người dùng, Yahoo! mua MessageMe nhằm đưa đội ngũ phát triển ứng dụng này gồm tám thành viên tham gia nhóm xây dựng sản phẩm riêng của Yahoo! và đóng cửa MessageMe.
Theo thông báo chính thức trên website MessageMe, người dùng vẫn sử dụng được đến ngày 7-11-2014. Sau thời điểm này, toàn bộ tin nhắn, tài khoản, thông tin cá nhân sẽ bị xóa.
Giới phân tích kỳ vọng ứng dụng nhắn tin mới của Yahoo! sẽ mang phong cách hiện đại như ứng dụng thời tiết Yahoo! Weather đã tạo hứng khởi khi ra mắt, và thay thế Yahoo! Messenger già cỗi đang nằm ở vị trí 566 trên bảng xếp hạng iTunes (theo App Annie).
"Vũ khí" của Google sẽ lộ diện năm 2015
Tờ Thời Báo Kinh Tế Ấn Độ cho biết Google đang xây dựng một ứng dụng nhắn tin tương tự Viber, Line và WhatsApp. Công ty dự định thử nghiệm tại thị trường Ấn Độ vào năm sau.
Theo thông tin, ứng dụng nhắn tin này sẽ độc lập với ứng dụng Hangouts mà Google đang chăm chút, miễn phí và không yêu cầu tài khoản Google để đăng nhập tương tự các sản phẩm và dịch vụ khác như Gmail hay Google Play. Đây là bước đi tương tự việc Google mở rộng cửa đón tất cả người dùng đến với mạng xã hội Google+ vừa qua.
Tại Ấn Độ, WhatsApp có vị trí vững chắc với 65 triệu người dùng. BlackBerry cũng đang tìm kiếm thành công tại thị trường này sau khi mở rộng phạm vi hỗ trợ cho ứng dụng BBM. Line và Viber cũng tích cực nội địa hóa nhằm thu hút người dùng.
Ngoài hỗ trợ tiếng Ấn Độ, "vũ khí" của Google còn có khả năng chuyển giọng nói thành văn bản, một công cụ hữu ích mà Google đã tích hợp vào nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm Google Search. Theo đó, người dùng chỉ đọc nội dung và ứng dụng tự động chuyển thành nội dung tin nhắn văn bản.
Hiện Google chưa xác nhận thông tin trên từ Economic Times.
Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin, gọi thoại (VoIP) Microsoft Skype tuyên bố ngừng cung cấp dịch vụ gọi đến số điện thoại cố định và di động trong Ấn Độ, người dùng ở nước khác vẫn có thể gọi đến các số điện thoại Ấn Độ qua Skype. Chính sách bắt đầu áp dụng từ ngày 10-11 và chưa có lý do cụ thể.
Thanh Trực
Nguồn Tuổi Trẻ Online