Sức nóng của Starbucks tại Việt Nam đang ở mức nào?
Chuyên gia đánh giá rằng: Xuất hiện ồn ào lúc mới ra mắt nhưng hiện tại, Starbucks đã nhanh chóng “hạ nhiệt” ở Việt Nam.
Ngày 7/10, Starbucks đã tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam bằng việc khai trương cửa hàng thứ 4 tại tầng trệt trung tâm thương mại Indochina Plaza Hanoi (IPH), quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Việc khai trương các cửa hàng tại thị trường Hà Nội cho thấy sự nỗ lực của hãng đồ uống này tại thị trường Việt Nam với mục tiêu mở hàng trăm cửa hàng, nhất là Hà Nội, nơi được coi là gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm mặt bằng.
Trao đổi với báo chí, về thách thức khi tìm kiếm mặt bằng để mở rộng mạng lưới của Starbucks tại Việt Nam, bà Patricia Marques, Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam đã cho hay: “Việc tìm kiếm một vị trí tốt là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp, không chỉ riêng chúng tôi. Nhưng chúng tôi tiếp tục tự tin trong khả năng của chúng tôi để xây dựng và phát triển thương hiệu Starbucks ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại đánh giá: Starbucks chưa chắc đã thắng tại Việt Nam. Xuất hiện ồn ào lúc mới ra mắt nhưng hiện tại, Starbucks đã nhanh chóng “hạ nhiệt” ở Việt Nam. Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang đã chia sẻ với báo chí: “Hiện tại, Starbucks hoạt động bình thường. Bình thường có nghĩa Starbucks không còn giữ được sức nóng ban đầu. Khi Starbucks mới khai trương, nhiều khách hàng ồ ạt tới mua cà phê chủ yếu để thử. Sau vài lần uống thử cho biết, họ lại trở về với thức uống quen thuộc của mình”.
Starbucks đã không chinh phục được đại đa số khách hàng Việt Nam, không lấn át được cà phê Việt vì cà phê Việt có bản sắc riêng, phù hợp với văn hóa và thói quen của người Việt. Theo ông Võ Văn Quang, rất nhiều khách hàng Việt thích cà phê đen, đặc. Khi dùng Starbucks, họ không cảm thấy “đã”.
Vì vậy, ông Quang phân tích Starbucks chỉ giữ chân được một bộ phận nhỏ dân văn phòng, khách hàng nữ, những người chỉ uống được cà phê loãng. Ngoài ra, đối tượng khách hàng lớn nhất của Starbucks là người ngoại quốc, những người đã quen dùng Starbucks từ trước.
Mới đây, để cạnh tranh, Starbucks đã phải giảm giá để giữ chân khách, giữ nhịp tăng trưởng. Điều mà rất ít khi xảy ra ở những thị trường lân cận như Singapore hay Malaysia...
Hơn nữa, Phúc Long đã mở cửa hàng thứ 10 của mình ngay ngã 6 Phù Đổng (Tp.HCM) nơi đặt đại bản doanh của Starbucks. Với chiến lược đối đầu rất rõ ràng, Phúc Long hiểu rằng lợi thế của mình nằm ở chiến lược giá cũng như tính bản địa. Đây sẽ là điểm chủ chốt để có thể lấn lướt các "ông lớn".
Starbucks không phải là “nạn nhân” đầu tiên, khi chính Phúc Long theo sát những ông lớn khác, luôn xuất hiện gần bên những tên tuổi đình đám như Highland Ccoffee, Trung Nguyên hay The Coffee Bean. Lượng khách hàng ổn định của Phúc Long tại các cửa hàng đang đối đầu trực tiếp với với The Coffee Bean và Highland – đây là bàn đạp để qua mặt cả “gã khổng lồ” Starbucks.
Chính vì vậy, “tương lai của Starbucks cũng như các thương hiệu lớn đang chịu sự đe dọa trực tiếp từ những thương hiệu nội. Nếu không tìm ra giải pháp và chiến lược thích hợp thì ngày Starbucks phải ngừng phát triển sẽ là một ngày không quá xa” – một chuyên gia trong giới F&B nhận xét.
Trước đó, “gã khổng lồ” cà phê này đã chính thức mở màn cho chương trình Bắc tiến của Starbucks Việt Nam bằng sự kiện văn hóa cà phê tại Hà Nội, nơi các khách mời sẽ cùng tham gia trải nghiệm các mẫu đồ uống được ưa thích nhất tại Starbucks.
Starbucks Việt Nam đã coi đây là “cơ hội đặc biệt” để chia sẻ với người dùng về hành trình từ hạt cà phê tới tách cà phê và thể hiện sự trân trọng mà Starbucks dành cho văn hóa cà phê cũng như những tiến bộ trong công nghệ chế biến đồ uống tại Starbucks.
Ly Ly
Nguồn Soha