Vinasoy tạo sự khác biệt trong kinh doanh
Cùng nghe ông Ngô Văn Tụ, GĐ Điều hành công ty sữa đậu nành Việt Nam – Vinasoy nói về việc đầu tư cho R&D, tham vọng chinh phục thị trường Trung Quốc và quan điểm về cây trồng biến đổi gen trong định hướng xuất khẩu sản phẩm…
Hiện nay, công ty sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy chiếm gần 80% thị phần sữa đậu nành hộp giấy ở Việt Nam. Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc Điều hành Vinasoy cho biết, có được thành công này là nhờ chiến lược tập trung để hiểu về đậu nành, thấy được giá trị dinh dưỡng của một sản phẩm tự nhiên, từ đó giúp khai phá tiềm năng kinh doanh trong lĩnh vực đậu nành. Bên cạnh đó, những bước đi “chậm mà chắc” đã giúp Vinasoy khẳng định vị thế trên thương trường.
Tăng sự liên kết trong ngành
Theo ông Ngô Văn Tụ, hiện nay, Vinasoy đang liên kết với 2 trung tâm nghiên cứu về đậu nành tại Mỹ là trường đại học Missouri và trung tâm Nghiên cứu đậu nành trường đại học Illinois. Sự liên kết này sẽ cho ra những nghiên cứu mang tính đột phá trong việc trồng đậu nành, phương pháp canh tác, chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Song song với việc hợp tác với các trường đại học có chuyên môn ở Mỹ, Vinasoy cũng không ngừng nâng tầm mình. Vinasoy có trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, phát triển đậu nành ra đời vào tháng 11/2013. Việc thành lập trung tâm nghiên cứu ứng dụng là bước đi chiến lược của Vinasoy trong việc củng cố sức mạnh nội tại của mình. Trung tâm này bắt tay hợp tác, hỗ trợ người nông dân trong việc trồng đậu nành. Một trong 2 nhiệm vị chính của trung tâm là làm sao liên kết để biến những giá trị nông nghiệp thành những giá trị công nghiệp. Ông Tụ nói: “Vinasoy là đơn vị đầu tiên trong nước chủ động thành lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đậu nành, với mục tiêu tìm kiếm những phát minh mới, cũng như những thông tin dinh dưỡng về đậu nành”…
Qua nhiều năm nghiên cứu, Vinasoy nhận thấy, đậu nành ở vùng Đắc Nông có hương vị thơm ngon đặc trưng mà hầu hết các loại đậu nành nhập khẩu không có được, và đây là nguồn nguyên liệu tốt của Vinasoy hiện nay.
Ông Tụ phân tích, để “tuyển chọn” được nguồn nguyên liệu “đầu vào” chất lượng cao và đảm bảo, Vinasoy đã đi đến tất cả các tỉnh, thành trồng đậu nành để nghiên cứu thực tế. Ông Tụ cho rằng, làm việc này thường xuyên giúp doanh nghiệp có nguồn đậu tốt, hơn nữa có thể hiểu thêm nhiều cách trồng đậu nành có chất lượng cao của người dân để áp dụng cho mình. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn của Vinasoy thường xuyên đến những viện, trung tâm nghiên cứu đậu nành trong nước để học hỏi, giao lưu, hợp tác.
Nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu nhưng Vinasoy lại “chọn mặt gửi vàng” ở nguồn đậu nành trong nước. Nguồn nguyên liệu trong nước quan trọng là cách mua như thế nào để có những nguyên liệu tốt nhất, an toàn nhất cho người tiêu dùng. Qua nhiều năm nghiên cứu, Vinasoy nhận thấy, đậu nành ở vùng Đắc Nông có hương vị thơm ngon đặc trưng mà hầu hết các loại đậu nành nhập khẩu không có được, và đây là nguồn nguyên liệu tốt của Vinasoy hiện nay. Mặc dù gặp không ít những khó khăn trong việc thu mua số lượng lớn, Vinasoy vẫn “đặt niềm tin” vào vùng nguyên liệu trong nước để đảm bảo hương vị cho sản phẩm. Từ những vùng nguyên liệu này, Vinasoy sẽ chọn và trồng thử nghiệm, tạo ra các giống đậu nành năng suất cao, phẩm chất tốt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đậu nành.
Hướng đến thị trường 1,3 tỉ khách hàng
Về dự định của Vinasoy, ông Ngô Văn Tụ cho biết, trước mắt ưu tiên thị trường nội địa và phục vụ tốt nhất thị trường này. Bên cạnh đó là chuẩn bị những “kế sách” lớn để thâm nhập thị trường giàu tiềm năng Trung Quốc. Vinasoy đang làm rất kỹ việc này để có những phương pháp bền vừng, dài hạn và thành công.
Theo ông Ngô Văn Tụ, để xuất khẩu thành công qua thị trường Trung Quốc, nội tại doanh nghiệp phải có những hành hóa khác biệt với hàng Trung Quốc. Cùng với đó là chất lượng sản phẩm phải tốt, và phải biết thị hiếu của người Trung Quốc như thế nào. Ông Tụ kể: “Chúng tôi đã đi qua Trung Quốc 4 lần và chắc chắn sẽ phải đi thêm nhiều lần nữa để thâm nhập thị trường này. Vinasoy muốn hiểu thêm về đặc điểm thị trường, những đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc như thế nào”. Theo đánh giá của lãnh đạo Vinasoy, quan trọng nhất là phải hiểu được nhu cầu của người Trung Quốc về loại sản phẩm này như thế nào. Những chuyến đi như thế sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn thực tế, đúng vấn đề để từ đó mới có những giải pháp khả thi nhất cho thị trường.
Không ủng hộ đậu nành biến đổi gen
Theo ông Ngô Văn Tụ, Vinasoy không ủng hộ việc sử dụng đậu nành biến đổi gen vào sản xuất. Vì hiện nay chưa có nghiên cứu rõ ràng nào về tác động của loại thực phẩm này đến sức khỏe. Mặt khác, sau 2015, chắc chắn sẽ có nhiều hàng rào phi thuế quan của các nước mọc lên để bảo hộ sản phẩm nội địa, mà không ít khả năng, sản phẩm có nguồn gốc GMC sẽ nằm trong số này. Theo định hướng xuất khẩu của công ty, Vinasoy không chọn con đường sử dụng đậu nành biến đổi gen.
Trần Quỳnh
Nguồn BSA