Thị trường dầu ăn: Nhiệt tăng dần

Với việc Vocarimex sẽ chào bán cổ phần lần đầu (IPO) và sự xuất hiện của Kinh Đô trong thị trường này, dự kiến ngành dầu ăn sẽ có nhiều biến động mới.

Ngày 25/7 tới đây, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) sẽ tiến hành chào bán cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng. Theo thông tin công bố, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ ở Vocarimex từ mức 51% vốn xuống còn 36% vốn, chỉ còn sở hữu 43,848 triệu cổ phiếu.

Vocarimex sẽ bán 32% vốn, tương đương 38,976 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược. Còn 37,9 triệu cổ phiếu, chiếm 31,12% vốn sẽ được bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE).

Cán bộ, nhân viên ở Vocarimex được mua 1,074 triệu cổ phiếu còn lại, tương đương 0,88% vốn. Mức giá khởi điểm cho chào bán là 11.300 đồng/CP. Dự kiến, sau khi trừ các chi phí, Nhà nước sẽ thu về 775,5 tỷ đồng từ IPO Vocarimex.

Thị trường dầu ăn: Nhiệt tăng dần

Kinh Đô và Công ty Chứng khoán VPBS đã trở thành hai nhà đầu tư chiến lược ở Vocarimex. Cụ thể, Kinh Đô nắm 24% vốn còn VPBS nắm 8% vốn. Chính sự hiện diện của Kinh Đô đã làm nóng IPO ở Vocarimex.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, với chiến lược xâm nhập thị trường dầu ăn,với lượng tiền mặt dồi dào, nhiều khả năng Kinh Đô sẽ còn tham gia vào đợt đấu giá công khai sắp tới để nâng mức sở hữu tại Vocarimex.

Vocarimex là công ty được thành lập trên cơ sở sáp nhập Liên hiệp Khoa học sản xuất tinh dầu hương liệu và mỹ phẩm vào Liên hiệp Các xí nghiệp dầu thực vật Việt Nam vào năm 1992.

Từ 4 đơn vị trực thuộc là: Nhà máy Dầu Tân Bình, Nhà máy Dầu Tường An, Nhà máy Dầu Thủ Đức và Chi nhánh Công ty tại Hà Nội, đến nay Vocarimex nắm cổ phần chi phối 51% đối với Dầu ăn Tường An (TAC), 27% cổ phần của Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco), 24% cổ phần của Dầu thực vật Cái Lân và 49% cổ phần của Golden Hope Nhà Bè. Với tỷ lệ sở hữu này, Vocarimex đang chiếm khoảng 76,8% thị phần, trong đó Cái Lân chiếm 37,3%, Tường An 22,8%, Golden Hope 10,8% và Tân Bình 5,9%.

Xét về mặt thương hiệu, đa số các sản phẩm nổi tiếng trên thị trường đều thuộc các đơn vị thành viên củaVocarimex như: dầu Neptune, dầu Simply, dầu Cái Lân (sản phẩm của Cái Lân); dầu Marvela, dầu Ông Táo (sản phẩm của Golden Hope NhàBè); dầu Vạn Thọ, dầu Cooking Tường An, dầu nành, dầu mè, dầu VIO (sản phẩm của Tường An); dầu nành tinh luyện Nakydaco, dầu hương mè, dầu mè tinh luyện Sesa, dầu mè thơm Lạc Vị (sản phẩm của dầu thực vật Tân Bình); dầuCooking Voca, dầu mè Voca, dầu Soby, dầu Bens3 (sản phẩm của công ty mẹ)...

Thị trường dầu ăn: Nhiệt tăng dần

Ngành dầu ăn được đánh giá là ngành triển vọng do nhu cầu tăng. Theo ước tính từ Euromonitor, ngành dầu ăn tăng khoảng 7% về sản lượng và khoảng 12% về giá trị trong năm 2013. Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp dự báo, tiêu thụ dầu ăn trên đầu người tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015 và gần gấp ba vào năm 2020.

Vocarimex hiện có 27 nhà phân phối tại miền Bắc và 44 nhà phân phối tại miền Nam, chỉ thua kém Kinh Đô, Vinamilk và Masan về mặt phân phối. Ở kênh phân phối hiện đại, sản phẩm của Vocarimex đã xâm nhập được vào các siêu thị lớn như Co.opmart, BigC, Lotte, Metro.

Ngoài ra, Vocarimex còn phân phối vào các khách sạn và các nhà hàng cả nước. Vocarimex còn là nhà cung cấp dầu công nghiệp cho các công ty sản xuất dầu ăn như Tường An, Nakydaco... hay các công ty sản xuất mì như Acecook, Asifood, Vifon, Miliket, Colusa.., các công ty đồ hộp như Hạ Long, Vissan, Viet Food...

Với khả năng phân phối này, điểm tích cực của Vocarimex là doanh thu tiếp tục tăng trưởng ổn định. Năm 2013, doanh thu Vocarimex tăng trưởng gần 14%. Dự báo sau cổ phần hóa, doanh thu Vocarimex sẽ tăng trong mức 7-8%.

Triển vọng của Vocarimex còn nhờ được bảo hộ cạnh tranh. Tháng 8 năm ngoái, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5987 (có hiệu lực vào tháng 9/2013), trong đó áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với dầu thực vật.

Theo đó dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện khi nhập vào Việt Nam sẽ bị áp thuế tự vệ 5% kể từ ngày 7/5/2013, 4% từ ngày 7/5/2014, 3% từ ngày 7/5/2015 và 2% từ ngày 7/5/2016 - 6/5/2017. Nhờ đó, kinh doanh của các công ty dầu ăn trong đó có Vocarimex đã bớt khó khăn, giành lại được phần nào thị phần từ tay đối thủ ngoại.

Tuy nhiên, thách thức cho Vocarimex là Công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp. Đơn cử, trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp của Tường An và Nakydaco năm 2013 lần lượt là 9,7% và 5,8% thì con số này ở Vocarimex chỉ xoay quanh mức 3,2 - 3,5%.

Thị trường dầu ăn: Nhiệt tăng dầnNếu so với mức 23,4% của ngành sản xuất thực phẩm thì tỷ suất lợi nhuận của Vocarimex càng kém hấp dẫn. Nguyên nhân chính được cho là do biến động giá của nguồn nguyên liệu.

Vocarimex hiện đang nhập dầu thực vật các loại từ các công ty Bunge, Denali, Wilmar. Vocarimex nhập hạt có dầu của Baid Agro, K.E.E. Vocarimex cũng lấy nguyên liệu nội địa nhưng những cây cho dầu chủ yếu gồm dừa, lạc, đậu tương và mè. Vì thế, cho đến lúc này, Vocarimex vẫn phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu đầu vào.

Kết quả, tỷ trọng chi phí/doanh thu thuần qua các năm của Vocarimex luôn cao trên 100% giai đoạn 2011 - 2013. Trong đó, tỷ trọng giá vốn hàng bán/doanh thu thuần thường chiếm con số lớn nhất, bình quân khoảng 97,3%.

Kinh Đô, với thế mạnh về hệ thống phân phối, kinh nghiệm marketing, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản trị chuyên nghiệp và hiện đại sẽ giúp nâng cao doanh thu bán hàng và cải thiện chi phí phát sinh trong nhóm công ty liên kết với Vocarimex.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn