Thị trường máy ảnh: Trong nguy có cơ
Khi điện thoại thông minh (smartphone) dần thay thế các dòng máy ảnh compact thì những công ty sản xuất máy ảnh như Nikon, Fujifilm phải tìm kế sinh nhai ở phân khúc sản phẩm cao cấp.
Chật vật vượt khó
Tình thế quả là rất bi đát với các hãng sản xuất máy ảnh. Năm 2010, thị trường máy ảnh kỹ thuật số đạt mốc 121 triệu chiếc, theo số liệu của Hiệp hội các sản phẩm máy ảnh và hình ảnh (CIPA). Nhưng đến năm 2013, con số này chỉ còn 63 triệu và doanh thu toàn thị trường giảm từ 15,1 tỉ USD xuống còn 10,8 tỉ USD. Tình hình năm 2014 cũng không mấy khả quan.
Nhưng nếu phân tích kỹ, có thể thấy một tia sáng ở cuối đường hầm: Hai dòng máy ảnh compact (loại máy ảnh du lịch) và máy ảnh có ống kính rời đang có 2 kịch bản tăng trưởng hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi dòng máy ảnh compact tụt dốc không phanh thì dòng máy ảnh ống kính rời vẫn tăng trưởng về cả số lượng lẫn doanh thu trong giai đoạn vừa qua, từ 12,9 triệu đơn vị (năm 2010) lên 17,1 triệu đơn vị (2013), với doanh thu tương ứng tăng từ 4,6 tỉ USD lên 6,2 tỉ USD.
Theo ông Kazuto Yamaki, Tổng Giám đốc (CEO) của hãng sản xuất ống kính Sigma, thị trường máy ảnh không sụp đổ mà chỉ trở lại trạng thái bình thường mà thôi. Những dòng máy ảnh ống kính rời đạt doanh số cực đỉnh vào năm 2012 và năm 2014 được dự báo là một năm hứa hẹn. Và để thoát khỏi mối đe dọa mang tên smartphone, các hãng máy ảnh tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ hơn cho phân khúc sản phẩm tầm trung và cao cấp.
Đây quả là tin vui dành cho những người yêu nhiếp ảnh bởi suy cho cùng, dù có tân tiến thế nào thì smartphone vẫn không thể có nhiều tính năng tùy chỉnh về ống kính, cũng như khó có thể là sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ như những chiếc máy ảnh chuyên dụng được.
Kết quả là những chiếc máy ảnh SLR thế hệ mới được trang bị thêm rất nhiều tính năng hấp dẫn như chụp ảnh trong bóng tối, được trang bị nhiều ống kính góc siêu rộng đến siêu xa, hay có thiết kế hầm hố có thể chịu đựng các điều kiện thời tiết xấu hay chống va đập.
Vừa qua, tại Photokina, hội chợ lớn nhất thế giới về máy ảnh và các sản phẩm hình ảnh, các hãng lần lượt trình làng sản phẩm mới. Nikon thì có D750, Canon có 7D Mark II, Samsung có Nx1 và Panasonic cũng có CM1. Về tổng thể, các hãng máy ảnh truyền thống giới thiệu nhiều dòng máy ảnh ống kính rời và các loại ống kính cao cấp bởi đây chính là thị trường chủ lực của họ. Người mê nhiếp ảnh sẽ tiếp tục trở lại trang bị thêm ống kính mới và về sau là thân máy mới.
Trong số các hãng máy ảnh đang tìm cách chuyển đổi để thích nghi với xu thế mới, Fujifilm dường như đã thành công trước tiên. Năm 2010, hãng này giới thiệu X100, một dòng máy ảnh có ống kính cố định, bộ cảm biến ảnh lớn và tốc độ chụp nhanh. Kế thừa thành công ấy, Fujifilm cho ra đời X-T1, với kiểu dáng thu hút hơn và đi kèm là bộ 15 ống kính rời. Hiện tại, nếu như thị trường máy ảnh ống kính rời vẫn chịu sự thống trị của Canon và Nikon thì trong thị trường máy ảnh với công nghệ không gương, Fujifilm đã có một chỗ đứng vững chãi và đang đẩy hai ông lớn kia vào tư thế phòng thủ.
Xu hướng “không gương” đang lên
Với các dòng máy ảnh “có gương” truyền thống, ánh sáng sẽ di chuyển qua ống kính vào một ống ngắm quang học. Và khi bắt đầu chụp ảnh, tấm gương phản quang này lật lên, để ánh sáng di chuyển vào bộ cảm biến hình ảnh. Tuy nhiên, với các dòng máy “không gương” đời mới, ánh sáng sẽ di chuyển thẳng đến bộ cảm biến hình ảnh và vì không có gương phản quang, nên kích thước ống kính và thân máy sẽ nhỏ gọn hơn.
Nhưng mọi chuyện không phải dễ dàng và tiện lợi với công nghệ “không gương”. Những dòng máy này thường lấy tiêu cự chậm, mau hết pin và bộ ngắm điện tử thường khởi động trở lại chậm, nhất là khi người dùng lia máy.
Thế nhưng, xu hướng “không gương” này lại thành công về mặt thương mại. Để xóa bỏ sự thống trị của Canon và Nikon, trước tiên là Olympus và Panasonic liên minh để cho phép người dùng hoán đổi ống kính của hai hãng này với nhau. Sau đó, đến lượt Samsung, Sony, Fujifilm và Pentax cũng lần lượt tung ra những sản phẩm cách tân của mình.
Một thị trường chật chội
Nếu như các hãng sản xuất máy ảnh đau đầu vì smartphone thì người yêu nhiếp ảnh hiện nay lại đau đầu trước các lựa chọn về máy ảnh và ống kính. Có ít nhất 12 hệ thống máy ảnh - ống kính mà họ phải lựa chọn: mỗi hãng Canon, Nikon, Pentax và Sony đều có 2 hệ thống; các hãng Panasonic, Olympus, Fujifilm và Samsung cũng có 1 hệ thống của riêng mình. Đó là chưa kể các hệ thống từ những thương hiệu cao cấp khác như Mamiya/Phase One, Leica và Hasselblad.
Trong cái rủi, quả là có cái may. Sự trỗi dậy của smartphone vừa đe dọa thị trường hiện tại của các hãng máy ảnh, nhưng đồng thời cũng tạo ra một lượng khách hàng mới, những người mê chụp ảnh và có hầu bao rủng rỉnh. Có thể, với các hãng sản xuất máy ảnh, đây là thời điểm thích hợp để họ tung tổng lực chinh phục nhóm khách hàng này, còn đối với người dùng, hẳn sẽ là một chiến lược khôn ngoan để chờ đợi các “anh tài” máy ảnh lộ diện và trong lúc đó, họ vẫn có thể chụp ảnh với chiếc smartphone của mình.
Hoàng Trung / CNet
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư