Thị trường FMCG online toàn cầu sẽ tăng 17 tỷ đô la trong hai năm tới lên mức 53 tỷ đô la
Báo cáo do Kantar Worldpanel công bố đã đưa ra những chiến lược dành cho nhà bán lẻ và doanh nghiệp để có thể nắm bắt được cơ hội từ mức tăng trưởng dự báo cho doanh thu trực tuyến của thị trường FMCG. Kantar Worldpanel dự đoán đến năm 2016, các kênh mua sắm online sẽ mang về 53 tỷ đô la Mỹ cho thị trường FMCG toàn cầu – tăng 17 tỷ đô la (47%) so với mức hiện tại là 36 tỷ đô la (1).
Báo cáo dựa trên cơ sở các phân tích sâu rộng trên thói quen tiêu dùng của 100.000 hộ gia đình ở 10 trong số các thị trường lớn nhất về mặt doanh thu FMCG trực tuyến. Thông qua đó, báo cáo dự báo đến năm 2016, các kênh mua sắm online sẽ đóng góp 5,2% tổng doanh thu thị trường FMCG toàn cầu – trong khi hiện tại con số này là 3,7%.
Báo cáo dự đoán Châu Á sẽ là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất. Hàn Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu với các kênh trực tuyến đóng góp 13,8% tổng doanh thu FMCG vào năm 2016. Hiện nay, 55% hộ gia đình Hàn Quốc có mua hàng FMCG trực tuyến, một con số đặc biệt cao mà chưa có nước nào trên thế giới có thể vươn tới được. Thị phần của các kênh mua sắm FMCG trực tuyến sẽ tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục ở Đài Loan và Trung Quốc và sẽ lần lượt đạt mức 4,5% và 3,3% của tổng thị trường FMCG ở các nước này.
Các doanh nghiệp và nhà bán lẻ nào không theo kịp xu hướng mua sắm trực tuyến này sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Hiện nay, Anh là quốc gia tiên phong trong mua sắm FMCG trực tuyến ở Châu Âu. Người tiêu dùng FMCG trực tuyến ở Anh đặt hàng online trung bình một lần mỗi tháng và giỏ hàng của họ lớn gấp 5 lần so với khi mua ở các điểm mua sắm khác (ở hầu hết các nước, giỏ hàng online thường lớn gấp đôi so với giỏ hàng thông thường). Tuy nhiên, với mức tăng trưởng ấn tượng của loại hình mua sắm click & collect ở Pháp (thường gọi là “Drive”: người mua đặt hàng online và lái xe đến điểm mua sắm đã chọn để mang hàng về), Pháp sẽ nhanh chóng qua mặt Anh vào năm 2016 với mức đóng góp 6,1% trong doanh số FMCG so với mức 5,5% của Anh.
Mức tăng trưởng doanh thu trực tuyến của thị trường FMCG cho thấy cơ hội lớn dành cho các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp. Người tiêu dùng trực tuyến hiện nay, thường là nhóm thu nhập cao và trung bình, có xu hướng chuộng các sản phẩm có thương hiệu hơn so với các sản phẩm nhãn hàng riêng. Đây là nền tảng vững chắc để các thương hiệu có thể phát triển tốt hơn nữa. Ở Pháp, 55% người tiêu dùng trực tuyến tái sử dụng cùng một danh sách cho các chuyến mua sắm khác nhau. Như vậy, rõ ràng, điều quan trọng là các thương hiệu phải đảm bảo mình có một chỗ đứng trong danh sách mua sắm của người tiêu dùng để có thể đón đầu cơ hội từ mức tăng trưởng đã dự báo trước này.
Stéphane Roger, Giám đốc toàn cầu về Hành vi mua sắm và Các kênh bán lẻ của Kantar Worldpanel giải thích thêm: “Mặc dù kênh trực tuyến chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị thị trường FMCG hiện tại, nhưng kênh mua sắm này đang chứng kiến mức tăng trưởng đáng chú ý ở tất cả các nước. Tương lai sẽ nằm trong tay những thương hiệu và nhà bán lẻ nào có tầm nhìn và biết khai thác các cơ hội sẵn có để mở rộng thị trường mục tiêu. Chậm tiếp thu những thay đổi này có thể sẽ gây ra tổn thất lớn về doanh thu cũng như thị phần.”
Báo cáo nêu ra những rào cản đối với các nhà bán lẻ và các thương hiệu khi tiếp cận kênh trực tuyến. Phần lớn doanh nghiệp đều dựa vào nhận thức cảm tính nhiều hơn là dựa trên cơ sở hiểu rõ hành vi mua sắm thực sự của người tiêu dùng. Trong số những nhận thức cảm tính này còn có cả nỗi sợ sự hiện diện của kênh trực tuyến sẽ ảnh hưởng không tốt đến doanh thu của các kênh khác và rằng khi mua sắm online, người tiêu dùng sẽ ít trung thành hơn. Nghiên cứu này cho thấy sự thật là ngược lại ở cả hai trường hợp trên.
Stéphane Roger cho biết thêm: “Một trong những lo ngại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực FMCG là thương mại điện tử sẽ lấy đi bớt một khoản chi tiêu của người tiêu dùng ở các kênh khác. Tuy nhiên, đây cũng chính là sự ngộ nhận lớn nhất. Việc cung cấp sản phẩm trên kênh trực tuyến sẽ giúp các nhà bán lẻ tăng thêm tổng doanh thu hơn là làm giảm mức tiêu thụ ở các kênh cửa hàng hiện có.”
Phần lớn doanh nghiệp đều dựa vào nhận thức cảm tính nhiều hơn là dựa trên cơ sở hiểu rõ hành vi mua sắm thực sự của người tiêu dùng.
Báo cáo cũng đưa ra những ví dụ về các chiến lược đã được các doanh nghiệp và nhà bán lẻ thực hiện để giành thêm thị phần ở các môi trường bán lẻ khác nhau ở các nước khác nhau, từ Hàn Quốc, Trung Quốc cho đến Pháp, Anh. Các ví dụ này bao gồm cả việc khai thác các nhu cầu mua sắm bất chợt, khiến môi trường trực tuyến trở nên sôi động hơn và áp dụng các công nghệ mới nhất để mang lại trải nghiệm tiện lợi khi mua sắm.
Ở Việt Nam, thị trường FMCG trực tuyến đang ở giai đoạn sơ khai, với chỉ 2% hộ gia đình Thành thị có sử dụng kênh này để mua hàng FMCG và chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng tiêu dùng FMCG. Tuy nhiên, cùng với xu hướng mua sắm online đang thịnh hành ở giới trẻ Việt Nam và tỷ lệ kết nối internet cao (63% hộ gia đình thành thị Việt Nam có kết nối internet tại nhà), thị trường FMCG trực tuyến ở Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng cao trong những năm tới.
David Anjoubault – Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam – nhận định: “Các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ trong lĩnh vực FMCG cần chủ động truyền thông và kết nối với người tiêu dùng thông qua các kênh trực tuyến khác nhau. Những năm gần đây, thị trường đã chứng kiến không ít tiếng vang trong cộng đồng mạng từ các chiến dịch của các doanh nghiệp quốc tế lẫn trong nước như Unilever, Masan, Nestlé, v.v… Với gần 2/3 các hộ gia đình ở thành thị có sở hữu điện thoại 3G, người tiêu dùng Việt Nam nay đã được kết nối tốt hơn với thế giới trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi. Đây chính là cơ hội vàng cho những thương hiệu và nhà bán lẻ nào biết tiên phong nắm bắt và dẫn đầu xu hướng mới để mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng.”
-----------
(1) Chỉ tính riêng cho lĩnh vưc FMCG, không bao gồm thực phẩm tươi.