4 công thức “chế tạo” hành vi tiêu dùng
Khách hàng là thượng đế? Không, với sự phức tạp của khách hàng, nhất là khách hàng lai thời nay thì đến thượng đế cũng không thể kiểm soát nổi.
Từ thiên hình vạn trạng thói quen người tiêu dùng, bộ ảnh vui dưới đây đã tổng kết ra 4 nhóm hành vi mua hàng tiêu biểu và công thức “đặc trị” dành riêng cho mỗi nhóm.
1. Hành vi mua phức tạp
Hành vi mua phức tạp (Complex Buying Behavior): Là dạng hành vi tiêu dùng thường xảy ra đối với những sản phẩm đắt tiền, mang lại giá trị cao, nhưng mua không thường xuyên và mang tính đầu tư cao. Người tiêu dùng này thường nghiên cứu rất kỹ về sự khác nhau giữa các nhãn hiệu, hiểu ưu nhược điểm của từng loại sản phẩm, với mong muốn có thể chọn được sản phẩm phù hợp nhất.
"Công thức đặc trị": Tư vấn, nêu bật điểm khác biệt, sự ưu việt của sản phẩm.
2. Hành vi mua thỏa hiệp
Hành vi mua thỏa hiệp (Dissonance-reducing buying behavior): Hành vi này xảy ra đối với những sản phẩm đắt tiền, nhiều rủi ro và mua không thường xuyên nhưng sự khác biệt giữa các nhãn hiệu trên thị trường là không lớn. Trong trường hợp này, quyết định mua được đưa ra khá nhanh gọn, và những yếu tố liên quan đến tình huống mua sắm như tiếp thị hay khuyến mãi có ảnh hưởng khá lớn đến quyết định mua.
"Công thức đặc trị": Tăng niềm tin (cho thử sản phẩm).
3. Hành vi mua nhiều lựa chọn
Hành vi mua nhiều lựa chọn (Variety seeking behavior): Hành vi mua này thường xảy ra khi người tiêu dùng mua những sản phẩm có giá trị thấp, tiêu dùng hàng ngày nhưng trên thị trường lại tồn tại nhiều nhãn hiệu trong cùng một chủng loại sản phẩm. Trong trường hợp này, người tiêu dùng thường thay đổi nhãn hiệu. Việc thay đổi nhãn hiệu này thực chất nhằm tìm kiếm sự đa dạng chứ không phải do họ không hài lòng với sản phẩm mua trước đó.
"Công thức đặc trị": Gia tăng sự có mặt của sản phẩm trên thị trường.
4. Hành vi mua theo thói quen
Habitual buying behavior: Hành vi mua này xảy ra đối với những sản phẩm có giá trị thấp, tiêu dùng hàng ngày và sự khác biệt giữa các nhãn hiệu bày bán trên thị trường là rất thấp. Người tiêu dùng không hình thành thái độ rõ ràng về một nhãn hiệu nào cả. Khi có nhu cầu, người tiêu dùng chỉ việc ra cửa hàng và chọn một nhãn hiệu. Nếu như việc lựa chọn này lặp đi lặp lại với một nhãn hiệu thì thường là do một thói quen hơn là sự trung thành vì trong quá trình tiêu dùng họ khó nhận thấy tính ưu việt và đặc điểm nổi trội của từng nhãn hiệu.
"Công thức đặc trị": Sử dụng khuyến mãi, quảng cáo.