Smartphone: Tương lai của bán lẻ
Kết nối người tiêu dùng và nhà bán lẻ bằng smartphone đã không còn là trào lưu. Là tương lai.
Hơn 30% người việt đang sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Đó là kết quả nghiên cứu Hành vi Trực tuyến của Người tiêu dùng năm 2014 do Google và TNS thực hiện. Theo nghiên cứu này, tỉ lệ sở hữu smartphone tại Việt Nam đã tăng từ 20% lên mức 36% chỉ trong vòng một năm.
Cùng lúc đó, Nielsen cũng công bố báo cáo cho thấy có đến 58% người Việt dùng smartphone cho biết họ thường xuyên sử dụng thiết bị này để mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đứng thứ ba ở Đông Nam Á về tỉ lệ mua sắm trực tuyến bằng smartphone, chỉ sau Philippines và Indonesia.
Rõ ràng, mọi chuyện đã không còn giống như một vài năm trước khi mà giờ đây, với sự tham gia của rất nhiều nhà sản xuất điện thoại ở phân khúc bình dân, việc sở hữu một chiếc smartphone đã trở nên rất dễ dàng. Đặc biệt, sự bùng nổ của smartphone cũng giúp cho các website thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp cận người mua hàng thuận tiện hơn.
Trong số hơn 30 đơn vị lớn nhỏ đang tham gia thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đã có khoảng 1/3 trong số đó phát triển thêm ứng dụng cho phép người dùng xem và đặt mua hàng trên smartphone hoặc máy tính bảng. Có thể kể đến một số ứng dụng nổi bật như Lazada, Zalora, VatGia, CungMua, NhomMua hay HotDeal. Trong đó, trường hợp của Zalora là ví dụ điển hình phản ánh sự thay đổi trong cách thức mua sắm trực tuyến của người Việt.
Được thành lập vào đầu năm 2012, Zalora được xem là hệ thống mua sắm thời trang trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á; thu hút được hơn 200 triệu USD vốn đầu tư và đã mở rộng hoạt động đến Úc, New Zealand, Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Hồng Kông, Philippines, Thái Lan cũng như Việt Nam. Chưa đầy một năm sau khi đến Việt Nam, tháng 7.2013, Zalora đã tung ra ứng dụng mua sắm trên di động cho hai phiên bản iOS và Android. Đồng thời, website của Zalora cũng được tối ưu hóa để có thể “lướt” dễ dàng từ các thiết bị di động.
Trong nửa đầu năm 2014, kênh di động (bao gồm ứng dụng di động và trình duyệt di động) đã đóng góp 25-30% tổng lượng truy cập vào website của Zalora; và hơn 15% doanh thu của đơn vị này.
“Thật ra, kênh di động còn đóng góp doanh thu gián tiếp cho Zalora vì nhiều người dùng xem và lưu thông tin sản phẩm trên smartphone, sau đó mới đặt hàng trên máy tính hoặc laptop. Trước xu hướng mua sắm trên di động tăng nhanh như hiện nay, chúng tôi kỳ vọng nâng mức đóng góp doanh thu từ kênh di động lên 30-35%, thậm chí là ngang ngửa với máy tính và laptop nếu có thể”, bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam, cho biết.
Kỳ vọng của Zalora đối với sự phát triển của kênh mua sắm di động là không hề viễn vông. Bên cạnh sự bùng nổ số lượng người sử dụng smartphone tại Việt Nam, chi phí 3G khá thấp (dưới 100.000 đồng/tháng) cộng với mức độ phủ sóng rộng rãi của wifi miễn phí ở các đô thị lớn đang cho phép người Việt truy cập internet từ smartphone thường xuyên hơn.
Chính xu hướng sử dụng smartphone để kết nối internet cũng đã thúc đẩy số lượng thuê bao 3G tại Việt Nam tăng lên trong thời gian qua. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong nửa đầu năm 2014, số lượng thuê bao 3G đã tăng hơn 3 triệu, chiếm 20% trong tổng số 121,12 triệu thuê bao di động trên cả nước.
Ngoài ra, sự góp mặt ngày càng đông đảo của thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi, am hiểu và sẵn sàng bắt kịp với những xu hướng công nghệ mới đang mở ra một thị trường rộng lớn cho các nhà bán lẻ ở kênh di động.
Theo nghiên cứu do Google và TNS thực hiện, tỉ lệ người Việt nằm trong độ tuổi 16-24 sử dụng smartphone đã tăng gấp đôi từ 27% lên 58% trong giai đoạn 2013-2014. Còn ở độ tuổi 25-34, cũng đã có đến 45% người Việt sử dụng. Và hiển nhiên, đây không chỉ là những khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ trực tuyến.
“Đã đến lúc các doanh nghiệp cần bắt đầu những bước cơ bản trong xu hướng di động hóa, ví dụ như cần đảm bảo website của công ty có thể hiển thị tốt trên các thiết bị di động. Theo nghiên cứu của chúng tôi, 4 trên 5 doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa tối ưu hóa phiên bản di động cho website của mình”, bà Sophie Trần, Giám đốc Marketing Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Theo Google, kênh di động không chỉ để dành riêng cho các công ty thương mại điện tử. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể cho phép khách hàng tiếp cận với thông tin và sản phẩm của mình một cách thuận tiện nhất thông qua smartphone.
Ví dụ như Co.opmart, hệ thống bán lẻ nổi tiếng của Việt Nam, cũng đã nhanh nhạy thu hút khách hàng trên kênh di động. Cụ thể, từ cách đây 2 năm, nhà bán lẻ này đã tối ưu hóa website cho phiên bản di động; cho phép khách hàng truy cập, theo dõi thông tin sản phẩm khuyến mãi và đặt hàng trên điện thoại của mình.
Mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán lẫn người mua, nhưng đầu tư vào kênh di động vẫn tiềm ẩn những trở ngại nhất định.
“Đối với các nhà bán lẻ trực tuyến, chi phí quảng cáo trên di động cao ngang ngửa với quảng cáo trực tuyến thông thường, nhưng doanh số đặt hàng thực tế từ kênh di động hiện vẫn thấp hơn 50% so với những kênh khác như PC hay laptop. Thế nên về lâu dài, đầu tư quảng cáo trên di động sẽ trở nên đắt đỏ đối với các doanh nghiệp”, bà Nguyễn Phương Anh, Zalora Việt Nam, nhận xét.
Hà Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư