Điện thoại thương hiệu Việt: Còn đất diễn?
Đầu tháng trước, Mobiistar đã bất ngờ tung ra mẫu điện thoại thông minh (smartphone) lõi 8 có thiết kế khá ấn tượng nhưng giá bán chưa đến 5 triệu đồng; thấp hơn hẳn so với sản phẩm tương tự của các thương hiệu nổi tiếng khác.
Trong khi đó, Q-mobile lại bắt tay với người khổng lồ công nghệ Microsoft (Mỹ) để sản xuất điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone có mức giá bình dân tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý hơn nữa, những động thái mới nhất của Mobiistar và Q-mobile đều diễn ra khi mà nhiều ông lớn điện tử đang lấn mạnh xuống phân khúc smartphone bình dân, sân chơi quen thuộc của hai thương hiệu điện thoại Việt này.
Samsung là một ví dụ. Mẫu smartphone Galaxy V vừa được hãng này tung ra dành riêng cho thị trường Việt Nam có giá bán chỉ 2,3 triệu đồng. Được tích hợp nhiều tính năng cộng với sức mạnh sẵn có của thương hiệu, Galaxy V ngay lập tức trở thành đối thủ đáng gờm đối với khá nhiều mẫu smartphone chủ lực của Mobiistar và Q-mobile ở phân khúc giá dưới 3 triệu đồng.
Trước đó không lâu, hãng Asus đã giới thiệu mẫu smartphone Zenphone 4 mới có cấu hình hấp dẫn nhắm vào phân khúc giá dưới 3 triệu đồng và đã tạo nên cơn sốt trên thị trường. Hồi đầu năm nay, Sony cũng cho ra mắt mẫu Xperia E1 có giá chỉ gần 3 triệu đồng, được xem là con át chủ bài của hãng điện tử Nhật này trong cuộc chiến smartphone bình dân giá rẻ tại Việt Nam.
Cần nhắc lại rằng, điện thoại thông minh ở phân khúc giá dưới 3 triệu đồng vốn từ lâu được xem là sân chơi mang lại phần lớn doanh thu cho các thương hiệu điện thoại của Việt Nam.
Cụ thể, sản phẩm ở phân khúc giá dưới 2 triệu đồng đang đóng góp nhiều nhất vào doanh số mảng điện thoại của Công ty Cổ phần Q-mobile (thương hiệu Q-mobile và Q-Smart). Còn phân khúc giá mà Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Mobile Star (thương hiệu Mobiistar) đang làm tốt là dưới 3 triệu đồng.
Trong bối cảnh lãnh địa smartphone bình dân bị tấn công liên tục, các thương hiệu điện thoại Việt đang làm gì để tiếp tục phát triển?
Hãy bắt đầu với Q-mobile. Ra đời từ năm 2008 và phát triển nhanh trong giai đoạn 2008-2010 nhờ đánh mạnh sản phẩm điện thoại cơ bản 2 sim, Q-mobile sau đó lại được thị trường nhắc đến với các dòng smartphone bình dân chạy Android giá từ 1-3 triệu đồng hướng đến những người mới dùng điện thoại thông minh.
Khi bắt tay với Microsoft để sản xuất smartphone chạy Windows Phone, Q-mobile tiếp tục chú ý đến đối tượng khách hàng nói trên và đã đặt ra những mục tiêu cụ thể.
“Windows Phone hiện là hệ điều hành di động có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, Windows Phone chỉ chiếm 24% trên các thiết bị di động bán ra nên vẫn còn nhiều tiềm năng. Dự kiến trong năm 2015, Q-mobile sẽ bán ra &iacu[D nhất 300.000 smartphone chạy Windows Phone”, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Q-mobile, khẳng định.
Theo đại diện Q-mobile, cùng với việc hợp tác này, Công ty đang hướng đến mốc doanh thu 2.000 tỉ đồng từ mảng bán lẻ điện thoại di động trong năm 2015.
Trước đây, người dùng muốn sử dụng Windows Phone chỉ có thể chọn lựa các dòng smartphone Lumia của Nokia (nay đã thuộc Microsoft). Tuy nhiên, muốn trải nghiệm sản phẩm Windows Phone có màn hình trên 5-inch, người dùng phải bỏ ra ít nhất 5 triệu đồng. Vì vậy, khả năng tiếp cận số đông người dùng bình dân của Lumia là khá hạn chế. Bắt tay với Q-mobile để sản xuất smartphone chạy Windows Phone có giá từ 2-4 triệu đồng, Microsoft cũng được hưởng lợi vì hệ điều hành di động của họ sẽ đến được với đông đảo người dùng hơn.
“Đây là hợp tác mà đôi bên cùng có lợi. Microsoft sẽ gia tăng được thị phần Windows Phone tại Việt Nam, còn thương hiệu Q-mobile và Q-Smart sẽ có cơ hội được người dùng kiểm chứng. Ngoài ra, vì Q-mobile là đối tác ODM đầu tiên hợp tác với Microsoft sản xuất smartphone chạy Windows Phone trên thế giới, nên chúng tôi cũng sẽ hưởng lợi từ hoạt động marketing của họ”, ông Minh chia sẻ.
Có thể nói, giữa lúc cạnh tranh trở nên gay gắt, việc bắt tay với Microsoft đã giúp cho Q-mobile tìm được định hướng phát triển mới khả dĩ hơn, nhất là khi phân khúc smartphone bình dân chạy Android trở nên đông đúc.
Mobiistar, một thương hiệu điện thoại di động của Việt Nam, cũng kết hợp với người khổng lồ nhưng là theo một cách khác.
Xuất hiện sau Q-mobile một năm, Mobiistar cũng được thị trường biết đến với những dòng smartphone chạy Android giá từ 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên, việc ra mắt chiếc smartphone lõi 8 mang tên PRIME 508 có giá bán chưa đến 5 triệu đồng mới đây đã đánh dấu bước tiến lên phân khúc giá cao hơn của Mobiistar.
Khác với các dòng điện thoại bình dân trước đây, sản phẩm mới nhất của Mobiistar đã “bắt tay” với những tên tuổi có tiếng trong làng công nghệ. Ví dụ như chip lõi 8 mới nhất của MediaTek (Đài Loan), cảm biến camera sau Exmor R của Sony, kính cường lực Dragontrail (Nhật) cho mặt trước và Gorilla Glass 3 danh tiếng cho mặt sau… Mobiistar còn hợp tác với hãng Opera Software (Na Uy) để cài đặt ứng dụng Opera Max lên PRIME 508, cho phép tiết kiệm dữ liệu khi sử dụng 3G.
Tuy đây mới là chiếc smartphone thứ 2 được Mobiistar tung ra ở phân khúc giá dưới 5 triệu đồng, nhưng PRIME 508 lại được hãng này kỳ vọng sẽ là sản phẩm chủ lực trong thời gian tới. Dù vậy, vấn đề mà tất cả các hãng điện thoại của Việt Nam đều gặp phải khi muốn tiến lên phân khúc giá cao hơn vẫn là thương hiệu.
“Khi làm thương hiệu, nhiều tiền chưa hẳn sẽ hiệu quả, nhưng ít tiền chắc chắn là bất lợi. Mobiistar chọn truyền thông trực tiếp đến những người theo dõi công nghệ và quan tâm đến thương hiệu. Bên cạnh đó, từ giữa năm nay, Mobiistar cũng bắt đầu đồng hành cùng một số chương trình truyền hình trực tiếp như Bài Hát Việt và Sao Mai Điểm Hẹn nhằm gia tăng độ nhận biết thương hiệu, tạo hiệu ứng cộng hưởng lâu dài đến sức mua sản phẩm trên thị trường”, ông Ngô Nguyên Kha, Tổng Giám đốc Mobiistar, cho hay.
Hà Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư