Thị trường bán lẻ mở cửa: Việt Nam đã cam kết những gì?

Nếu như thị trường dịch vụ phân phối của Việt Nam là thị trường đặc biệt hấp dẫn với các đối tác nước ngoài thì dịch vụ bán lẻ Việt Nam có thể xem là một trong các phần hấp dẫn nhất với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất.

Do đó, không ngạc nhiên khi dịch vụ phân phối nói chung và bán lẻ nói riêng là khu vực tập trung nhiều yêu cầu nhất của các đối tác trong đàm phán cũng như trong thực thi các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam. Và cũng phải ghi nhận rằng Việt Nam có quan điểm tiếp cận khá mở trong lĩnh vực này.

Đây có thể coi là đặc điểm xuyên suốt trong hầu hết các cam kết mở cửa phân phối, bán lẻ của Việt Nam từ trước tới nay. Cam kết mở cửa thị trường bán lẻ đầu tiên phải kể đến là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2001 (BTA). Mức độ mở cửa thị trường phân phối trong BTA cũng đã rộng không kém gì các cam kết sau này. Mặc dù vậy, ảnh hưởng thực tế của BTA không lớn, có lẽ bởi phạm vi đối tác chỉ gói gọn ở Hoa Kỳ, mà thời điểm đó thì các nhà bán lẻ Hoa Kỳ dường như chưa ngó ngàng gì tới Việt Nam.

Mở cửa mạnh mẽ cam kết WTO

Cam kết mở cửa chủ yếu và được nhắc tới nhiều nhất trong lĩnh vực phân phối cho tới thời điểm này là các cam kết gia nhập WTO năm 2007 với bốn điểm nổi bật thể hiện rõ cách tiếp cận mở của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thị trường bán lẻ mở cửa: Việt Nam đã cam kết những gì?

Metro Cash & Carry của Đức vào Việt Nam năm 2002, dưới hình thức 100% vốn nước ngoài. Mới đây, Metro Việt Nam đã được chuyển nhượng cho tập đoàn BJC của Thái Lan. Ảnh: Thanh Tao

Thứ nhất, từ góc độ các phân ngành cam kết, Việt Nam đã cam kết mở cửa cho phép nhà cung cấp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam ở hầu hết các phân ngành trong ngành dịch vụ phân phối của WTO, bao gồm cả đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ, bán hàng đa cấp, nhượng quyền thương mại.

Đây quả thực là một cam kết mở và mạnh nếu biết rằng nguyên tắc đàm phán mở cửa dịch vụ trong WTO là “chọn - cho”, các nước được phép chọn một số lĩnh vực dịch vụ để mở cho nước ngoài, còn các lĩnh vực khác không cam kết thì không bị ràng buộc gì, muốn mở cửa tới đâu, lúc nào... thì tùy. Bản thân Việt Nam ta cũng khá e dè trong mở cửa dịch vụ, với chỉ các cam kết ở 110 phân ngành dịch vụ trong tổng số 155 phân ngành dịch vụ trong WTO.

Thứ hai, về mức độ mở cửa, lộ trình mở cửa áp dụng cho các nhà bán lẻ nước ngoài so với nhiều phân ngành khác là khá ngắn. Cụ thể, Việt Nam cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO ngày 11/1/2007 dưới hình thức bắt buộc là liên doanh với đối tác Việt Nam (phần vốn nước ngoài trong liên doanh bị giới hạn không quá 49%); từ ngày 1/1/2008 được phép hoạt động dưới hình thức liên doanh nhưng không bị hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh; và được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ kể từ sau ngày 1/1/2009.

Chỉ chưa đầy ba năm sau thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ.

Như vậy, chỉ chưa đầy ba năm sau thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Lộ trình này là khá ngắn so với lộ trình năm năm của các dịch vụ chuyển phát, chứng khoán, vận tải... và còn ngắn hơn nữa so với rất nhiều ngành dịch vụ mà Việt Nam thậm chí không có cam kết gì về thời điểm mở cửa hoàn toàn như các dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ nghe nhìn, phim ảnh, du lịch...

Trên thực tế, không phải tới tận năm 2009 Việt Nam mới mở cửa thị trường bán lẻ cho nhà cung cấp nước ngoài. Thậm chí, cam kết WTO còn là “đóng” hơn so với trước đó, khi mà Việt Nam đã cấp phép đơn lẻ (xét cho từng trường hợp) cho những đại gia bán lẻ lẫy lừng thế giới vào thị trường Việt Nam từ rất lâu trước khi gia nhập WTO (như casino của Pháp vào Việt Nam với thương hiệu Big C năm 1998 dưới hình thức liên doanh, Metro Cash & Carry của Đức vào Việt Nam năm 2002 dưới hình thức 100% vốn nước ngoài).

Thứ ba, về phạm vi hoạt động, một điều kiện mà Việt Nam đã đưa ra trong cam kết mở cửa trong WTO là các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ bán lẻ thông qua việc lập cơ sở bán lẻ (cửa hàng, siêu thị...) và chỉ được tự động mở 01 (một) địa điểm bán lẻ (mà không cần phải đáp ứng điều kiện gì), việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép trên cơ sở phân tích nhu cầu kinh tế (Economic Need Test hay ENT).

ENT thực chất là một loại “rào cản kỹ thuật” trong lĩnh vực bán lẻ mà các nước đã phải chấp thuận để đánh đổi lấy việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ của mình. ENT được thiết kế như một công cụ cho phép Việt Nam kiểm soát được số lượng cơ sở bán lẻ của một nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam và giới hạn số lượng này tùy thuộc vào nhu cầu kinh tế trong những bối cảnh cụ thể.

Thị trường bán lẻ mở cửa: Việt Nam đã cam kết những gì?

Tất nhiên, Việt Nam không được sử dụng ENT một cách tùy tiện, nhưng nếu biết cách sử dụng hiệu quả, ENT được coi như một “chốt chặn” quan trọng của Việt Nam trong kiểm soát các nhà phân phối nước ngoài tại thị trường của mình, đặc biệt trong bối cảnh đã mở cửa hoàn toàn. Không có gì ngạc nhiên khi trên thực tế các nhà bán lẻ nước ngoài rất hay phàn nàn về việc sử dung ENT của Việt Nam. Mặc dù vậy cho đến nay chưa có vụ việc pháp lý nào khẳng định Việt Nam lạm dụng ENT, vi phạm WTO. Thậm chí, theo những nhà bán lẻ nội địa, một số địa phương còn tỏ ra quá dễ dãi trong áp dụng ENT, khiến bán lẻ ngoại vào tận từng ngóc ngách, “vùi dập” bán lẻ nội địa.

Thứ tư, từ góc độ phạm vi loại sản phẩm mà nhà cung cấp nước ngoài được phép phân phối, trong WTO, Việt Nam cam kết mở cửa các dịch vụ phân phối đối với tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam kể từ ngày 11/1/2007, trừ với một số mặt hàng được liệt kê (xi măng, giấy, phân bón...) được mở dần tới năm 2010.

Tuy nhiên, Việt Nam loại bỏ hoàn toàn bảy nhóm sản phẩm khỏi danh mục cam kết cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phân phối tại Việt Nam (bao gồm thuốc lá và xì gà; sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình; kim loại quý và đá quý; dược phẩm; thuốc nổ; dầu thô và dầu đã qua chế biến; gạo, đường mía và đường củ cải).

Theo những nhà bán lẻ nội địa, một số địa phương còn tỏ ra quá dễ dãi trong áp dụng ENT, khiến bán lẻ ngoại vào tận từng ngóc ngách, “vùi dập” bán lẻ nội địa.

Sẽ có băn khoăn rằng tại sao ở một số siêu thị lớn của nước ngoài, người ta vẫn thấy bày bán công khai một số các sản phẩm trong danh mục bảy nhóm này (như gạo, đường, sách báo, thuốc lá, kim loại quý...). Điều này được giải thích như sau: Các hạn chế về loại hàng hóa được phép phân phối trong WTO chỉ áp dụng với các nhà phân phối vào Việt Nam sau ngày 11/1/2007. Với các nhà phân phối nước ngoài đã vào Việt Nam từ trước đó thì thực hiện theo giấy phép đầu tư - mà thời đó thì Việt Nam chưa có hạn chế gì đáng kể về loại sản phẩm được phép phân phối cả.

Cũng liên quan tới vấn đề này, đáng chú ý là Việt Nam đã cam kết không hạn chế về nguồn gốc các sản phẩm phân phối trong các cơ sở bán lẻ nước ngoài. Do đó, các cơ sở này có toàn quyền quyết định bán loại hàng hóa nào, nguồn gốc Việt Nam hay nước ngoài, tại các cửa hàng, siêu thị của mình.

Mờ nhạt trong các FTAs

Song song với WTO, Việt Nam còn thực hiện đồng thời các cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương khác (như AFTA với các nước ASEAN, các FTAs giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc - New Zealand, FTA Việt Nam - Nhật Bản và gần đây nhất là FTA Việt Nam - Chile). Mặc dù vậy, các FTA này có nội dung chủ yếu là về thương mại hàng hóa (loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu), phần về dịch vụ hầu như không có gì mới so với WTO. Vì vậy, lĩnh vực bán lẻ không bị ảnh hưởng từ các FTA này. Đây là thực tế cả với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 tới đây.

Cuối cùng, Việt Nam hiện đang đàm phán 6 FTA trong đó có những FTA với các đối tác đặc biệt mạnh về bán lẻ như Hoa Kỳ, Canada (trong TPP) hay EU (trong FTA Việt Nam - EU). Mặc dù vậy, như đã đề cập ở trên, cam kết mở cửa thị trường bán lẻ của Việt Nam trong WTO đã rất rộng, gần như mở hoàn toàn. Do đó, dù các FTAs đang đàm phán này được dự báo là có mức độ tự do hóa rất mạnh trong dịch vụ (thậm chí trong TPP, phương pháp đàm phán cho mở cửa dịch vụ còn là “chọn - bỏ” - mở hết, không hạn chế, trừ các lĩnh vực được liệt kê, với các điều kiện cụ thể được liệt kê) thì cam kết mở cửa thị trường bán lẻ có lẽ cũng sẽ không thay đổi gì nhiều so với hiện nay.

Thị trường bán lẻ mở cửa: Việt Nam đã cam kết những gì?

Tóm lại, Việt Nam đã cam kết mở cửa gần như hoàn toàn thị trường bán lẻ Việt Nam cho các nhà cung cấp nước ngoài. Việt Nam cũng không phải trường hợp đầu tiên trên thế giới chứng kiến sự lấn lướt của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường. Vấn đề chỉ còn ở chỗ Việt Nam học được gì từ các nước trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành bán lẻ cũng như sử dụng các công cụ được phép (như “chốt chặn ENT”, các kiểm soát hoạt động thực tế của các nhà bán lẻ nước ngoài về thuế má, về giờ giấc hoạt động, về cạnh tranh...) để bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của các kênh phân phối hàng Việt và sự tồn tại của các khu chợ truyền thống, của hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ và nhỏ bé trong nước mà thôi.

ENT là gì?

Kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Need Test - ENT) có thể hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép mở từng cơ sở bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không trừ cơ sở bán lẻ thứ nhất.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cam kết đảm bảo:

  • Quy trình xem xét, cấp phép cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất được xây dựng và công bố công khai; và
  • Việc kiểm tra nhu cầu kinh tế và quyết định cấp phép dựa trên các tiêu chí khách quan, bao gồm số lượng các nhà cung cấp dịch vụ (các cơ sở bán lẻ) đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý.

Trang Nguyễn
Nguồn The Saigon Times