Thị trường nước mắm: Mặn nhạt có thời
Xu hướng tiêu dùng chuộng các sản phẩm nước mắm truyền thống đang làm thay đổi cục diện thị trường đang nằm gần như hoàn toàn trong tay Masan, Unilever...
Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm, VN tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200 - 7.500 tỷ đồng, tạo nên sức hút rất lớn đối với các DN trong và ngoài nước. Trong đó, một con số giật mình: trong số 200 triệu lít nước mắm người Việt tiêu thụ mỗi năm, có tới 150 triệu lít là nước mắm công nghiệp, tương đương khoảng 75%.
Cuộc chiến công nghiệp và truyền thống
Ba năm trước, các nhãn hàng nước mắm đóng chai của Cty CP Thực phẩm Masan (Masan Food Corp) đã "lật đổ” vị trí số 1 của Knorr Phú Quốc (Cty Unilever VN) để chiếm hơn 70% thị phần thị trường nước mắm. Từ đó, nước mắm chế biến theo dây chuyền công nghiệp đã chiếm lĩnh thị trường nhờ quy mô sản xuất, chi phí quảng cáo lớn và lợi thế giá rẻ.
Thời điểm đó, chỉ có một số DN lớn sản xuất nước mắm theo công thức truyền thống ở Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang, Cát Hải (Hải Phòng)… còn những cơ sở nhỏ chủ yếu bán nguyên liệu hoặc bán sỉ trong các thùng lớn cho các nơi nên doanh thu không cao. Việc cạnh tranh trực diện với các thương hiệu lớn như Knorr hay Masan, thậm chí với mức giá cao hơn, được xem là mạo hiểm đối với các thương hiệu nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Giám đốc Cty Nước mắm Hạnh Phúc: "Hiện nay, vị trí của các loại nước mắm truyền thống với ba thành phần cơ bản gồm đạm, nước và muối mới được khẳng định mạnh mẽ khi xu hướng tiêu dùng xanh, sạch ngày càng lan rộng và phổ biến. Các nhãn hiệu nước mắm truyền thống bắt đầu trở lại mạnh mẽ với sức mua khá tại các hệ thống siêu thị và các chợ, ngay cả khi giá thành cao hơn các sản phẩm của Masan hay Knorr từ 25 - 40%”.
Để thay đổi cán cân
Theo Hiệp hội Nước mắm, một lít nước mắm nguyên chất được các nhà sản xuất thu mua với giá 40.000 đồng rồi về chế biến, pha chế thành 5 lít nước mắm công nghiệp với giá bán ra khoảng 20.000 đồng/lít. Bỏ qua tiêu chí chất lượng, chỉ tính riêng về giá nước mắm công nghiệp có giá chênh cao hơn rất nhiều so với mắm nguyên chất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc cạnh tranh giữa hai dòng sản phẩm và lý giải tại sao thị phần nước mắm lại nằm chủ yếu trong tay các DN sản xuất nước mắm công nghiệp mà không phải các DN nước mắm truyền thống.
Mỗi năm VN tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200 - 7.500 tỷ đồng, tạo nên sức hút rất lớn đối với các DN trong và ngoài nước.
Theo ông Vũ Văn Cao – TGĐ Cty CP chế biến thủy sản Cát Hải - một trong 4 thương hiệu mắm truyền thống nổi tiếng cả nước và là thương hiệu số 1 tại miền Bắc: Thay bằng việc đầu tư tiền “khủng” cho quảng cáo như các DN sản xuất nước mắm công nghiệp, Cát Hải cũng như nhiều DN nước mắm truyền thống đang thay đổi mô hình sản xuất như: đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tiến mẫu mã, đồng thời duy trì phương thức sản xuất truyền thống ở các khâu quan trọng, đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách bán hàng đồng giá trên toàn quốc cũng là một cách tiếp cận hiệu quả hơn với người tiêu dùng.
Có thể thấy, tín hiệu lạc quan đang dần mở ra với các nhà sản xuất nước mắm truyền thống trong nước. Tuy nhiên, với tỷ lệ khiêm tốn khoảng 50 triệu lít/năm (chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng toàn ngành nước mắm VN), DN sản xuất nước mắm truyền thống còn quá nhiều việc phải làm để thay đổi cán cân thị trường trước quy mô gần 150 triệu lít/năm của các DN sản xuất nước mắm công nghiệp.