Thị trường giấy tiêu dùng: Giấy mỏng, tiền dày

Dù chỉ chiếm 2,5% trong thị trường ngành giấy bao gồm giấy in báo, giấy viết, giấy bao bì, nhưng phân khúc giấy tiêu dùng (tissue) lại có mức tăng trưởng giai đoạn năm 2008 cao nhất đến 19,4%, vượt mặt giấy in báo (có mức tăng trưởng 15,6%), đánh dấu sự đột phá của phân khúc giấy tiêu dùng từ đó đến nay.

Không ngại đầu tư

Dù phải nhập một số nguyên phụ liệu nhưng riêng phân khúc giấy tiêu dùng (tissue), doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chủ động được nguyên liệu đến 80%, đáp ứng khoảng 99% thị trường nội địa.

Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, năm 2010, tổng nhu cầu sử dụng giấy tiêu dùng (giấy vệ sinh, giấy cuộn, giấy cuộn lớn, khăn giấy, giấy hộp...) tại thị trường Việt Nam ước đạt 70.000 tấn, bình quân mỗi người khoảng 0,8kg/năm. Đây được xem là thị trường còn quá bé so với mức tiêu thụ tissue ở thị trường Mỹ (khoảng 24kg/người/năm), Tây Âu (khoảng 15kg/người/năm), và Trung Quốc (khoảng 3kg/người/năm).

Thị trường giấy tiêu dùng: Giấy mỏng, tiền dày

Thế nhưng chưa đầy 2 năm trở lại đây, nhu cầu về giấy tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, ước đạt ở mức 3 triệu tấn vào năm 2013. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm tissue ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao.

Và đây cũng là một trong những lý do khiến các DN lớn trong ngành không ngần ngại tăng cường đầu tư. Nổi trội nhất là Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP), sau quyết định rút cổ phần của nhà đầu tư Nhật là Daio vào tháng 9/2013, SGP vẫn quyết định mở rộng sản xuất, với sự tham gia của ông Mai Hữu Tín, cổ đông sở hữu 42,30% cổ phần của SGP, tương đương 416 tỷ đồng vốn điều lệ sau khi tăng vốn.

Thời điểm đó, sau khi quay trở lại nắm quyền điều hành, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc SGP cho hay, dự kiến trong năm 2014, SGP sẽ huy động 20% vốn điều lệ, tương đương 200 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư một chuyền xeo giấy tiêu dùng, với công suất 28.000 tấn/năm ở Nhà máy Mỹ Xuân 2, nhằm khai thác lợi thế cơ sở hạ tầng sẵn có, nâng tổng công suất giấy tiêu dùng lên 74.440 tấn/năm.

Trước đó, năm 2007, Công ty New Toyo Pulppy và Tập toàn Corelex (Nhật Bản) cũng xây dựng nhà máy sản xuất giấy tissue tại KCN Phố Nối A (Hưng Yên), có công suất 80 tấn/ngày (khoảng 30.000 tấn/năm), với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD đã được Ban quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2006.

Tháng 5/2008, Công ty Diana cũng đã khởi động dự án nhà máy giấy tissue đầu tiên với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD. Nhà máy có diện tích hơn 10 ha, tại KCN Tân Chi (Bắc Ninh), cho thấy tầm nhìn xa về một thị trường đầy tiềm năng ở phân khúc giấy tiêu dùng Việt Nam.

Thị trường giấy tiêu dùng: Giấy mỏng, tiền dày

Thị trường giấy tiêu dùng năm 2009 với sự tham gia của rất nhiều thương hiệu đến từ nhà đầu tư nước ngoài như: Collex (Thái Lan); Paseo (Malaysia), An An, May, Pulpy (Công ty New Toyo Việt Nam). Còn hiện nay, hàng Việt đã nổi trội so với hàng nhập khẩu.

Tại hệ thống bán lẻ của Co.opmart, BigC, Citimart..., nhiều loại giấy tiêu dùng trong nước như sản phẩm của SGP, với dòng Giấy Sài Gòn (gồm 4 nhãn hàng là Zenni, Inno, Extra và Eco) và dòng Bless You (gồm 2 nhãn hàng là Bless You Feel Me và Bless You Hold Me) được đóng gói dưới dạng hộp, khăn giấy và giấy vệ sinh, hay sản phẩm Watersilk của Công ty Giấy Tissue Sông Đuống (thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam), cùng nhiều nhãn hàng nội địa đã góp phần mở ra nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam, đó là chưa kể đến các nhãn hàng riêng của những hệ thống bán lẻ được gia công từ các nhà sản xuất trong nước.

Dư dùng, dư xuất

Nhược điểm của ngành giấy tiêu dùng là chi phí logistics cao, nên hàng nhập khẩu sẽ khó cạnh tranh trực diện với hàng trong nước.

Có nhiều lo ngại ngành giấy của Việt Nam sẽ không còn được hưởng chính sách bảo hộ khi gia nhập các thoả thuận tự do thương mại, cùng với sự suy giảm mạnh của giá giấy thế giới, dẫn đến tình trạng giá giấy nhập khẩu thấp hơn giá giấy sản xuất trong nước. "Ngoài ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế nói chung thì DN còn gặp những khó khăn cả ở khâu sản xuất lẫn thị trường.

Ở lĩnh vực sản xuất, do thiết bị công nghệ lạc hậu (từ những năm 1970), vì vậy tiêu hao vật tư, nhiên liệu tăng cao, trung bình khoảng 14%/năm, trong đó, đặc biệt là nhiên liệu than cho sản xuất hơi và điện", ông Vũ Thanh Bình, Tổng giám đốc TCT phân tích.

Tuy nhiên, phân tích của ông Cao Tiến Vị cho thấy, đối với các mặt hàng khác, thông thường một container chứa khoảng 50 tấn, trong khi với giấy tiêu dùng, một container chỉ chứa khoảng 25 tấn. Đây là một lợi thế cho các DN sản xuất nội địa, khiến hàng nhập khẩu khó có thể cạnh tranh về giá so với hàng trong nước.

Còn xét về chất lượng giấy tiêu dùng hiện nay không chỉ đủ cung cấp cho thị trường nội địa đến 99% mà còn tham gia xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, châu Á, Mỹ, Úc, Trung Đông và Đông Nam Á. "Do đó, với thị phần 1% dành cho hàng nhập khẩu thì không phải là điều đáng lo đối với các DN Việt thời gian tới", ông Vị nói.

Thị trường giấy tiêu dùng: Giấy mỏng, tiền dày

Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cũng cho rằng, việc vận chuyển và phân phối là một thách thức lớn đối với giấy tiêu dùng nhập khẩu. Do đó, với những tên tuổi vốn đã có thế mạnh về năng lực sản xuất, hệ thống phân phối thì đây sẽ là cơ hội giành vị thế.

Lợi thế là vậy, song không phải ai cũng có thể tìm được chỗ đứng ở phân khúc này, bởi theo đánh giá của một số DN trong ngành, dù Việt Nam có khoảng 500 DN và hộ cá thể sản sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giấy tiêu dùng, song đến nay cả nước chỉ có 5 DN được xem là có đầu tư bài bản.

Tại thị trường miền Nam, hai công ty được cho là đang dẫn đầu ngành giấy tissue là New Toyo Pulppy với khoảng 34% thị phần (nhỉnh hơn ở thị trường phía Bắc) và Công ty Giấy Sài Gòn khoảng 20% thị phần (nắm ưu thế ở thị trường miền Nam). Vì xét về quy mô đầu tư, các DN trong ngành đánh giá, đây là hai công ty có hệ thống phân phối khá hoàn chỉnh và rộng khắp Việt Nam.

Trong khi ở thị trường miền Bắc có sự thống lĩnh của ba DN gồm: Công ty Giấy Tissue Sông Đuống (sở hữu thương hiệu Watersilk) , Pulppy Corelex (liên danh giữa San- EiRegulator - Nhật và New Toyo International - Singapore) và Công ty CP Diana Paper.

Tự gây khó

Sự cạnh tranh không công bằng giữa các DN trong nước cũng tự gây khó cho ngành giấy tiêu dùng.

Năm 2013, ngành giấy đạt mức tăng trưởng 7%, nhưng hiện có không ít doanh nghiệp trong ngành này đang bên bờ vực phá sản, đã ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Các trường hợp này rơi chủ yếu vào các doanh nghiệp có quy mô sản xuất dưới 10.000 tấn/năm.

Theo khảo sát mới đây của Nielsen tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Cần Thơ thì tốc độ tăng trưởng về doanh số của nghành giấy tiêu dùng giảm 6% so với cùng 12 tháng trước (tính đến tháng 4/2014).

Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Habubank, ngành giấy Việt Nam, đặc biệt là phân khúc giấy tiêu dùng, đang ngày càng có sự tăng trưởng ổn định về nhu cầu cũng như năng lực sản xuất. Thế nhưng, theo khảo sát mới đây của Nielsen tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Cần Thơ thì tốc độ tăng trưởng về doanh số của nghành giấy tiêu dùng giảm 6% so với cùng 12 tháng trước (tính đến tháng 4/2014).

Nguyên nhân do đâu? Nhiều ý kiến DN cho rằng, thời gian vừa qua, các DN ngành giấy Việt Nam nói chung và phân khúc giấy tiêu dùng nói riêng đang gặp phải không ít những khó khăn. Nhiều DN lớn gặp hàng gian, hàng giả ngày càng nhiều, nhưng không thể giải quyết được.

Với cách làm ăn chụp giật, thiếu bài bản, yếu kém về quản lý, công nghệ cũng khiến một lượng lớn DN nhỏ (chiếm khoảng 40% thị phần giấy tiêu dùng ở cấp thấp) và các hộ cá thể không cạnh tranh lại trên thương trường. Có DN "gặp hạn" vì chọn nhầm hướng phát triển sản phẩm hoặc cố tình hạ giá bán, cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện cả nước có khoảng 300 nhà máy giấy, nhưng đa số còn ở quy mô nhỏ và trung bình, công nghệ đã lỗi thời buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp ngành giấy gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Để đầu tư vào ngành công nghiệp bột giấy, một dự án cần khoảng 200 - 300 triệu USD.

Trước tình trạng này, các DN có năng lực sản xuất liên tục phát triển thị trường ở phân khúc truyền thống và cả phân khúc nhà hàng, khách sạn. Năm 2014, SGP bắt đầu đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà hàng khách sạn, sau khi các sản phẩm của DN đã có mặt khắp các hệ thống phân phối từ các cửa hiệu tạp hóa cho đến siêu thị và hệ thống bán sỉ trên toàn Việt Nam.

Với lợi thế là đơn vị phân phối các mặt hàng giấy tại thị trường Việt Nam, Công ty Thế giới giấy gần như chiếm phần lớn thị phần với 3.000 khách hàng là các công ty, trường học, nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng, bệnh viện... tại hầu hết các tỉnh phía Nam và ở một số tỉnh phía Bắc với dòng sản phẩm giấy An Khang và Maybe do DN sản xuất.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn