Cơ hội "hẹp" cho các doanh nghiệp Việt trước lời chào hàng của Samsung

Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung vẫn khá hẹp. Bởi chính câu chuyện về giá, chuyển giao công nghệ và những cam kết trực tiếp từ đại gia này vẫn còn là bài toán không dễ có lời giải trong ngắn hạn.

Việc Samsung đích thân tổ chức Hội nghị kết nối về công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội (sáng 11/9) đã mang đến niềm khích lệ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Đi cùng tham vọng của những tập đoàn đa quốc gia (TNC) như Samsung, Nokia, Canon, Intel… với các siêu dự án tỷ đô; các doanh nghiệp Việt cũng đang loay hoay tìm mọi cách để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, trở thành nhà cung cấp cho các đại gia này.

Tuy nhiên, với những gì mà đại diện Samsung - Tổng giám đốc bộ phận mua hàng Samsung Electronics Vietnam (SEV) tiết lộ thì có thể thấy "cửa vào" cho doanh nghiệp Việt vẫn khá hẹp.

Cơ hội hẹp cho các doanh nghiệp Việt trước lời chào hàng của Samsung

Từ trái qua: Ông Jang Hoyoung - Tổng giám đốc Bộ phận mua hàng SEV, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

* Để sản xuất các sản phẩm của Samsung đòi hỏi công nghệ cao, hiện đại. Samsung có kế hoạch định chuyển giao công nghệ cho các vendor (nhà cung cấp) cấp 1 như thế nào, để qua đó có một vendor được giới thiệu nhưng chưa đủ công nghệ, họ có được hỗ trợ gì để đáp ứng yêu cầu của phía Samsung?

- Ông Jang Hoyoung - Tổng giám đốc bộ phận mua hàng SEV: Hiện nay tại SEV, phần lớn các linh kiện chính trong điện thoại di động là do chúng tôi tự sản xuất. Tuy nhiên, những linh kiện được chúng tôi tự sản xuất có chi phí đầu tư để sản xuất rất lớn. Do đó, ngay cả những doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho chúng tôi cũng chưa có đủ công nghệ để sản xuất các sản phẩm.

Trong nội bộ của Samsung, các phụ kiện chính của điện thoại di động là những bí quyết của riêng Samsung, việc chuyển giao những công nghệ này có thể nói là rất khó.

Không những thế, để sản xuất được những sản phẩm theo công nghệ nguồn của Samsung cũng cần rất nhiều vốn đầu tư.

Kinh nghiệm từ các vendor của Samsung trên toàn cầu cho thấy, bản thân các doanh nghiệp cũng cần trải qua các giai đoạn, mất nhiều năm học tập từ vendor cấp cao hơn của mình để ngày hoàn thiện hơn.

Thực tế, để doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp Việt học hỏi trực tiếp từ công nghệ của Samsung đang bảo lưu thì rất khó.

Cơ hội hẹp cho các doanh nghiệp Việt trước lời chào hàng của Samsung

Nhà máy Samsung ở Yên Phong - Bắc Ninh

* Với mỗi linh kiện, Samsung duy trì chính sách mua từ max và min số nhà cung cấp?

- Với từng hạng mục sản phẩm riêng sẽ có quy định cụ thể, không có quy định nào chung. Bởi vì, một doanh nghiệp khó có thể cung cấp toàn bộ về số lượng, giá cả hay công nghệ.

Chúng tôi không phụ thuộc vào 1 hay 2 doanh nghiệp ở bất kỳ đâu, với quy mô nào.

Thực tế hiện nay, có những linh kiện Samsung phải mua từ 3 đơn vị, thậm chí có linh kiện phải mua từ 13 đơn vị khác nhau.

* Trong trường hợp doanh nghiệp Việt dự kiến đầu tư xây nhà máy cung cấp linh kiện cho Samsung, liệu rằng tập đoàn có sẵn sàng ký một hợp đồng khung hay không?

- Nếu như bản thân doanh nghiệp đã đáp ứng được 8 điều kiện của chúng tôi đưa ra, chỉ thiếu mỗi vốn đầu tư, chúng tôi có thể tạm thêm tên doanh nghiệp đó vào danh sách nhà đầu tư. Cách hỗ trợ sẽ là hoãn lại yếu tố vốn, chứ chưa thể ký kết trước hợp đồng khung khi chưa biết năng lực của doanh nghiệp đó tới đâu.

* Khi xem qua linh kiện của Samsung trong triển lãm, có lẽ rất ít (thậm chí là không) doanh nghiệp Việt nào hiện nay có đủ khả năng để sản xuất các linh kiện như Samsung yêu cầu. Giả định khi các doanh nghiệp Việt Nam có quyết tâm và đủ về vốn, Samsung có thể giới thiệu các công ty liên doanh để doanh nghiệp Việt liên kết không, vì đó là con đường tắt nhanh nhất?

- Đây quả là một câu hỏi khó. Các doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho chúng tôi không có quyền tác động vào quan hệ kinh doanh của các vendor. Bởi vì bản thân các vendor cũng không muốn bị Samsung tác động để liên kết với công ty này hay công ty kia. Vì vậy việc này là khó.

Tuy nhiên, nếu vendor của chúng tôi bày tỏ ý muốn liên kết, liên doanh với các công ty Việt Nam, chúng tôi có thể giới thiệu các bạn với họ được.

Cơ hội hẹp cho các doanh nghiệp Việt trước lời chào hàng của Samsung

* Chiến lược chọn lựa công nghiệp hỗ trợ có đưa danh mục 8 sản phẩm, với 8 tiêu chí, giải pháp giúp doanh nghiệp Việt cạnh tranh với các vendor sẵn có của Samsung, cũng như hỗ trợ đầu ra, nếu không có thì không bao giờ làm được. Ví dụ như cái ốc vít thôi, số lượng cần rất lớn, sẽ cần vốn nhiều. Vậy chính sách giá cả đối với 8 sản phẩm đó của Samsung là gì?

- Samsung muốn ưu tiên hàng nội địa đầu tiên. Trong các điều kiện chúng tôi đưa ra, đầu tiên là phải ưu tú hơn các vendor đang có. Tôi tin Việt Nam có nhiều điểm ưu tú hơn các vendor hiện tại của Samsung.

Về giá, hiện nay các doanh nghiệp FDI có nhiều chi phí và khoản đầu tư khác nên so với các doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm họ sản xuất ra sẽ không có giá tốt hơn.

Giá cả cạnh tranh sẽ là một điểm mạnh để các doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh với các vendor.

Khi có cùng giá, sẽ xem xét điều kiện vận chuyển, thời gian giao hàng, vì mua từ trong nước sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và cả chi phí nữa.

Tuy nhiên, ngoài giá cả, khả năng cung cấp cũng là một vấn đề rất quan trọng. Ví dụ trong lúc cần kíp chúng tôi order gấp, công ty đó có cung cấp được hàng luôn không, đó sẽ là những yếu tố được chúng tôi xem xét tiếp theo.

Chúng tôi phân ra cùng 1 linh kiện, doanh nghiệp nào mạnh về giá, mạnh về chất lượng, mạnh về khả năng ứng biến, chúng tôi sẽ điều chỉnh vendor qua các đợt mua hàng theo yêu cầu khác nhau.

Vũ Minh - Lề Phương
Nguồn Biz Live