Thế giới di động toan tính gì
Trước khi Thế giới Di động lên sàn, các ông chủ của công ty này đã chia nhau thành quả lợi nhuận, còn các cổ đông sáng lập cũng chuyển phần lớn cổ phiếu về công ty riêng. Đây phải chăng là bước dọn đường để họ thoái vốn?
Ngoại thoái, nội có thoái?
Ngay khi công ty lên sàn, các lãnh đạo của Công ty Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã tuyên bố mục đích chính là giúp các cổ đông ngoại thoái vốn. Nói cách khác, MWG lên sàn không vì mục đích huy động vốn. Một trong các cổ đông ngoại của MWG là Quỹ Mekong Enterprise Fund II (MEF II – thuộc Mekong Capital). Năm 2007, MEF II trở thành cổ đông chiến lược và nắm hơn 32% cổ phần của MWG. Để kết thúc chu kỳ đầu tư, quỹ này thoái vốn dần tại đây, lần đầu tiên là vào năm 2013. Gần đây nhất, tháng 5/2014, quỹ bán tiếp 5,6 triệu cổ phiếu nữa và chỉ còn nắm 14,3%. Hai lần thoái vốn mang lại cho MEF II khoản lợi nhuận lần lượt gấp 11 và 22 lần giá trị đầu tư ban đầu.
Trước đây, với cổ phiếu MWG, MEF II chỉ bán được giá cao nhất là 85.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá trên sàn hiện nay của MWG là trên 100.000 đồng/cổ phiếu càng giúp cho MEF II tiến hành thoái vốn hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, một cổ đông ngoại khác là Công ty CDH Bee Electric (công ty con của Best Buy – Mỹ) đang nắm xấp xỉ 16% cổ phần MWG. Với tình hình thuận lợi về giá cổ phiếu như hiện nay, chuyện công ty này thoái vốn chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chuyện thoái vốn của cổ đông ngoại đã rõ, nhưng liệu các cổ đông sáng lập có tận dụng làn sóng này để thoái vốn và tối đa hóa lợi nhuận?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy câu trả lời là: có thể. Trước hết, các cổ đông sáng lập MWG đã chia hết phần lớn lợi nhuận những năm qua bằng hình thức thưởng cổ phiếu với tỉ lệ rất cao trước khi công ty niêm yết. Tỷ lệ thưởng là 1.000: 669 và cổ tức bằng cổ phiếu là 1.000: 3.270.
Người hưởng lợi nhiều nhất chính là các cổ đông sáng lập MWG – vốn nắm phần lớn cổ phần. Điều này là hoàn toàn xứng đáng, bởi họ có công xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ điện thoại di động phủ khắp cả nước với gần 230 cửa hàng. Sau khi nhận thưởng lớn, các cổ đông sáng lập mau chóng chuyển phần lớn sở hữu về công ty riêng. Trong số 5 cổ đông sáng lập, chỉ có ông Đinh Anh Huân là không chuyển sở hữu với 3,1 triệu cổ phiếu. Bốn người còn lại tính trung bình đã chuyển gần 90% sở hữu về công ty riêng và cho người có liên quan. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài (người sáng lập công ty) chuyển cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ, ông Trần Lê Quân chuyển cho Công ty TNHH Tri Tâm, ông Điêu Chính Hải Triều chuyển cho Công ty TNHH MTV Sơn Ban và ông Trần Huy Thanh Tùng chuyển cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Trần Huy.
Ông Nguyễn Thành Chung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Á – Âu (AAS) nhận xét, động thái bán bớt một phần cổ phiếu để thu tiền thực là chuyện có thể xảy ra. Dù là các cổ đông chủ chốt, nhưng chuyện nhóm người trên bán cổ phiếu MWG không gặp nhiều rào cản về mặt pháp lý.
Sau khi MWG niêm yết, các cổ đông nội bộ cam kết không bán 100% cổ phiếu sở hữu trong 6 tháng và 50% số này trong 6 tháng kế tiếp. Tức là họ có thể bán tối đa một nửa số cổ phiếu nắm giữ trong vòng 1 năm sau khi công ty niêm yết. Bán cổ phiếu qua công ty riêng giúp họ tránh được nguy cơ giảm giá cổ phiếu so với khi họ trực tiếp bán, theo ông Thành Chung. Theo quy định, cổ đông sở hữu từ 5% cổ phần trở lên khi mua hoặc bán cổ phiếu phải thông báo. Ngược lại, bán cổ phiếu dưới tên của công ty riêng sẽ ít bị để ý hơn. Nghi vấn thoái vốn còn đến từ thực tế thị trường điện tử gia dụng. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), nhu cầu sử dụng các thiết bị di động sẽ chạm ngưỡng bão hòa trong 5 năm tới.
Tiền của người đến sau
Có thể thấy rằng, dù có bán bớt cổ phiếu để thu tiền về, nhưng khả năng “tháo chạy” của các cổ đông sáng lập là khó xảy ra, ít nhất trong vòng 1 năm nữa.
MWG vẫn đang là “gà đẻ trứng vàng” cho các cổ đông. Trong 5 tháng đầu năm 2014, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỷ đồng, tăng lần lượt 66% và 351% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng của các năm trước cũng rất ấn tượng, như năm 2013 lợi nhuận ròng của MWG tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Năm 2014 là năm thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của công ty này, tạo động lực cho các cổ đông sáng lập tăng cường nắm giữ cổ phần. Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu
Thị trường GFK, phân khúc điện thoại thông minh và máy tính bảng tại Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng lần lượt đạt 39% và 65% trong năm 2014. Có lẽ vì thế mà ban lãnh đạo MWG sớm đặt mục tiêu tham vọng cho năm 2014 với doanh thu tăng 36% và lợi nhuận ròng tăng 68%. Theo ông Chung, AAS, dù tăng số cửa hàng để mở rộng thị phần, nhưng MWG có thể đối mặt với tình trạng nhu cầu tiêu dùng giảm. Trước tình thế này, rất có thể MWG sẽ mở rộng kinh doanh các mặt hàng khác. “Cũng không loại trừ họ đầu tư thêm lĩnh vực bất động sản hay ngành nghề nào khác mà họ thấy có tiềm năng sinh lợi tốt”, ông Chung nói.
Có lẽ vì vậy mà sau khi niêm yết, MWG lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ rất cao chứ không trả bằng tiền mặt. Một mặt, điều này giúp họ giữ lại nguồn tiền để đầu tư sau này, mặt khác giúp gia tăng quy mô công ty nhanh chóng. Theo MWG, họ có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 49% mệnh giá trong năm 2014.
Đồng thời, có thể MWG sẽ thực hiện nhiều đợt phát hành cổ phiếu nữa để huy động nguồn tiền mặt cho các kế hoạch mới. Số lượng cổ phiếu lưu hành của MWG sau khi niêm yết đã tăng rất nhanh, từ 11 triệu cổ phiếu lên hơn 62,7 triệu đơn vị. Và có lẽ trong tương lai gần, con số này sẽ còn tăng nhanh nữa. Như vậy, không chỉ đánh cược với tiềm năng tăng trưởng của thị trường và kỳ vọng vào tài điều hành của ban lãnh đạo, các cổ đông mới MWG sẽ phải bỏ thêm tiền mua cổ phiếu nhằm giúp công ty tiếp tục phát triển.
Ngọc Dương
Nguồn Doanh Nhân Online