Canh bạc triệu đô của Yến Việt

Sau khi rót vốn vào Yến Việt, Vina Capital vẫn chưa tạo được dấu ấn đáng kể nào cho công ty này. Chiến lược mới của Yến Việt trên thị trường yến trăm triệu USD là gì?

Yến đang là món ăn thời thượng được giới thượng lưu châu Á ưa chuộng. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiêu thụ nhiều nhất sản phẩm yến. Đồng thời, do đặc thù tự nhiên, Việt Nam, Malaysia và Indonesia có nhiều lợi thế để nuôi và sản xuất sản phẩm từ yến. Thái Lan và Myanmar cũng tham gia vào thị trường này, nhưng sản lượng rất ít.

Miếng ngon khó buông

Từ giữa năm 2011, Quỹ đầu tư Vina Capital đã rót 7,5 triệu USD để sở hữu một phần Công ty Yến Việt. Đến tháng 8/2013, nguồn tin từ Yến Việt cho hay, quyền kiểm soát của Vina Capital đã nâng lên mức 65%. Đầu năm nay, một nguồn tin đáng tin cậy xác nhận với DOANH NHÂN rằng, Vina Capital – công ty quản lý quỹ nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam – đã kiểm soát 100% Yến Việt. Tuy nhiên, đại diện Yến Việt lại cho rằng, Vina Capital chỉ mới nắm hơn 75% công ty và người chủ cũ của Yến Việt là ông Võ Thái Lâm đã không còn vai trò gì tại đây.

Canh bạc triệu đô của Yến Việt

Dù sao, với tỷ lệ 75%, thì Vina Capital cũng đã hoàn toàn kiểm soát Yến Việt. Thế nhưng trong khoảng ba năm qua, Yến Việt dường như vẫn im hơi lặng tiếng. Rất ít thông tin về công ty được công bố. Nhưng giới đầu tư vẫn tin tưởng rằng, Yến Việt là “miếng ngon khó buông” bởi Vina Capital có vẻ đã rất may mắn khi sở hữu được một công ty có vị thế hàng đầu ở thị trường tiềm năng rất lớn – thực phẩm yến.

Theo nghiên cứu của Công ty Yến Việt, thị trường yến Việt Nam có quy mô hơn 200 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng) và tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm. Đây là những con số hấp dẫn mà chắc chắn một quỹ đầu tư lão luyện như Vina Capital không thể bỏ qua.

Đầu tư vào Yến Việt – một công ty tư nhân – sẽ giúp cho Vina Capital điều hành dễ dàng hơn so với rót vốn vào Yến sào Khánh Hòa – công ty sản xuất yến lớn nhất nước hiện nay xét về thị phần, nhưng lại thuộc sở hữu nhà nước.

Thị trường yến Việt Nam có quy mô hơn 200 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng) và tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm.

Yến Việt tuy chỉ mới được thành lập từ năm 2005, thị phần ít hơn so với Yến sào Khánh Hòa, nhưng họ có nhiều lợi thế hấp dẫn hơn đối thủ. Chỉ riêng nhà nuôi yến ở Thanh Bình (tỉnh Ninh Thuận) đã có hơn 100.000 con yến, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, theo thống kê từ Yến Việt. Đây là một trong 18 nhà nuôi yến “phủ” khắp từ Phú Yên đến Cà Mau của Yến Việt, cho khoảng 2 tấn yến nguyên liệu/năm. Nhà máy chế biến yến sào tại Cụm công nghiệp Thành Hải (Phan Rang) với công suất 5 triệu sản phẩm/năm, được đầu tư 4 triệu USD cũng đang hoàn thành xây dựng giai đoạn cuối. Sở hữu Yến Việt với nhiều tiềm năng như vậy, nhưng vì sao đến nay Vina Capital vẫn chưa giúp Yến Việt tạo nên đột phá?

Thách mức mục tiêu nghìn tỷ

Đứng trong một thị trường yến có quy mô lên tới hơn 200 triệu USD, một lãnh đạo của Yến Việt cho biết, công ty đang triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm đạt mục tiêu 1.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2015.

Vì giá tổ yến khá cao nên cơ hội tăng doanh số nhanh là khó, vị này chia sẻ với DOANH NHÂN. Bởi vậy, Yến Việt đang triển khai chiến lược phổ thông hóa sản phẩm, nhằm tiếp cận các phân khúc khách hàng đa dạng hơn. Cụ thể, ngoài sản phẩm truyền thống là tổ yến, Yến Việt cho ra nhiều chủng loại sản phẩm với giá bình dân. Chẳng hạn sản phẩm nước yến lon, cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu có mặt rất sớm trên thị trường của Tribeco, Bidrico, Wonderfarm… Yến Việt cũng có các sản phẩm cho người già, người cần phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, giá bán của các sản phẩm mới này trung bình cao hơn gấp đôi các sản phẩm cùng loại đang có trên thị trường. Đây là khó khăn không nhỏ với các loại sản phẩm mới từ Yến Việt.

Canh bạc triệu đô của Yến Việt

Không chỉ dừng ở đó, Yến Việt còn có con bài chiến lược quan trọng – nhân sự, bảo đảm cho tham vọng doanh thu nghìn tỷ. Cuối năm 2013, tại Yến Việt đã diễn ra đợt “thay máu” các nhân sự chủ chốt. Ông Phạm Trọng Bảo Châu về làm Tổng giám đốc thay ông Võ Thái Lâm. Dàn cộng sự đắc lực của ông Châu cũng về theo. Đáng chú ý, nhóm của ông Châu từng đi theo ông Trần Bảo Minh chinh chiến qua nhiều doanh nghiệp thực phẩm tiêu dùng lớn, như Công ty Sữa Vinamilk, Mì Gấu Đỏ… Theo một nguồn tin thân cận với Yến Việt cho biết, ông Trần Bảo Minh, người được mệnh danh là “phù thủy marketing”, cũng hỗ trợ cho Yến Việt từ đầu năm 2013, trước khi ông Châu về. Tuy nhiên, ông Minh chỉ đứng ở vai trò tư vấn xây dựng chiến lược chứ không tham gia trực tiếp vào việc điều hành công ty, nhưng chưa rõ dấu ấn của ông Minh trong Yến Việt là gì? Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, khó nhất là làm thương hiệu và phát triển hệ thống phân phối. Yến Việt có thể tạm yên tâm với khâu đầu. Hệ thống phân phối mới là vấn đề đáng lo.

Sau khi Vina Capital rót vốn, Yến Việt gấp rút nâng số cửa hàng bán trực tiếp lên con số 60. Hiện nay, con số này là 50, theo công bố từ Yến Việt. Tính ra trên mỗi tỉnh thành, Yến Việt có chưa tới một cửa hàng. Trong số 200.000 điểm bán lẻ của ngành hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh trên cả nước, Yến Việt cũng thâm nhập được gần 50.000 điểm. Mục tiêu trong 2-3 năm tới, hệ thống phân phối này sẽ tăng lên gấp đôi.

Nếu không sớm mở rộng hệ thống phân phối, có lẽ Yến Việt khó đạt được mục tiêu trong thời gian gần. N

“Để đạt được mục tiêu mà Yến Việt từng đề ra, hệ thống phân phối như vậy là khá mỏng”, một chuyên gia tư vấn thương hiệu đánh giá. Nếu không sớm mở rộng hệ thống phân phối, có lẽ Yến Việt khó đạt được mục tiêu trên trong thời gian gần. Nhất là các đối thủ của Yến Việt cũng đang đẩy mạnh phát triển khâu này. Công ty Chấn Hưng, đơn vị sở hữu thương hiệu Yến sào Hoàng Yến, đang sở hữu 13 cửa hàng trên cả nước. Yến sào Thiên Hoàng của Công ty Việt An đang có 20 cửa hàng. Đơn vị này đặt mục tiêu trong vài năm tới, họ sẽ nâng điểm bán trực tiếp lên con số 35, theo sát Yến Việt.

Phát triển hệ thống phân phối là câu chuyện lâu dài. Các công ty nhỏ có thể sớm gặp khó khăn về chuyện tài chính đường dài, vị chuyên gia trên nhận xét. Thực tế cho thấy, một số thương hiệu đã phải thu hẹp số lượng cửa hàng trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Vì mục tiêu doanh thu, Yến Việt chấp nhận đầu tư khá mạnh tay cho khâu thương hiệu và hệ thống phân phối, tạm gác lại mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, như vậy cũng chưa thể đảm bảo cho tham vọng 1.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2015. Sẽ rất khó để Yến Việt chạm tay tới mục tiêu này.

Giản Phúc
Nguồn Doanh Nhân Online