Dán tem bia: Nhiều ý kiến trái chiều
Đề xuất dán tem bia với mục đích quản lý chặt chẽ các sản phẩm bia tiêu thụ nội địa ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia do Bộ Công Thương tổ chức, một trong những đề xuất được dư luận quan tâm là đề xuất dán tem lên các sản phẩm bia. Ngay lập tức những thông tin này đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau: đồng tình có, bác bỏ có...
Việc yêu cầu dán tem vào một sản phẩm cụ thể không phải là lần đầu tiên chúng ta đề xuất, chúng ta đã làm với những sản phẩm rất gần với bia như dán tem lên rượu, thuốc lá. Tuy nhiên điều mà nhiều người quan tâm là việc đề xuất dán tem lên các sản phẩm bia có thực sự khả thi?
Việc dán tem lên một sản phẩm nào đó với mục tiêu quản lý người sản xuất, người tiêu dùng và chống hàng giả tốt hơn là biện pháp cần thiết và có thể áp dụng trong điều kiện thị trường đang phát triển ở nước ta. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần lựa chọn sản phẩm hàng hóa nào để dán tem và liệu việc dán tem lên sản phẩm đó có thực sự tạo điều kiện quản lý hiệu quả hơn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Riêng đối với sản phẩm bia, tôi khá nghi ngờ việc quản lý được và quản lý tốt hơn với biện pháp dán tem bia".
Về chi phí dán tem, Hiệp hội Bia rượu Việt Nam tính toán, một năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít/năm, tương đương 10 tỷ sản phẩm phải dán tem. 3.000 tỷ đồng là số tiền ước tính để thực hiện việc dán tem lên sản phẩm bia, bao gồm 2.000 tỷ là chi phí mua tem, 1.000 tỷ cho chi phí in tem, khấu hao và các chi phí khác. Chưa rõ quy định này có được thực hiện hay không, nhưng các doanh nghiệp sản xuất cho biết, có thể chi phí trên sẽ được tính vào giá thành sản phẩm.
Đánh giá về chi phí bỏ ra với tính hiệu quả mà việc dán tem lên sản phẩm bia có thể mang lại, TS Vũ Đình Ánh cho biết: "Đối với người tiêu dùng, việc thêm 150-200 đồng/con tem/sản phẩm bia không phải là lớn nhưng bản thân họ thấy thêm phần rắc rối và gần như không đạt hiệu quả như chúng ta mong muốn trong chừng mực nào đó là bảo vệ người tiêu dùng. Về khía cạnh tiêu dùng, với những khoản chi phí như vậy là chưa cần thiết. Về con số 3.000 tỷ, nếu xét mặt tổng thể kinh tế rất cần cân nhắc trước khi đưa ra biện pháp áp dụng trong khi đó. chúng ta chưa đánh giá được hiệu quả quản lý của chi phí mà chúng ta phải bỏ ra. Một điểm mà chúng ta rất cần quan tâm đó là cần rút kinh nghiệm việc dán tem trên các sản phẩm khác trước đó. Có một hiện tượng khá phổ biến là chúng ta dán tem nhằm mục đích chống hàng giả nhưng trên thị trường lại tràn lan con tem chống hàng giả cũng là giả".
Không thể phủ nhận việc cần quản lý chặt chẽ mặt hàng bia nhưng quản lý theo cách nào lại là vấn đề cần phải bàn.