Chuyển phát nhanh: Doanh nghiệp nội hụt hơi
Thị trường chuyển phát nhanh được đánh giá là rất tiềm năng khi mới đây DHL đã đầu tư thêm 10 triệu USD để mở rộng thị trường. Nhưng "sân chơi" này đang thuộc về các nhà đầu tư ngoại.
DHL tăng tốc
Giữa tháng 9, Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL - VNPT (thành viên của Tập đoàn DHL tại Việt Nam) đã khai trương văn phòng chính và Trung tâm Khai thác Phía Nam tại TP.HCM. Dự án này có vốn đầu tư 10 triệu USD, là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của DHL tại thị trường Việt Nam.
Văn phòng và trung tâm khai thác chính của DHL có diện tích 4.900m2, trang bị nhiều dây chuyền, thiết bị hiện đại nhất hiện nay. Với đầu tư lần này, DHL đã có hai trung tâm khai thác tại TP.HCM và Hà Nội bên cạnh các trạm trung chuyển tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Không chỉ đầu tư cho các trung tâm khai thác và trạm trung chuyển, DHL còn bổ sung vào danh sách các phương tiện vận chuyển với những trang thiết bị hiện đại nhất. Tính đến nay, DHL - VNPT có 1 máy bay chuyên dụng đến TP.HCM mỗi ngày, 134 phương tiện vận chuyển, hơn 400 nhân viên đạt tiêu chuẩn quốc tế thực hiện hơn 10.000 đơn hàng mỗi ngày.
Theo đại diện của DHL - VNPT, dự án mới cho phép hoạt động của Công ty hiệu quả hơn, chuyển phát các lô hàng sớm hơn, nhận hàng gửi từ khách hàng trễ hơn. Trong tháng 4/2014, doanh nghiệp này đã đầu tư 43 xe vận chuyển thương hiệu Mercedes.
Trước đó, trong năm 2012 - 2013, DHL Express đã đầu tư hàng loạt hạng mục như tăng thêm 5 chuyến bay từ Hồng Kông đến TP.HCM. Đến thời điểm đó, DHL là doanh nghiệp nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế cho Vũng Tàu và Đồng Nai nhờ việc mở rộng thêm các chuyến bay từ trạm trung chuyển Hồng Kông.
Như vậy, đến nay, DHL đã đầu tư 37 triệu USD cho thị trường Việt Nam. Với quy mô ấy, DHL được xem là thương hiệu "kèo trên" trong lĩnh vực chuyển phát nhanh.
Theo chia sẻ của ông Jerry Hsu, Giám đốc Điều hành DHL Express khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ khi có mặt tại Việt Nam cách đây 26 năm, DHL luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Việc đầu tư mạnh trong lần này sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng của Công ty trong nhiều năm tới.
Nhưng không phải chỉ mình DHL đẩy mạnh sự hiện diện tại Việt Nam, mà trước đó, giữa năm 2013, UPS đã mua 49% cổ phần của VNPost Express, trở thành công ty chuyển phát nhanh có 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.
Với việc sở hữu 100% vốn của Liên doanh UPS Việt Nam, nhà đầu tư này tin tưởng khách hàng sẽ được kết nối tốt hơn với thế giới thông qua mạng lưới toàn cầu mà thương hiệu này sở hữu.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo các doanh nghiệp kinh doanh chuyển phát nhanh, mấy năm gần đây, thị trường này cạnh tranh rất khốc liệt. Đặc biệt là sau khi thị trường mở cửa vào ngày 11/1/2012, cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh. Và thương vụ mua toàn bộ cổ phần của VNPost Express là bằng chứng cho thấy quyết tâm mở rộng của UPS.
UPS xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1994 bằng việc liên doanh với Công ty chuyển phát nhanh Bưu điện Việt Nam (VNPost Express), với tỷ lệ vốn góp 51% cho UPS và 49% cho VNPost Express, Công ty CP UPS Việt Nam đã ra đời.
Ngay từ khi có mặt, UPS đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới tại các trung tâm thương mại và công nghiệp trọng điểm, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh...
Các trung tâm mới này được đặt tại những vị trí trong khu vực kinh doanh chính, nơi có nhu cầu cao đối với các dịch vụ logistics.
Cùng thời điểm với UPS, FedEx cũng có mặt tại Việt Nam thông qua một công ty tư nhân.
Xác định việc mở rộng dịch vụ là một phần trong chiến lược kinh doanh nên FedEx đã đưa máy bay Airbus A310 vào chuyển phát nhanh tại Việt Nam. Với sự đầu tư này, năng suất chuyển phát nhanh của FedEx tăng 5 lần so với trước đây. Ngay sau đó, TNT cũng liên doanh với Viettrans thành lập Liên doanh TNT-Viettrans.
Như vậy, gần như các nhà chuyển phát nhanh lớn trên thế giới như DHL (Đức), TNT (Hà Lan), FedEx, UPS (Mỹ) đã có mặt tại Việt Nam. Bởi đây là thị trường đầy tiềm năng nhờ vào sức hấp dẫn của tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Và nói như ông Jerry Hsu, thì Việt Nam sẽ là thị trường chuyển phát nhanh hàng đầu của ASEAN trong vài năm tới. Song song với tốc độ tăng trưởng và mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ ngày càng tăng. Bởi, các doanh nghiệp cần vận chuyển, kết nối với các đối tác.
Thị trường rất tiềm năng nhưng điều đáng buồn là đã về tay các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, đến 80% thị phần chuyển phát nhanh thuộc về 4 "ông lớn" DHL, TNT, FedEx, và UPS. Lãnh đạo một doanh nghiệp trong nước thừa nhận, với kinh nghiệm, công nghệ và tiềm lực tài chính, các nhà khai thác bưu chính toàn cầu đang tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp nội.
Nhưng dù bị cạnh tranh khốc liệt từ "những tay chơi lớn" nhưng các doanh nghiệp trong nước tìm mọi biện pháp để tăng trưởng. Cuối năm 2012, VNPost Express đã sáp nhập 2 dịch vụ EMS và VExpress. Cùng với đó, Công ty tổ chức lại sản xuất, cải tiến quy trình dịch vụ để giảm giá thành, tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, Công ty cũng bổ sung nhiều loại hình dịch vụ mới, dịch vụ cộng thêm để tăng khả năng cạnh tranh của dịch vụ EMS, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Đồng thời, sự điều chỉnh kịp thời về giá cước và chính sách khách hàng để thích ứng nhanh với thị trường. Với những điều chỉnh trên, năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng dịch vụ EMS trong nước đã tăng cao so với những năm trước.
Cụ thể, năm 2013, số lượng dịch vụ EMS trong nước đạt trên 23,1 triệu bưu gửi, tăng 217% so với năm 2012, tổng doanh thu đạt trên 533,7 tỷ đồng, bằng 218% so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, đã có 14,5 triệu bưu gửi EMS với tổng doanh thu dịch vụ đạt 353,4 tỷ đồng.
Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn