Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam giảm nhẹ trong quý 2
Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm nhẹ trong Q2/2014 do số người lo lắng về tài chính và công việc trong 12 tháng tới tăng so với quý trước.
Theo khảo sát mới nhất được công bố bởi Nielsen, chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam giảm nhẹ một điểm so với quý trước, còn 98 điểm trong quý thứ hai của năm 2014
Chỉ 44% người được hỏi trực tuyến cảm thấy công việc sẽ tốt hoặc rất tốt trong thời gian tới trong khi hơn một nửa (53%) cảm thấy tích cực như vậy về tình hình tài chinh của mình, cả 2 hạng mục này đều thấp hơn trung bình khu vực với lần lượt 65% và 62%.
Bên cạnh đó, chỉ 38% người tham gia phỏng vấn cho biết thời điểm này tốt hoặc rất tốt để mua sắm, thấp hơn trung bình khu vực với 42% và các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan (47%), Philippines (50%) nhưng vẫn cao hơn Singapore (37%) và Malaysia (29%).
Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy rằng tuy người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á thuộc nhóm lạc quan nhất thế giới nhưng đang có chậm lại trong những tháng gần đây trong bối cảnh bất ổn chính trị và giá các loại thực phẩmtăng trong khu vực.
Trong quý Q2/2014, niềm tin tiêu dùng của bốn trong sáu quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á giảm so với Q1. Thái Lan là nước có mức điểm giảm lớn nhất, đến ba điểm so với quý trước, còn 105 trong quý 2 năm 2014.
Ngược lại, cả Philippines và Malaysia đều tăng điểm trong quý mới nhất. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Philippines tăng 4 điểm lên 120 (xếp thứ 3 toàn cầu) còn Malaysia tăng 1 điểm lên 93.
Tại tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trong cách sử dụng tiền nhàn rỗi. Tám trên mười người được hỏi tại Việt Nam (79%) chọn tiết kiệm tiền thừa sau khi đã trang trải sinh hoạt phí thiết yếu, mức cao nhất trong 3 năm qua và cao hơn nhiều so với trung bình khu vực với chỉ 62%.
Khi nhắc đến việc tiết kiệm sinh hoạt phí, hạn chế việc chi tiêu vào trang phục mới là hình thức tiết kiệm phổ biến nhất đối với người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, cùng với đó là cắt giảm giải trí và hạn chế ga đốt và điện.
Trong khi đó, theo một điều tra do ANZ công bố ngày 30/7, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7 và hiện đã vượt xa mức trung bình của năm 2014 khi căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông lắng dịu, theo
Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng Việt Nam tăng 3,1 điểm lên 134,1 điểm trong tháng 7, cao hơn so với mức trung bình của năm 2014 là 131 điểm.
Ông Glenn Maguire, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của ANZ, đánh giá niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam dường như đang thay đổi theo bối cảnh kinh tế vĩ mô dần cải thiện sau một thời gian căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Cuộc khảo sát mới nhất này được thực hiện sau khi Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam, theo đó cũng giải phóng tâm lý của người tiêu dùng và kích thích họ chi tiêu.