9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Cuốn sách “Go For It!” (được xuất bản ở Việt Nam với tên “Du hành trong thế giới sáng tạo”) của Quý ngài PR châu Á Michael de Kretser ẩn chứa bên trong rất nhiều bài học thú vị, rất nhiều những trải nghiệm khó quên trong hành trình sáng tạo, và trên hết là một tinh thần dám đi, dám mở mang tri thức, dám nghĩ xa và nghĩ lớn với nhiều ý tưởng độc đáo và lạ lùng.

Thông qua “Du hành trong thế giới sáng tạo”, bạn có thể học hỏi được những điều thú vị mà không thể khám phá ở bất cứ quyển sách nào khác. Bài tổng hợp của BrandsVietnam hôm nay dành để nói về 9 bài học ấn tượng nhất để lại cho người đọc từ cuốn sách này của Quý ngài PR châu Á.

1. Có ý tưởng tốt là chưa đủ, bạn còn phải hết mình vì nó

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Rất nhiều lần trong cuốn sách, bạn bắt gặp tình huống ý tưởng của Michael de Kretser được đưa ra lập tức bị bác bỏ vì vô số lý do khác nhau (quá điên rồ, bất khả thi, chưa ai làm trước đó…). Thay vì chọn cách bỏ cuộc, ông theo đuổi đến cùng và cố gắng hết mình để biến ý tưởng thành hiện thực.

Điều này cũng phản ánh một hiện thực phũ phàng trong cuộc sống: Không phải người nào có nhiều ý tưởng tốt cũng có thể thành công trong ngành sáng tạo. Nếu không kiên trì theo đuổi và bảo vệ ý tưởng của mình đến cùng trong một thế giới mà các “idea killer” (người sát phạt ý tưởng của bạn) luôn sẵn sàng hành động, bạn sẽ sớm ngậm ngùi nhìn ý tưởng của mình nằm lại trên bàn giấy (hoặc thê thảm hơn là… sọt rác).

2. Biến ý tưởng của bạn trở nên khả thi bằng tất cả mọi cách

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Ý tưởng ban đầu của chiến dịch quảng bá cho thương hiệu bánh quy Munchy (đề cập trong chương “Beckhams đích thực, ra mặt đi nào!”) của Michael de Kretser là đưa gia đình David Beckham thật về với Malaysia. Tuy vậy, trở ngại về tài chính đã khiến ông phải thay đổi ý tưởng của mình để trở nên khả thi hơn. Và đó cũng là xuất phát điểm của ý tưởng đưa gia đình Beckhams “giả hiệu” về châu Á gây được tiếng vang lớn sau này.

Có những lúc ý tưởng của bạn dù hay đến mấy, có hiệu quả đến đâu vẫn vấp phải những vấn đề khiến cho việc thực hiện chiến dịch không thể diễn ra suôn sẻ như dự tính. Đó là lúc đòi hỏi bạn phải linh hoạt, xoay chuyển để ý tưởng của mình trở nên phù hợp với tình hình thực tế - thay vì bỏ hẳn đi hoặc khăng khăng giữ lấy ý tưởng ban đầu mặc dù điều kiện hiện tại không cho phép bạn triển khai ý tưởng đó.

3. Có những khi lý do khách quan khiến ý tưởng không thể thành hiện thực, hãy vượt qua nó

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Trong chương “Hoà nhạc trong hang”, Quý ngài PR châu Á đề cập đến ý tưởng về một buổi hoà nhạc lớn trong hang động được trực tiếp trên toàn thế giới, nhưng gần đến ngày diễn ra sự kiện thì một cơn dịch bệnh bất ngờ đã khiến toàn bộ kế hoạch phải ngưng lại.

Dù có là nhà hoạch định chiến lược tài ba đến đâu, có xây dựng kế hoạch PR kỹ càng đến mức nào, cũng sẽ có những lúc bạn gặp phải tình huống như Michael de Kretser – một lý do khách quan nào đó xuất hiện vào giờ phút cuối cùng khiến ý tưởng của bạn không thể biến thành hiện thực. Những lúc như thế, thay vì mất thời gian đổ lỗi và oán trách số phận, bạn hãy vực dậy tinh thần và sớm bắt tay vào những ý tưởng tuyệt vời đang chờ đợi phía trước.

4. Trải nghiệm càng nhiều, ý tưởng càng phong phú

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Cầm “Du hành trong thế giới sáng tạo” trên tay, người đọc sẽ có cảm tưởng như đang được chu du theo Michael de Kretser qua nhiều quốc gia khác nhau, với những trải nghiệm gắn liền với từng địa điểm vô cùng phong phú. Mặc dù không nói ra nhưng từng câu chữ đã như một lời khuyên ngầm hiểu của Quý ngài PR châu Á dành cho độc giả: hãy đi và trải nghiệm càng nhiều, vì nguồn ý tưởng không ở đâu xa – đó chính là những gì chân thực nhất mà cuộc sống mang lại cho bạn.

Đối với công việc trong ngành sáng tạo, mặc dù có được hiểu là “tạo ra cái mới” hay “tìm tòi cái lạ” thì bạn cũng luôn phải ghi nhớ rằng những ý tưởng đến từ trải nghiệm sẽ ghi dấu trong lòng khách hàng và chạm đến được cảm xúc của họ hơn là ý tưởng đến từ một cõi riêng nào đó trong đầu của bạn mà không ai biết tới. Và hẳn nhiên, góp nhặt chất liệu cho ý tưởng trên đường đi sẽ dễ dàng hơn là tựa gối bên ô cửa sổ và vẽ ra trong đầu mình hàng tá những điều bất khả thi mà không ai tán thưởng.

5. Đừng giới hạn ý tưởng của bạn

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Một trong những điều cấm kỵ nhất trong ngành sáng tạo là bó hẹp ý tưởng của mình. Vẫn biết rằng không phải ý tưởng lớn nào cũng có thể thành hiện thực, nhưng giới hạn lại ngay từ khi nó còn chưa ra đời thì chẳng khác gì thu hẹp tầm vóc ý tưởng của chính bạn.

Những ý tưởng mà Michael de Kretser đưa ra trong cuốn sách (dù có khả thi hay không) đều được ông mở rộng đến tận cùng. Lễ kỷ niệm 21 năm thành lập của một hãng hàng không Singapore cũng có thể tạo được tiếng vang nhờ vào một sự kiện liên quan ở Anh quốc, ngành du lịch ở một quốc gia có thể phát triển nhờ vào series phim nổi tiếng ở quốc gia khác nằm ở cách đó hàng trăm dặm đường đi. Biên giới quốc gia, sắc tộc dường như không còn ý nghĩa gì ở đây nữa. Đối với Quý ngài PR châu Á, chỉ cần bạn dám nghĩ thì ý tưởng đó sẽ thành hình.

6. Làm công việc sáng tạo cũng cần sáng tạo trong công việc

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Nhiều người khi đến với ngành sáng tạo đơn giản nghĩ rằng mình chỉ cần ngồi suy nghĩ và những ý tưởng tuyệt vời cứ thế mà hiện ra. Thế cho nên khi đã bắt tay vào công việc, gặp khó khăn mới lờ mờ hiểu được mọi chuyện không dễ dàng như đã tưởng tượng. Ở bất kỳ vị trí nào, công việc nào trong cuộc sống cũng cần thiết phải biết sáng tạo để làm mới và nâng cao kỹ năng công việc của mình hàng ngày.

Trong chuyến du hành của mình, Michael de Kretser có nhiều khi đã phải trải nghiệm cảm giác tá túc ở một “nhà trọ tình yêu” thay vì khách sạn chính thống, rồi đặt văn phòng của công ty phía bên trên một nhà hàng Ấn Độ, kể cả đi tìm cảm hứng ở các quán rượu ven đường… Tất cả những “nước cờ” sáng tạo đó trong công việc đều được tính toán kỹ càng và đã đem lại thành công lớn trong sự nghiệp của ông.

7. Trong mọi tình huống, sự đoàn kết là quan trọng nhất

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Vào thời điểm dịch SARS bùng phát, cả châu Á hoang mang. Khi dịch bệnh đã qua đi, thế giới lại ái ngại. Ngành công nghiệp du lịch và lữ hành châu Á nhanh chóng rơi vào trạng thái đóng băng bởi ảnh hưởng của suy nghĩ lo lắng từ người dân thế giới rằng: Phương Đông có còn an toàn không? Liệu đến đó có còn quay trở về được? Và rồi, “dự án Phượng Hoàng” ra đời (nằm trong chương “Dịch Sars tấn công” của sách). Sự đoàn kết của các quốc gia đã đem lại niềm tin châu Á cho toàn thế giới và khôi phục nền kinh tế của mảnh đất rộng lớn này.

Trên đường đời, sẽ có nhiều khi bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực vì phải đối mặt với nhiều thử thách. Những lúc như thế, thay vì “chữa cháy” một mình và không đảm bảo được hiệu quả công việc, bạn hãy tận dụng sức mạnh của những người xung quanh bạn. Ở môi trường nào cũng vậy, sự đoàn kết là quan trọng nhất, vì nó tạo ra sức mạnh đủ để biến những điều không thể thành có thể.

8. Hãy nhớ đến người tốt thay vì kẻ xấu

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Không cần biết quan niệm của bạn về tốt – xấu như thế nào, hễ cứ sống trên đời, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều loại người khác nào. Tuy vậy, nhớ đến người nào là lựa chọn của bạn.

Trong chương 8 của sách (“Anh hùng và lưu manh”), Michael de Kretser đã quyết định thay vì viết cả về những kẻ gian manh bên cạnh anh hùng, ông chỉ đề cập đến những cái tên ông trân trọng nhất mà thôi. Ông giải thích rằng những kẻ phản diện thì không cần được biết đến, trong khi những việc làm tốt lại rất cần nhân rộng ra.

Có lẽ chính vì giữ tinh thần lạc quan và hướng thiện như vậy, những ý tưởng của Quý ngài PR châu Á luôn tạo được thành công và dấu ấn mà không cần phải sử dụng đến chiêu trò hay những mánh khoé không minh bạch như những người không tốt khác.

9. Sau tất cả, chỉ ý tưởng là còn lại

9 bài học rút ra từ cuốn sách của Quý ngài PR châu Á

Chương 15 – chương cuối cùng – với cái tên “Một kết thúc cổ tích” cũng được xem như là chương độc đáo nhất của cuốn sách. Thay vì đưa thêm một câu chuyện, một ý tưởng sáng tạo để chốt lại cuốn sách một cách tròn vẹn, Michael de Kretser lại đặt vào đó một “cánh cửa mở” theo đúng nghĩa. Đó có thể xem như những lời tâm huyết sau cùng mà Quý ngài PR muốn nhắn nhủ với những ai đang rong ruổi theo cuộc du hành trong thế giới sáng tạo, đó là:

“You should have no fear to fail to be able to succeed!”

Hãy nhớ lấy điều ấy: không có thành công nào đến với người chỉ biết sợ hãi thất bại đâu!

Để nói hết cuộc du hành trong thế giới sáng tạo của một người như Quý ngài PR châu Á, hẳn nhiên chỉ qua một cuốn sách thì không thể đủ. Chính vì vậy, khi điểm đến tiếp theo của cuộc hành trình là Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi được những ý tưởng và chiến dịch sáng tạo lớn tiếp theo đến từ Michael de Kretser. Cùng đón xem kỳ tới của loạt bài “Du hành trong thế giới sáng tạo” của BrandsVietnam.

Để dõi theo cuộc du hành trong thế giới sáng tạo của Michael de Kretser, truy cập vào fanpage: https://www.facebook.com/duhanhtrongthegioisangtao.

Brands Vietnam