TVC - Quy Trình Thấu Hiểu Nhu Cầu Khách Hàng

TVC là các mẫu quảng cáo bằng video clip ngắn thông thường có thời lượng 30 giây với sự kết hợp của hình ảnh, chuyển động và âm thanh, được trình chiếu trên màn hình tại bất kỳ nơi đâu, không chỉ riêng trên tivi nữa. TVC đã trở thành vũ khí không thể thiếu của rất nhiều nhãn hàng để tấn công vào tâm trí người tiêu dùng.

Quảng cáo là thuyết phục khách hàng và quy trình làm TVC cũng là quy trình thuyết phục. Một quy trình làm TVC cần nhiều bước thực hiện và sau đây là một số bước cơ bản:

Bước 1: Thu thập dữ liệu khách hàng (Client)

Đầu tiên, khách hàng sẽ cung cấp thông tin, yêu cầu cho bên Agency để làm thành bản tóm tắt từ phía khách hàng (Client Brief). Từ bản tóm tắt khách hàng Agency sẽ nghiên cứu việc lập kế hoạch và các chiến dịch quảng cáo. Khách hàng sẽ giải thích rõ họ muốn kết quả của chiến dịch là gì, thị trường mục tiêu của họ là ai, hạn chót là khi nào, khi nào thì chiến dịch được phát đi hoặc được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

TVC - Quy Trình Thấu Hiểu Nhu Cầu Khách Hàng

Agency sẽ đưa ra các ý kiến hỗ trợ như xem xét các yêu cầu từ phía khách hàng, giải thích việc sử dụng ngân sách cho quảng cáo, những gì mà khách hàng có thể kỳ vọng từ sản phẩm quảng cáo sau cùng, đưa ra bản giải trình các cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất, họ đóng góp gì trong quá trình đó.

Bước 2: Lên ý tưởng kịch bản (Concept)

Từ bản Creative Brief (bản tóm tắt chiến lược sáng tạo), giám đốc chiến lược truyền thông, giám đốc dịch vụ khách hàng và giám đốc sáng tạo tiến hành các cuộc thảo luận để định hướng sáng tạo. Sau đó, những người khác trong đội sáng tạo là copywriter, thiết kế, hoa sĩ thể hiện … cùng suy nghĩ về ý tưởng chủ đạo, rồi phát triển ý tưởng chủ đạo (Concept *) được chọn thành những ý tưởng cụ thể hơn (idea **) qua những buổi huy động trí tuệ tập thể brainstorm. Yêu cầu tối quan trọng là bám sát những thông tin từ bản creative brief để sáng tạo đúng hướng.

Bước 3: Viết kịch bản văn học (Crips Idea)

Copywiter tiếp tục viết kịch bản văn học, tìm nhạc và các minh họa khác trong khi giám đốc nghệ thuật vẽ phác thảo ý tưởng. Từ những nguyên liệu: kịch bản văn học (thể hiện chi tiết bằng lời các cảnh sẽ xuất hiện hiện trong TVC theo diễn tiến câu chuyện), bản vẽ phác bằng tay các hình ảnh của nhân vật chính, đội sáng tạo cho ra đời storyboard (là kịch bản dưới dạng hình ảnh miêu tả các cảnh quay cơ bản và các phần âm thanh tương ứng. Kịch bản hình ảnh này sẽ giúp khách hàng có những hình dung sơ lược về TVC. Nó đóng vai trò là điểm trung gian giữa ý tưởng ban đầu và phim hoàn thiện).

Bước 4: Viết kịch bản có hình minh họa (Storyboard)

TVC - Quy Trình Thấu Hiểu Nhu Cầu Khách Hàng

Storyboard là một kịch bản đồ họa: như một loạt các hình minh họa, hình ảnh hiển thị theo thứ tự để giúp việc hình dung hình ảnh chuyển động, hình ảnh động, chuyển động đồ họa hay truyền thông tương tác, bao gồm cả tương tác website sẽ như thế nào.

Xây dựng kịch bản hình ảnh rất cần thiết vì kịch bản hình ảnh thống nhất hình dung của tất cả những ai tham gia thực hiện TVC về cách mà ý tưởng sẽ được hiện thực hóa. Trước một kịch bản văn học, mỗi người lại có một tưởng tượng của riêng mình. Hơn nữa, nhờ kịch bản hình ảnh, khách hàng dễ dàng phát hiện những điểm họ chưa ưng ý. Họ có thể đưa ra những yêu cầu chỉnh sửa trước quá trình quay phim để đảm bảo những minh họa trong quảng cáo là phù hợp với hình ảnh thương hiệu, sản phẩm…

Bước 5: Chọn diễn viên (Casting)

Nếu tất cả xong xuôi, storyboard sẽ được gửi đến công ty sản xuất phim quảng cáo (Production House), và bắt đầu công tác tuyển chọn diễn viên hay còn gọi là catsing.

TVC - Quy Trình Thấu Hiểu Nhu Cầu Khách Hàng

Bước 6: Tiến hành sản xuất tiền kỳ

Sau khi giai đoạn ý tưởng hoàn thành thì việc triển khai ý tưởng đó thành phim là công việc này phụ thuộc hết vào nhà sản xuất. Giám đốc sản xuất sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc phân bổ kế hoạch sản xuất phim quảng cáo. Một số các vị trí chính của đội ngũ thực hiện vào quá trình sản xuất:

  • Đạo diễn (director): Người chịu trách nhiệm về diễn xuất và các yếu tố sáng tạo khác của bộ phim.
  • Trợ lý đạo diễn (assitant director - AD): Phụ giúp đạo diễn trong việc quản lý lịch quay, tính hợp lý của quá trình sản xuất và các nhiệm vụ khác
  • Phụ trách Casing (casing director): Tìm kiếm các diễn viên thích hợp với các nhân vật trong phim. Việc lựa chọn thường diễn ra với các buổi diễn thử (audition) và việc casting được đặc biệt chú trọng với các vai chính ảnh hưởng tới toàn bộ phim.
  • Phụ trách trường quay (location manager): Tìm kiếm và quản lý các địa điểm thực hiện các cảnh quay. Phần lớn các nội cảnh được thực hiện trong các xưởng quay nhưng với các ngoại cảnh, phụ trách trường quay phải có trách nhiệm lựa chọn địa điểm quay thích hợp và chuẩn bị để việc quay phim diễn ra thuận lợi nhất
  • Phụ trách sản xuất (production manager): Quản lý ngân quỹ của đoàn làm phim và lịch sản xuất.
  • Phụ trách quay phim (director of photography - DP hoặc DOP): Người phụ trách đảm nhiệm việc quay các cảnh phim. Thường có một người quay chính và một hoặc hai phụ tá. Phụ trách quay phim phải phối hợp chặt chẽ với phụ trách âm thanh (director of audiography - DOA) dưới sự chỉ đạo chung của đạo diễn để các cảnh phim diễn ra đồng bộ về hình và tiếng theo đúng ý tưởng kịch bản.
  • Phụ trách nghệ thuật (art director): Quản lý các mặt nghệ thuật đặc thù của phim như trang phục, hóa trang, kiểu tóc. Phụ trách nghệ thuật cũng phải hợp tác với phụ trách thiết kế (production designer), người chịu trách nhiệm xây dựng bối cảnh cho các cảnh quay.
  • Thiết kế âm thanh (sound designer): Phụ trách xây dựng các âm thanh ngoài những phần thu trực tiếp từ trường quay và kết hợp hai loại âm thanh này cho phù hợp với các cảnh quay đã thực hiện.
  • Nhà soạn nhạc: Soạn nhạc nền và các bài hát chủ đề (original soundtrack) cho phim.
  • Biên đạo (choreographer): Thiết kế và phối hợp các đoạn múa cho phim, vị trí này đặc biệt quan trọng trong các phim ca nhạc.

TVC - Quy Trình Thấu Hiểu Nhu Cầu Khách Hàng

Bước 7: Sản xuất hậu kỳ

Sau khi công đoạn quay hoàn tất, các cảnh quay sẽ được dựng, sắp xếp thành một bộ phim hoàn chỉnh bởi những người dựng phim. Đầu tiên các kỹ thuật viên này sẽ lựa chọn các cảnh quay tốt nhất, sau đó cắt và chỉnh sửa (trimming) sao cho chúng có thể tiếp nối nhau một cách trơn tru để tạo thành bộ phim.

Các biên tập viên âm thanh là những người chịu trách nhiệm giai đoạn tiếp theo của quá trình hậu kỳ. Âm thanh, bao gồm âm thanh thu ngoài trường quay, các hiệu ứng âm thanh, âm thanh nền, nhạc phim, thoại sẽ được lồng sao cho khớp với phần hình ảnh.

Bước 8: Xuất phim thành phẩm giao cho khách hàng duyệt.

Sau khi hoàn thiện giai đoạn hậu kỳ, TVC trước khi hoàn tất cho ra thành phẩm sẽ được đưa cho khách hàng xem trước và sẽ được chỉnh sửa theo yêu cầu của khách hàng.

Thông thường, một đoạn TVC được chiếu trên tivi hay trên internet khoảng 30 giây lại là công sức của cả một ekip thực hiện đôi khi mất đến cả tháng trời để tìm kiếm một ý tưởng tuyệt vời . Hiểu được qui trình làm việc để sản xuất một TVC không chỉ phát huy sức công phá khi tiếp cận đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh mà còn là sự thấu hiểu trọn vẹn nhu cầu của khách hàng. Hãy nắm rõ những yêu cầu cơ bản để làm được một TVC ý nghĩa.

--------------

(*) Concept (Ý tưởng chủ đạo): là ý tưởng nền chung nhất cho quảng cáo, chỉ dài khoảng một vài từ, không qua vài câu. Một ý tưởng chủ đạo tốt có thể kích hoạt tư duy hình ảnh để tạo nên những ý tưởng cụ thể hơn. Do đó, Concept có thể phát triển ra rất nhiều kịch bản khác nhau.

(**) Idea (Ý tưởng) dựa trên tinh thần chung mà ý tưởng chủ đề đã xác định, các ý tưởng cụ thể hơn về những câu chuyện , câu nói …

Thanh Loan
Nguồn Marketer Vietnam