Hàng Thái: Vì sao chọn Việt Nam?

Bằng chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) để thâm nhập thị trường, mở rộng đầu tư..., các doanh nghiệp (DN) Thái Lan đang ngày càng thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Việt Nam với đủ các mặt hàng.

Hàng Thái đổ bộ

Vài năm trở lại đây, hàng Thái xuất hiện ngày càng nhiều tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... Đặc biệt, nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái ra đời, thu hút sự quan tâm của một bộ phận cư dân thành thị. Nhưng không dừng ở đó, hàng Thái đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường một cách chắn chắn bằng tất cả các kênh mua sắm.

Bằng chứng là mới đây, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đã mua lại 19 trung tâm phân phối của Metro Việt Nam. Thương vụ đã tạo một làn sóng mới về sự xâm nhập của hàng Thái và tham vọng chiếm lĩnh thị trường trong lĩnh vực bán lẻ của DN Thái. Bởi trước Metro, BJC cũng đã mua lại chuỗi cửa hàng Family Mart - một liên doanh của Tập đoàn Phú Thái với đối tác Nhật khi phía đối tác này rút khỏi Việt Nam.

Hàng Thái: Vì sao chọn Việt Nam?

Thông qua M&A, hàng Thái đang từng bước thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam - Ảnh: Quý Hòa.

Tuy chưa chính thức ra mắt nhưng Family Mart đã được đổi tên thành Bsmart, một thương hiệu lâu đời của BJC. Nhà đầu tư này đặt mục tiêu sẽ có thêm 100 cửa hàng Bsmart trong năm nay và đến năm 2015 nâng tổng số cửa hàng lên tới 300.

Các phân tích đều cho rằng, khả năng mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng Bsmart là có cơ sở bởi lợi thế của BJC tại Việt Nam là sở hữu 65% cổ phần của Công ty Thái An JSC, một công ty chuyên về phân phối và vận chuyển thực phẩm tại miền Bắc. Công ty này có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố, có quan hệ thương mại với hàng trăm nhà phân phối, cả ngàn nhà bán buôn và nhiều nhà bán lẻ tại các chợ truyền thống.

Không chỉ có BJC, tháng 4 vừa qua, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Central Group cũng đã mở trung tâm mua sắm tiêu chuẩn quốc tế mang tên Robins tại Hà Nội.

Trung tâm thứ hai của nhà đầu tư này sẽ được mở tại TP.HCM trong tháng 11 tới. Công bố trước báo giới trong sự kiện ra mắt trung tâm Robins tại Hà Nội, đại diện của Central Group, khẳng định, đây là nơi cung cấp hàng ngàn mặt hàng được tuyển chọn kỹ từ các thương hiệu hàng đầu của Thái.

Như vậy, đến cuối năm nay, sẽ có 2 trung tâm Robins của Central Group tại Việt Nam nhưng đây không phải là con số cuối cùng. Bởi, Việt Nam là một trong những "điểm đến" mà nhà đầu tư này công bố sẽ dành 1,3 tỷ USD để mở cửa hàng, trung tâm mua sắm, mua bán và sáp nhập ở Đông Nam Á trong 3 năm tới.

Việt Nam là một trong những "điểm đến" mà Central Group, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái, công bố sẽ dành 1,3 tỷ USD để đầu tư ở Đông Nam Á trong 3 năm tới.

Trong đó, 80% ngân sách sẽ được rót vào Cental Retial và Central Pattana, 20% còn lại đầu tư vào ngành thực phẩm, khách sạn, lĩnh vực thời trang.

Theo đại diện ban lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM, sự xuất hiện của hệ thống phân phối hiện đại của Thái sẽ tạo điều kiện cho hàng Thái vào Việt Nam theo đường chính thống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và qua đó sẽ đẩy hàng Thái ra thị trường nhiều hơn, được người tiêu dùng chấp nhận dễ dàng hơn.

Điều này là chắc chắn vì theo đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan - Văn phòng Thương vụ Thái tại TP.HCM, là thị trường năng động với khoảng 50 triệu dân có khả năng chi trả tiêu dùng ngay, Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với các DN Thái.

Suốt 13 năm qua, các DN nước này đã phối hợp với Thương vụ Thái Lan liên tục tổ chức các hội thảo, triển lãm, hội chợ tiêu dùng để hàng Thái đến gần hơn với người tiêu dùng đồng thời tìm kiếm thị trường tiềm năng để mở rộng đầu tư. Với đà phát triển như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa 2 nước có khả năng sẽ tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Doanh nghiệp Thái bành trướng

Cũng theo Cục Xúc tiến Thương mại Thái Lan, đến nay, có trên 300 dự án đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam với vốn đăng ký gần 6,5 tỷ USD, đứng thứ 10 trong 101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam.

Hàng Thái: Vì sao chọn Việt Nam?

Hiện các công ty Thái đang hướng đến Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng. Bởi, nói như ông Tos Chirativat, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Central Group, Việt Nam là thị trường 90 triệu dân, trong đó, hơn 60% thuộc về lực lượng lao động với sức mua cao đã trở thành thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ.

Sự bành trướng của các DN Thái Lan không chỉ diễn ra trong ngành bán lẻ, ngân hàng, đồ gia dụng mà gần đây còn mở rộng sang ngành dầu khí, khai thác dầu khí, vật liệu xây dựng, công nghiệp thời trang... Theo đại diện của Siam Cement Group (SCG), Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm mà tập đoàn này đang phân phối và kinh doanh như giấy gói, hóa dầu, xi măng, vật liệu xây dựng.

Hiện SCG đã có 17 công ty đăng ký tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản lên đến 11 tỷ baht. Không dừng lại ở 17 công ty con, SCG vẫn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam. Cụ thể, vào tháng 4/2013, SCG đã bỏ ra 7,2 tỷ baht để mua 85% cổ phần Công ty Gạch Prime Group Việt Nam, một công ty sản xuất gạch men có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Trong khi đó, Tập đoàn Charoen Pokphan (CP), một thương hiệu lớn khác của Thái, lại đẩy mạnh phát triển mảng chế biến thực phẩm. Đến nay, CP là DN số 1 trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi với 9 nhà máy tại 5 tỉnh: Đồng Nai, Hải Dương, Hà Nội...

Năm 2013, doanh thu của CP tại Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước. Điều đáng nói là trong khoảng 200 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện có, CP chiếm đến gần 40% thị phần.

Sự bành trướng của các DN Thái Lan không chỉ diễn ra trong ngành bán lẻ, ngân hàng, đồ gia dụng mà gần đây còn mở rộng sang ngành dầu khí, khai thác dầu khí, vật liệu xây dựng, công nghiệp thời trang...

Ngoài cung ứng thức ăn chăn nuôi, CP còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại. Dự án mới nhất của DN này là xây dựng trang trại giống, nuôi và chế biến cá tra tại Bến Tre và mới đây (tháng 5/2014), CP lại mở thêm mô hình nuôi tôm trên cát xuất khẩu tại Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Còn BJC, ngoài thâm nhập thị trường bán lẻ còn đầu tư vào sản xuất. Và trước thương vụ với Metro, Family Mart, BJC đã mở nhà máy sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Tập đoàn này hiện đang nắm cổ phần chi phối hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Inchiban. Có thông tin BJC còn mua 11% cổ phần của Vinamilk - công ty sữa lớn nhất của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, ngoài chất lượng sản phẩm và uy tín, có ba lợi thế để các DN Thái Lan "đổ bộ” vào Việt Nam. Đó là quy mô thị trường cùng với sự kỳ vọng sức mua tăng và thị trường Việt Nam dễ tiếp cận các thị trường khác trong khu vực. Nhưng lợi thế của DN Thái là nỗi lo cho DN Việt Nam!

Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn