Vocarimex: Ngọc trong đá
Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) vừa có phiên IPO khá hoành tráng, nhưng cổ phiếu lẫn bản thân ngành này vẫn tồn tại những rủi ro nhất định.
Sôi động và hào hứng là không khí chung của phiên IPO Vocarimex vừa qua với 31,12% vốn điều lệ, tương đương 37,9 triệu cổ phần đã được đấu thành công với giá trung bình 13.000 đồng/cổ phần, giúp đơn vị này thu được gần 509 tỉ đồng. Một sự khác biệt so với các phiên IPO doanh nghiệp có vốn Nhà nước tính đến nay.
Cầu vượt cung 2,2 lần
Ngay trước thời điểm IPO Vocarimex, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã đưa ra nhận định về giá trị hợp lý của cổ phiếu Vocarimex sẽ vào khoảng 14.204 đồng/cổ phần, cao hơn mức giá khởi điểm là 11.300 đồng/cổ phần. Theo đó, đây là cơ hội tương đối hấp dẫn để đầu tư vào cổ phiếu Vocarimex. Thực tế diễn ra thậm chí còn tích cực hơn cả nhận định này.
Trong số 139 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá tại phiên IPO Vocarimex, có 47 cá nhân và tổ chức đã trúng thầu 37,9 triệu cổ phần, tương đương tỉ lệ cầu vượt cung lên tới 2,2 lần. Nổi bật trong số các tổ chức trúng thầu có FPT với lệnh mua 4 triệu cổ phần giá 13.000 đồng/cổ phần. Tổ chức đặt giá cao nhất 30.000 đồng/cổ phần là Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) với khối lượng 100 cổ phần. HSC cũng đặt 1.500 cổ phần giá 20.000 đồng và 15.000 cổ phần giá 15.200 đồng.
Đáng chú ý, phiên IPO này đã hoàn toàn vắng bóng các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vocarimex, cho biết: “Trong quá trình tìm đối tác chiến lược, hàng chục nhà đầu tư đã bày tỏ nguyện vọng này, trong đó có cả nhà đầu tư ngoại. Nhưng sau sàng lọc lại thì không có nhà đầu tư nước ngoài nào đáp ứng được”.
Trước đây, từng có ý kiến cho rằng một số đơn vị nước ngoài có thể sẽ muốn sở hữu cổ phần của Vocarimex như Wilmar (Singapore), đơn vị hiện nắm chi phối 68% cổ phần trong liên doanh Cái Lân. Liên doanh này luôn đứng đầu thị phần dầu ăn nội địa và bỏ khá xa đơn vị đứng thứ hai là Tường An, cả về thị phần lẫn lợi nhuận. Nhiều ý kiến đồng tình rằng Wilmar, một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới về dầu cọ, sẽ không muốn bỏ qua cơ hội mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc một Công ty chứng khoán tại Hà Nội (không tiện nêu tên) cho rằng nếu nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Vocarimex, họ sẽ dễ dàng chi phối nguồn nguyên liệu và cả thị trường dầu ăn Việt Nam. Như vậy, thực tế từ phiên IPO Vocarimex đã khẳng định phần nào chính sách “chuộng nội hơn ngoại” của ban lãnh đạo doanh nghiệp này.
Vẫn có rủi ro
Trước tiên, xét về tiềm năng, dư địa phát triển đối với ngành dầu ăn vẫn còn khá cao do mức tiêu thụ bình quân đầu người còn thấp. Báo cáo phân tích của VCBS nêu rõ, hiện tỉ lệ này tại Việt Nam là khoảng 7kg/người/năm, mới đạt 50% mức tiêu thụ dầu ăn bình quân để đảm bảo sức khỏe (13,5 kg/người/năm) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Do đó, khuynh hướng của người tiêu dùng Việt trong thời gian tới tất yếu là sẽ tăng lượng sử dụng dầu ăn trong khẩu phần của mình. Ngoài ra, theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen, dầu thực vật đang chiếm cơ cấu đến 29% trong ngành thực phẩm tiêu dùng và chỉ xếp sau mì ăn liền. Điều này cho thấy, khả năng tăng trưởng đối với ngành dầu ăn là khá lớn.
Trong khi đó, cũng không quá lời nếu ví Vocarimex hiện đang “một mình một chợ” và gần như bao trùm thị trường dầu ăn Việt Nam với các sản phẩm như Neptune, Symply, Marvela, Nakydaco, Soby, Cooking Voca, SunGold…
Một lợi thế vượt trội khác của Vocarimex là đang sở hữu những công ty dầu ăn có thị phần dẫn đầu, có thể đáp ứng tới 85% thị phần dầu ăn trong nước. Cụ thể, Vocarimex có 4 đơn vị con gồm Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (mã chứng khoán TAC), Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco), Trích ly Dầu thực vật (VOE), Thương mại Dầu thực vật (VOT); 3 công ty liên doanh là Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, Dầu thực vật Cái Lân, Mỹ phẩm LG VINA và một đơn vị liên kết là Bao bì Dầu thực vật (VPK). Tổng giá trị đầu tư vào các đơn vị này tính đến cuối năm 2013 là hơn 1.230 tỉ đồng.
Tổng doanh thu thuần 2013 đạt gần 4.200 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cao gấp 2,5 lần năm 2012 với hơn 48 tỉ đồng.
Năm qua, Vocarimex đã tiêu thụ 181.000 tấn dầu, trong đó tiêu thụ nội địa là 172.000 tấn. Tổng doanh thu thuần đạt gần 4.200 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cao gấp 2,5 lần năm 2012 với hơn 48 tỉ đồng.
Sau phiên IPO vừa qua, cơ cấu cổ đông của Vocarimex sẽ gồm Nhà nước 36%, cổ đông chiến lược (KDC 24%, VPBS 8%), nội bộ 0,88% và 31,12% thuộc về cổ đông đấu giá thành công. Trước đó, tại Đại hội Cổ đông thường niên 2014 của KDC, Chủ tịch Trần Kim Thành từng nói: “KDC không kinh doanh vào ngành nào thì thôi, một khi đã vào thì phải vào Top 3, nếu là Top 5-6 thì cũng sẽ bỏ”. Như vậy, bên cạnh mảng mì gói và cà phê, KDC đã chọn phương án trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex để lấn sân sang lĩnh vực dầu ăn.
Tuy nhiên, theo VCBS, mặc dù Vocarimex hiện có nhiều lợi thế, nhưng rủi ro cũng không phải là ít. Trước tiên, Công ty chưa có kế hoạch niêm yết sau IPO nên việc chuyển nhượng cổ phiếu sẽ bị hạn chế. Tiếp đến, Vocarimex sở hữu 4 công ty con, 3 công ty liên kết, nhưng các công ty này cùng kinh doanh sản phẩm dầu ăn nên sẽ cạnh tranh lẫn nhau.
Hiện nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của Vocarimex vẫn chủ yếu là nhập khẩu (trên 90%) do các vùng nguyên liệu trong nước để sản xuất dầu thực vật chưa phát triển. Điều này không chỉ khiến Công ty gặp rủi ro đối với kiểm soát biến động giá trên thế giới mà còn gánh thêm rủi ro về tỉ giá. Để hạn chế điều này, Vocarimex đã từng thực hiện nhiều phương án phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên do điều kiện khí hậu và nhiều yếu tố khác, các dự án này đều không khả thi. Kết quả là mỗi năm, Vocarimex đều phải vay nợ bằng ngoại tệ để nhập nguyên liệu từ nước ngoài, trong khi đầu ra chủ yếu là bán trong nước. Ðiều này làm phát sinh khoản lỗ về chênh lệch tỉ giá, cụ thể năm 2013 là khoảng 8,6 tỉ đồng.
Sau cùng, do kinh doanh dầu xá hay dầu chưa qua tinh luyện (chiếm 94% doanh thu) vẫn là chủ lực của Vocarimex, mà bản chất của hoạt động này chủ yếu là thương mại nên chi phí giá vốn khá cao; chiếm gần như toàn bộ phần doanh thu đạt được. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỉ suất lợi nhuận gộp của Vocarimex luôn ở mức thấp, chỉ khoảng 2-3% năm.
Mục tiêu doanh thu vào năm 2016 của Vocarimex
Sau cổ phần hóa, dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của Vocarimex khoảng 7-8%/năm để hướng tới đạt mức 5.625 tỉ đồng doanh thu vào năm 2016. Trong đó, sản lượng dầu thực vật tiêu thụ và kinh doanh tính đến năm 2016 dự kiến đạt lần lượt 265.000 tấn và 140.000 tấn. Vocarimex đặt mục tiêu tổng doanh thu vào năm 2016 đạt 27.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 5 năm 2012-2016 là 3,4%/năm.
(Nguồn: Vocarimex)
Vĩnh Bảo
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư