Sếp Vinamit “mách nước” cách thâm nhập thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường mang lại nhiều cơ hội nhưng khá phức tạp và để thành công ở thị trường này thì doanh nghiệp trong nước nên liên kết lại với nhau.
Chia sẻ với đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn CEO 2014, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit nhận định, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, ông cho rằng nói đến cơ hội trước hết doanh nghiệp cần xác định đang sở hữu những gì và phải đi trước ở sự chuẩn bị việc sở hữu đó.
Nói về hội nhập, ông Viên chia sẻ luôn tâm niệm phải đi tìm, đi gõ cửa những "người bạn" có thể cùng đồng hành, tương tác với mình. Và theo ông, doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội cực kỳ tốt để có được nhiều người bạn mà không phải đi tìm.
“Vinamit chỉ tập trung những cái gì mình sở hữu như đất, nguồn lực, quản trị công nghệ. Đó là cái thế để chúng tôi có thể nói chuyện với bất kỳ tập đoàn nông nghiệp nào ở nước ngoài. Chúng ta phải chủ động nói chuyện với họ để họ đến với chúng ta. Bởi nếu chúng ta tự hào là số 1 nhưng đó chỉ là ở Việt Nam mà thôi. Phải tâm niệm rằng ít nhất cũng phải là doanh nhân ASEAN, doanh nhân của thị trường lớn”, người đứng đầu Vinamit cho biết.
Ông cho rằng nên "bắt tay" với các tập đoàn từ Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan… chứ đừng lo ngại theo kiểu sợ khi "cõng bọ cạp”. Bởi vấn đề quan trọng là trong chuỗi giá trị thì chắc chắn doanh nghiệp của mình mạnh nhất ở phần nào và nếu làm tốt, tạo thành nhóm hợp tác thì mình vẫn thành công.
Trả lời câu hỏi về việc Vinamit trở thành đối tượng bị “dòm ngó” mua lại một phần, ông Viên cho rằng nếu họ muốn mua lại Vinamit là muốn mua lại thương hiệu Vinamit, mua lại thị trường, nhà máy… Tuy nhiên ông cho rằng vì họ không thể mua được đất đai, khả năng trồng trọt cho nên nếu tương tác thì doanh nghiệp Việt vẫn nằm trong chuỗi giá trị đó.
“Kinh nghiệm để phát triển hệ thống phân phối tại thị trường Trung Quốc?”, câu hỏi từ đại diện một doanh nghiệp thực phẩm.
Theo ông chủ Vinamit, thị trường Trung Quốc là một thị trường phức tạp. Nếu doanh nghiệp ở tầm quy mô lớn hay nhỏ thì đi vào thị trường này những kiểu khác nhau.
Ông chia sẻ, hầu như doanh nghiệp Việt những năm trước đây đều đi theo kiểu doanh nghiệp nhỏ tức là thông qua đường biên giới.
“Thương nhân ở biên giới thì làm sao lớn được, họ chỉ là cầu nối cho những tập đoàn bên trong, tức chỉ là trung gian và không hiểu gì về sản phẩm, chất lượng, bảo quản... của doanh nghiệp bạn. Cho nên nếu đi bằng tiểu ngạch có nghĩa là bạn không có tương lai. Điều nguy hiểm hơn nếu hàng của bạn bán được họ sẽ mang tiền qua gom hết hàng của bạn và trong quá trình đó họ sẽ hiểu hết ngón nghề của bạn”, ông cho biết.
Nhưng ông cũng cho rằng để đi theo chính ngạch thì doanh nghiệp phải làm tất cả mọi thủ tục về mặt pháp lý từ sở hữu thương hiệu, hải quan nhập khẩu, hệ thống siêu thị, văn phòng tại Trung Quốc... Và cách tốt nhất theo ông là doanh nghiệp trong nước liên kết với nhau để đi bằng chính ngạch.
Ông Viên cho rằng đối với người Trung Quốc, họ quan niệm hai vế chuyện chính trị là chuyện của chính phủ còn chuyện làm ăn là của các doanh nhân. Và ông nhấn mạnh: “Trung Quốc là thị trường gần gũi với các doanh nghiệp nhỏ của mình nhiều nhất, các bạn sẽ tìm được nhiều cơ hội từ thị trường này và đừng vì sự kiện biển Đông mà lãng quên nó”.
Huyền Trâm
Nguồn Biz Live