“Tăng lực” như nước tăng lực

Ít ai biết rằng chai nước tăng lực bé nhỏ lại ẩn chứa một sức mạnh khổng lồ khi “tăng lực” cho cả ngành nước giải khát Việt Nam.

Có một con số thống kê ấn tượng là vào năm 2001, chỉ xem quảng cáo 5s về sản phẩm nước tăng lực Number 1, có đến 60% khán giả muốn dùng thử và 30% số người dùng thử đó đã trở thành khách hàng thường xuyên của thương hiệu này.

Nhưng sức hấp dẫn của quảng cáo chỉ là một phần. Điều giúp Number 1 chinh phục người tiêu dùng chính là sự khác biệt về sản phẩm cũng như tập trung vào sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Câu chuyện về một nhãn hàng Việt

Vào thời điểm Number 1 ra đời, thị trường nước tăng lực Việt Nam chỉ có ba nhãn nhiệu là Red Bull, Rhino và Lipovitan và chỉ cung cấp các sản phẩm đóng lon. Điểm chung của 3 sản phẩm này là được nhà sản xuất khuyến cáo “ngon hơn khi ướp lạnh” nhưng vị nước lại nhạt đi khi thêm đá lạnh vào. Ở thời điểm mà tủ lạnh còn chưa phổ biến như ngày nay, người dùng chỉ còn cách đến nơi bán, mua và uống ngay tại chỗ hoặc chấp nhận hương vị kém ngon hơn khi mang về nhà hay di chuyển xa. Phát hiện được nhược điểm này, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã quyết định đầu tư hẳn một nhà máy sản xuất nước tăng lực đóng chai tại Việt Nam. Không chỉ khác biệt ở hình thức đóng chai, Number 1 còn có thể dùng chung với đá mà không làm mất đi vị ngon của nước tăng lực và giá bán chưa bằng ½ nước tăng lực đóng lon thời đó.

“Tăng lực” như nước tăng lực

Number 1 trở thành một thương hiệu quốc gia

Chính vì vậy, chỉ trong vòng 4 tháng tung ra sản phẩm, nước tăng lực Number 1 đã giành ngôi vị số 1 thị trường khi chiếm giữ 30% thị phần. Đây cũng là lần đầu tiên một DN Việt không phải ẩn núp hay rút về thị trường nông thôn mà đủ sức để đối đầu trực tiếp với các thương hiệu lớn. Theo báo cáo ngành sản xuất nước giải khát không cồn Việt Nam của VietinbankSc tháng 4/2014, Number 1 hiện nay vẫn chiếm 30% thị phần nước tăng lực Việt Nam.

Cho đến bây giờ, các chuyên gia kinh tế vẫn gọi nước tăng lực Number 1 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là một “hiện tượng”, một ví dụ điển hình trong việc thay đổi diện mạo thị trường nước giải khát, cũng như khẳng định vị thế DN nội. Đặt chân vào thị trường giải khát với vị thế của một kẻ đến sau nhưng với Number 1, chỉ sau 3 tháng, Tân Hiệp Phát đã giành lại được 30% thị phần nước tăng lực từ tay DN ngoại. Và đến nay sau 13 năm, Number 1 trở thành một thương hiệu quốc gia còn Tân Hiệp Phát đã vươn mình thành một trong ba “đại gia” trong ngành nước giải khát không cồn ở Việt Nam. Cách thức mà Tân Hiệp Phát chọn để “tăng lực” cho sản phẩm Number 1 và hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn chính là: Nghiên cứu, tăng tốc đầu tư và liên tục sáng tạo.

Cuộc chiến ở phía trước

Sự tăng trưởng trong thị trường nước tăng lực phụ thuộc chủ yếu vào việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến đồ uống có lợi cho sức khỏe.

Tuy nhiên, vị thế dẫn đầu thị trường nước tăng lực của Tân Hiệp Phát không phải là mãi mãi, cho dù họ vẫn đang tăng tốc đầu tư. “Không phải đợi thị trường mà các DN Việt Nam phải sáng tạo hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Ra sản phẩm mới là yêu cầu bắt buộc đối với các DN trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những nỗ lực chủ quan. Những yếu tố khách quan vẫn rất khó lường”, ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát cho biết.

Giữa một thị trường nước tăng lực vốn năng động, luôn biến đổi, sản phẩm nước tăng lực Number 1 phải “so găng” với các đối thủ nặng ký. Bởi hiện nay, các DN sản xuất đều đánh mạnh vào phân khúc này khiến thị trường thêm sôi động.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy thị trường nước giải khát không cồn chạm mốc tiêu thụ 2 tỷ lít, bình quân mỗi người tiêu thụ 23 lít/năm. Mức tiêu thụ này tiếp tục tăng trưởng 17% vào năm 2011 và còn dự báo đầy tiềm năng khi thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện và phần lớn chi tiêu đều dùng cho việc ăn uống. Sự tăng trưởng trong ngành này phụ thuộc chủ yếu vào việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến đồ uống có lợi cho sức khỏe.

Tuy nhiên, trong cuộc đua giành chỗ đứng, đã có một số sản phẩm hoặc suy yếu hoặc "mất lực" trên thị trường. Đó không chỉ là cảnh báo.

Từ Minh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp