Dream Incubator: Chưa hài lòng!
Thừa nhận đã “mua thấp, bán cao” từ vụ thoái vốn Nutifood với tỉ suất hoàn vốn nội bộ lên tới 50%, nhưng đại diện Dream Incubator cho rằng Quỹ vẫn chưa đạt mục tiêu lớn là kết nối các doanh nghiệp Nhật thông qua thương vụ này.
Chúng tôi đã có trao đổi với ông Kyohei Hosono, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Dream Incubator (DI) tại Việt Nam về những vấn đề liên quan.
* Quyết định thoái vốn chưa đầy 2 năm sau khi đầu tư 37% cổ phần tại Nutifood, đạt tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) lên tới 50%. Ông còn mong đợi gì hơn?
Đây là khoản đầu tư đầu tiên tại Việt Nam và mang lại hiệu quả khá tốt cho DI. Với giá “mua thấp, bán cao” nên chúng tôi đã thoái hết vốn tại Nutifood trong thời gian ngắn thay vì trung bình là 5 năm. Tôi không thể tiết lộ giá bán là bao nhiêu, nhưng bên mua là một nhà đầu tư trong nước. Thật sự, tôi không vui lắm vì mục tiêu lớn của DI là muốn bán 37% này cho các công ty Nhật nhằm đưa sản phẩm của Nhật vào thị trường Việt Nam thông qua Nutifood. Nhưng kế hoạch này đã không thành. Vì bên mua lại khá mặn mà với Nutifood nên DI đã quyết định thoái vốn hoàn toàn tại đây trước thời gian dự kiến.
* Là một quỹ đầu tư từ Nhật, vì sao DI chưa thể kết nối các công ty Nhật thông qua thương vụ này?
Thực tế, chúng tôi đã tiếp xúc với hơn 10 công ty Nhật cùng ngành để thương thảo việc bán lại cổ phần tại Nutifood cho họ, nhưng cuối cùng vẫn không thành vì có công ty muốn sở hữu với tỉ lệ kiểm soát hơn 50%. Những công ty khác lại cho rằng, không cần vội vì cần thêm thời gian nghiên cứu về Nutifood và thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam trước khi có thể ra quyết định. Tôi muốn khẳng định lần nữa là DI không kỳ vọng mức IRR quá cao vì vẫn muốn tập trung cho mục tiêu cốt lõi là tạo cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật để tiến vào thị trường Việt Nam.
* Còn các khoản đầu tư khác thì sao, thưa ông?
Chúng tôi đang rất kỳ vọng cho khoản đầu tư 31% cổ phần tại JVC, một doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực phân phối trang thiết bị y tế tại Việt Nam. DI đầu tư vào JVC từ tháng 1.2012 và tham gia hội đồng quản trị với mục tiêu kết nối các nhà sản xuất thiết bị y tế Nhật như Hitachi và Fujifilm để phân phối sản phẩm đến hơn 140 bệnh viện tại Việt Nam thông qua JVC.
Đầu tư vào Nutifood với IRR lên đến 50%, nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất của Dream Incubator.
Năm 2012, JVC đạt kết quả kinh doanh khá tích cực với 35 triệu USD doanh thu và lãi ròng 7 triệu USD. Nhưng 2013 lại sụt giảm xuống mức 29 triệu USD doanh thu và lãi ròng chỉ 2 triệu USD, chủ yếu do ngân sách mua sắm trang thiết bị y tế bị cắt giảm tại nhiều bệnh viện. Năm nay, dự kiến nhu cầu thị trường sẽ dần hồi phục nên công ty đặt mục tiêu doanh thu 45 triệu USD, lãi ròng tới 7 triệu USD. Đặc biệt, JVC sẽ huy động thêm từ 5-10 triệu USD từ phát hành cổ phiếu để đầu tư thêm 100 xe buýt khám sức khỏe lưu động tại hầu hết các khu công nghiệp, nâng đội xe này lên qui mô 130 chiếc trên cả nước vào năm 2015.
Ðến năm 2017, JVC đặt mục tiêu lãi ròng khoảng 40 triệu USD. Ðây cũng là thời điểm thoái vốn dự kiến của DI nên chúng tôi kỳ vọng IRR sẽ khá tốt. Hiện đã có 15 công ty Nhật có quan hệ hợp tác với JVC, nên khả năng DI thoái vốn cho một hay vài doanh nghiệp Nhật là hoàn toàn có thể xảy ra.
* Phân phối cũng là một ngành mà DI khá quan tâm tại Việt Nam. Các khoản đầu tư trong ngành này hiện ra sao?
Chúng tôi cũng đầu tư 25% vốn vào Công ty Santedo hồi cuối năm 2013. Đây là một trong những nhà phân phối và bán lẻ dược phẩm có quy mô lớn, hiện sở hữu chuỗi nhà thuốc Phano lớn nhất phía Nam (26 cửa hàng), dự kiến tăng lên 40 vào cuối năm nay. Khoản đầu tư sau cùng là 23% vào Mesa (8.2014) là một trong các nhà phân phối hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam với doanh thu tới 111 triệu USD (2013). Mục tiêu cốt lõi của khoản đầu tư này là mở rộng danh mục sản phẩm bằng cách giới thiệu các công ty sản xuất hàng tiêu dùng của Nhật đưa sản phẩm vào Việt Nam thông qua Mesa. Hai khoản đầu tư này cũng khá khả quan với mức tăng trưởng ngành từ 15-20%/năm, nhưng hiện còn quá sớm để dự đoán về mức IRR trong tương lai.
* Thoái 1 và giữ 3, DI có định công bố thêm khoản đầu tư nào mới tại Việt Nam trong năm nay?
Chắc chắn là không vì chúng tôi đã sử dụng hết 50 triệu USD vốn đầu tư tại Việt Nam. Bước tiếp theo là huy động quỹ mới có số vốn gấp đôi (100 triệu USD), dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư trong năm sau.
* Thời gian qua, việc huy động quỹ mới hầu như là không thể đối với các quỹ ngoại tại Việt Nam. Ông vui lòng nói rõ hơn về kế hoạch này?
Đây là quỹ có cùng ý tưởng và cấu trúc như quỹ đầu tiên với tên gọi “Quỹ Công nghiệp” (Industrial Fund) đặt mục tiêu tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong các ngành bán sỉ, bán lẻ, chuỗi nhà hàng, thực phẩm, hàng tiêu dùng và các sản phẩm/dịch vụ liên quan tới y tế, giáo dục. Quỹ mới có quy mô 100 triệu USD là hợp tác giữa DI với Tập đoàn Tài chính Orix được đăng ký tại Cayman. Trong đó, 60 triệu USD sẽ dành cho Việt Nam, phần còn lại sẽ rót vào khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Dự kiến, quỹ mới sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
* Kế hoạch xét chọn các khoản đầu tư mới tại Việt Nam hiện đã được triển khai tới đâu?
Tôi cho rằng, 2014 là một năm khó khăn đối với DI vì hầu hết các công ty có qui mô lớn và đáp ứng tiêu chí đầu tư của chúng tôi đều đã có sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại. Vì vậy, trong năm sau, DI có kế hoạch sẽ chỉ chọn ra khoảng 3 công ty trong số 500 doanh nghiệp Việt Nam mà chúng tôi đã tiếp xúc để đầu tư theo tỉ lệ từ 20-49% theo quy định hiện nay. Nhưng cũng có thể chỉ có 1 khoản đầu tư được chốt trong năm sau vì quy trình tìm hiểu và nghiên cứu đối tác trong nước của DI thường mất khoảng 3 năm.
* Không chỉ quản lý quỹ đầu tư, DI còn là công ty tư vấn chiến lược. Vậy đánh giá của ông như thế nào về nhu cầu sử dụng đơn vị tư vấn chiến lược như DI từ phía các doanh nghiệp Việt hiện nay?
Tình hình cũng tương tự như ở Nhật trước đây khi các Tổng Giám đốc người Nhật thường xuyên đặt câu hỏi vì sao họ phải nhờ người khác làm chiến lược. Nhưng tất cả đã thay đổi từ năm 1980 khi giá trị của các công ty tư vấn chiến lược được thừa nhận ở Nhật, nhất là các vụ tư vấn chiến lược thành công cho Honda, Sony hay Unicharm.
Hiện tại Việt Nam, nhu cầu dùng tư vấn chiến lược chưa nhiều vì các lý do khác nhau như chưa bao giờ sử dụng, không hiểu thật sự giá trị của dịch vụ tư vấn chiến lược. Thậm chí, có không ít doanh nghiệp trong nước cho rằng giá dịch vụ tư vấn còn quá cao. Tuy nhiên, tôi nghĩ tình hình sẽ dần thay đổi theo quy mô phát triển của các doanh nghiệp nội. Trường hợp Tập đoàn Masan chọn một người Nhật cho vị trí Tổng Giám đốc là minh chứng. Với DI, hiện mỗi năm có khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam đến gặp chúng tôi yêu cầu dịch vụ tư vấn chọn đối tác phù hợp tại Nhật cho chiến lược mua bán sáp nhập chẳng hạn.
Vĩnh Bảo
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư