Rủi ro địa - chính trị: Thảm họa hay cơ hội?

Sự hỗn loạn của các rủi ro địa - chính trị không còn là thảm hoạ của các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ.

Nhà nước Hồi giáo (IS) đang nổi lên như một mối đe dọa địa - chính trị đối với thế giới, nhưng tình thế ở Iraq vẫn chưa gây ra những nguy hiểm cho giới kinh doanh. Dù Mỹ tăng cường các cuộc không kích sào huyệt của IS tại Iraq và Syria, nhưng ba công ty dầu mỏ phương Tây gồm Genel Energy, DNO và Keystone vẫn tiếp tục bán dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Giá trị thị trường của các công ty này đã giảm sau khi IS chiếm giữ thành phố Mosul trong tháng 6, nhưng hiện nay đã hồi phục và đạt con số 8,3 tỷ USD.

Cuốn sách mới của Henry Kissinger cho rằng, về lý thuyết, sau 20 năm toàn cầu hóa, các công ty đa quốc gia dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Theo The Economist, các công ty phương Tây có khoảng 20 - 30% doanh thu tại các thị trường mới nổi, gấp đôi so với giữa những năm 1990. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị gần đây lại không có nhiều tác động vào các công ty hoặc thị trường tài chính.

Rủi ro địa - chính trị: Thảm họa hay cơ hội?

McDonald's đang gặp khó tại thị trường Nga vì lệnh trừng phạt của phương Tây gây áp lực lên Moscow

Có thể giải thích hiện tượng này là do những nơi xung đột có vị trí chính trị quan trọng nhưng nhỏ về quy mô và ảnh hưởng kinh tế. Trung Đông, Bắc Phi, Nga và Ukraine cộng lại chỉ sản xuất 7% sản lượng kinh tế thế giới. Chỉ có 2% cổ phiếu đầu tư nước ngoài của các công ty Mỹ, Nhật Bản và Anh ở những nơi này. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia có tổng hành dinh, hệ thống quản lý tài chính và máy chủ an toàn tại các nước như Singapore hay Nhật Bản.

Các công ty đa quốc gia cũng ngày càng quản trị rủi ro tốt hơn. Lafarge, một công ty xi măng khổng lồ của Pháp, hoạt động ở thị trường Trung Đông và Bắc Phi, có doanh thu tăng nhẹ từ năm 2009 và lợi nhuận trung bình 1,5 tỷ USD một năm. Công ty viễn thông MTN, hoạt động tại Syria (cả ở Sudan và Iran), có tổng lợi nhuận tăng 56% trong 6 tháng đầu năm nay.

Hầu hết các công ty đa quốc gia đã làm giảm rủi ro của họ, trong đó tránh sai lầm cổ điển là tập trung quá mức vào một quốc gia.

Chẳng hạn, sau cuộc cách mạng ở Trung Quốc vào năm 1949, HSBC đã bị thiệt hại nặng nề. Quốc hữu hóa ở Iran trong năm 1951 khiến tài sản Anglo-Iran (một nhánh của hãng dầu BP), bị tàn phá. BP là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga nhưng chỉ nhận được khoảng 10% giá trị từ cổ phần trong Rosneft.

McDonald đang là "nạn nhân" của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng với Nga. Mặc dù vậy, người khổng lồ hamburger chỉ có 5% lợi nhuận tại thị trường Nga. Telefonica và Procter & Gamble (P&G) đang bị mắc kẹt hàng tỷ USD tại thị trường Venezuela khi quốc gia này đột ngột kiểm soát vốn của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, Venezuela chỉ chiếm khoảng 5% doanh số bán hàng của P&G.

Rủi ro địa - chính trị: Thảm họa hay cơ hội?

Kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ, hầu hết các công ty đã trở nên thận trọng hơn để đảm bảo rằng họ có kế hoạch dự phòng. Vậy rủi ro địa - chính trị có bị phóng đại?

Giám đốc điều hành nhiều tập đoàn đa quốc gia thừa nhận có những tình huống "thảm khốc" liên quan đến địa - chính trị mà họ cần cẩn trọng. Chẳng hạn, căng thẳng với Nga có thể leo thang, dẫn đến lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn và khiến Nga ngưng nguồn cung cấp khí đốt cho cả châu Âu. Một cuộc lật đổ chế độ quân chủ tại Ả rập Saudi có thể làm cho giá dầu tăng cao. Hay giới kinh doanh toàn cầu đều sợ hãi sự bất ổn chính trị hay suy thoái kinh tế ở thị trường khổng lồ Trung Quốc.

Mặc dù rủi ro địa - chính trị có thể làm sụp đổ các tập đoàn đa quốc gia nhưng có thể tác động đến chiến lược đầu tư. Sau những căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong năm 2012, các công ty Nhật Bản phải đối mặt với sự tẩy chay ở Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu giảm một phần năm. Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc đã phục hồi nhưng các công ty Nhật Bản đã cắt giảm một nửa đầu tư ở Trung Quốc.

Tương tự, xung đột giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine đã khiến Nga không thể thu hút đầu tư để phát triển ngành công nghiệp năng lượng của mình. Trong khi đó, xung đột ở Libya và Ai Cập đã phá huỷ giấc mơ của Bắc Phi trở thành trung tâm sản xuất cho thị trường châu Âu.

Hà Cúc
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn