Kinh doanh trực tuyến: phát triển vượt bậc
Hiện Việt Nam đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á trong việc sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến (58%).
Theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh doanh trực tuyến do Nielsen, công ty nghiên cứu thông tin và nhận thức người tiêu dùng toàn cầu thực hiện với sự tham gia của 30.000 người sử dụng internet tại 60 nước, cho thấy, sự gia tăng sở hữu các thiết bị có kết nối trong khu vực Đông Nam Á đã đặt ra nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của ngành bán lẻ trực tuyến, và số lượng người tiêu dùng sử dụng dịch vụ mua hàng trực tuyến tăng một cách đáng kể trong vòng 2 năm qua.
Tại khu vực Đông Nam Á, các dịch vụ về du lịch là sản phẩm được đặt mua trực tuyến nhiều nhất, kế đến là vé xem phim, vé xem nhạc kịch, vé tham dự triển lãm cũng như vé xem các trận đấu thể thao. Người Singapore dẫn đầu trên toàn thế giới trong việc đặt mua hàng trực tuyến, bao gồm vé máy bay, các dịch vụ khách sạn và đặt phòng.
Có đến 7 trong số 10 người Singapore (70%) dự tính mua vé máy bay trực tuyến và 69% dự tính đặt phòng khách sạn trong 6 tháng sắp tới. Tỷ lệ người tiêu dùng Malaysia đặt mua hàng trực tuyến cũng khá cao khi đứng thứ nhì trên thế giới trong việc đăt các tour du lịch và khách sạn, và đứng thứ 3 thế giới trong việc dự tính đặt vé máy bay và vé tham dự các sự kiện trực tuyến.
Khoảng phân nửa người tiêu dùng Indonesia, Philipplines và Việt Nam dự tính đặt mua các dịch vụ du lịch và vé tham dự sự kiên trực tuyến. Tại Việt Nam, theo ông Đoàn Duy Khoa, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam, năm 2014 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành kinh doanh trực tuyến.
Các hoạt động giải trí như du lịch (bao gồm vé máy bay và khách sạn) là những lĩnh vực tiềm năng khi có đến phân nửa người tiêu dùng Việt Nam dự tính đặt các dịch vụ này. Đa số người tiêu dùng Việt Nam nghiên cứu và tìm kiếm các thông tin về sản phẩm và dịch vụ trên mạng trước khi quyết định mua hàng tại các cửa hàng.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, hạng mục các mặt hàng mua sắm trực tuyến đã thay đổi một cách căn bản trong vòng 2 năm qua. Trong năm 2012, máy tính, phần mềm trò chơi, điện thoại di động, quần áo và đồ phụ kiện được xếp vào hàng các mặt hàng được đặt mua trực tuyến thường xuyên. Hiện nay, danh mục các măt hàng này vẫn thu hút được người tiêu dùng Đông Nam Á khi họ thường xuyên truy cập internet và đặt hàng.
Phần lớn người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á xem mạng internet như là một công cụ để kiểm tra các thông tin về sản phẩm cho các quyết định mua hàng thông thường.
Cũng theo khảo sát này, người tiêu dùng Philippines, Việt Nam và Singapore có khuynh hướng đặt mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với các nước. Đáng chú ý là phần lớn người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á xem mạng internet như là một công cụ để kiểm tra các thông tin về sản phẩm cho các quyết định mua hàng thông thường.
Cùng với sự tiện ích của việc mua sắm trực tuyến, các thông tin sẵn có về sản phẩm, các phản hồi và so sánh giá cả là các yếu tố quyết định cho việc mua sắm trực tuyến của những người tiêu dùng không có nhiều thời gian, nhưng quan trọng hơn, các trang mạng bán lẻ cũng mang đến những kinh nghiệm mua sắm thú vị.
Tuy nhiên, mức độ người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm trên mạng trước quyết định mua hàng theo cách thông thường báo hiệu cho các nhà bán lẻ việc họ nên chắc chắn không bỏ qua phần thương mại điện tử trong chiến lược kết nối tổng thể.
Khi nói đến các thiết bị kết nối được sử dụng để mua sắm trực tuyến nhiều nhất thì dù máy tính để bàn đang chiếm ưu thế ở phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng việc sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến cũng đang trở nên phổ biến.
Người tiêu dùng tại Philippines, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan được xếp vào danh sách Top 10 toàn cầu trong việc sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến. Máy tính bảng cũng được sử dụng như là công cụ để xem các trang mạng bán lẻ.
Sự gia tăng trong việc sở hữu các thiết bị có kết nối tại Đông Nam Á là một trong những lý do chính tác động đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong khu vực. Hiện Việt Nam đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á trong việc sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến (58%).
Khuynh hướng này được cho là sẽ tiếp tục trong những năm sắp tới. Người tiêu dùng ngày càng giàu có, các kết nối tốc độ cao khắp nơi và các đề nghị trực tuyến hấp dẫn sẽ kết hợp với nhau gây tác động trong những năm sắp tới. Khi khuynh hướng này tiếp tục, kinh doanh trực tuyến sẽ mang đến một cơ hội khổng lồ cho các nhà bán lẻ trên mạng cũng như những nhà điều hành khác để khai thác mở rộng danh bạ người tiêu dùng trực tuyến.
Chìa khóa để dẫn đầu là việc xác định và hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, phát triển cùng với sự tiến hóa của các hành vi mua sắm trực tuyến và áp dụng các chiến thuật có thể xây dựng được mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng".
Nielsen
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn