Sabeco có tiếp tục lỗi hẹn?
Sản lượng tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia mỗi năm đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có mức tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Giữa lúc các hãng bia nội và ngoại cạnh tranh kịch liệt giành thị trường màu mỡ này, thông tin Sabeco đang kiến nghị được bán 49% cổ phần nhà nước đã làm thị trường bia trong nước thêm phần kịch tính.
Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng đề xuất Nhà nước có thể bán 30% trong 89% cổ phần tại Sabeco cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Sau đó, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục bán 19% cổ phần cho các nhà đầu tư khác trong năm nay, muộn nhất là năm sau.
Các doanh nghiệp trong ngành đang rất kỳ vọng vào kiến nghị này đối với Sabeco vì 2 lý do: Chính phủ đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và bản thân Sabeco đã lỗi hẹn tới 6 năm kể từ thời điểm IPO hồi năm 2008.
Điều khiến nhiều người thêm hứng khởi là tại phiên họp gần đây về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cũng cho biết bia không phải là ngành mà Nhà nước muốn nắm giữ cổ phần chi phối (trên 51%). Điều này đồng nghĩa với việc kiến nghị của Sabeco có khả năng sẽ được thông qua.
Miếng bánh Sabeco
Năm qua, Sabeco tiếp tục đạt mức tăng trưởng 10,3% so với năm 2012 với sản lượng tiêu thụ hơn 1,3 tỉ lít bia. Nhưng do cạnh tranh ngày càng gay gắt cùng với tình trạng thị trường bị phân tán với quá nhiều sản phẩm nội lẫn ngoại nên mức lợi nhuận thuần đã giảm tới 9,3%.
Đáng chú ý, thị phần của Công ty đã giảm từ mức 46,7% của năm 2013 xuống còn 45,5% trong quý I/2014. Nguyên nhân chính là do phân khúc cao cấp của Sabeco đang bị tấn công dữ dội bởi các sản phẩm ngoại.
Nhận xét về việc thị phần bị sụt giảm, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco, cho biết về cơ cấu sản phẩm, hiện có 2 nhãn hàng của Sabeco được xếp vào nhóm “bò sữa” là bia 333 và Saigon Export 35. Nhưng một dấu hiệu đáng ngại là nhóm sản phẩm “bò sữa” của Sabeco đang giảm dần, trong đó bia 333 giảm nhanh hơn (số liệu về mức giảm cụ thể không được Công ty tiết lộ).
Giải pháp cho tình trạng này, theo ông Tuất, là Công ty đang lên kế hoạch đưa các sản phẩm thuộc nhóm “ngôi sao” (nhóm cao cấp) lên nhóm “bò sữa”. Trong tháng 7 tới, Sabeco sẽ làm mới 2 sản phẩm này và đẩy mạnh công tác truyền thông để củng cố thị phần. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ ra mắt sản phẩm bia cao cấp với thương hiệu Saigon Gold để đấu với các sản phẩm khác thuộc cùng phân khúc.
“Tôi kỳ vọng Saigon Gold sẽ làm nên chuyện và đủ sức cạnh tranh với các dòng bia cao cấp khác, thay vì nhường sân chơi cho một vài thương hiệu độc chiếm như hiện nay”, ông nói.
Sau Saigon Gold, Sabeco cũng đang có kế hoạch sản xuất thêm một sản phẩm bia dành cho phân khúc cao cấp nhất, dự kiến chỉ được phân phối tại các khách sạn 5 sao trong cả nước.
Để thực thi mục tiêu này, Sabeco đang tiếp tục mở rộng đầu tư các nhà máy sản xuất trong cả nước. Ước tính, Sabeco đã đầu tư 24 dự án, trong đó đã có 20 nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 1,8 tỉ lít bia/năm.
Đến nay, cổ phiếu của Sabeco đã được giao dịch trên thị trường OTC được 6 năm với giá hiện tại khoảng 65.000 đồng/cổ phiếu và hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) là 15,5 lần.
Rõ ràng, dù đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhưng Sabeco vẫn là một thương hiệu lớn của Việt Nam khi nắm tới 45,5% thị trường bia. Và nếu đề xuất bán cổ phần nhà nước trong Sabeco được thông qua, đây sẽ là cơ hội để các thương hiệu trong và ngoài nước thâm nhập sâu hơn vào thị trường bia Việt Nam.
Ai mua Sabeco?
Một nguồn tin cũng từ HSC trước đây cho biết, 4 hãng bia lớn nước ngoài gồm SABMiller, Kirin Brewery, Asahi Breweries và Asia Pacific Breweries đều mong muốn được trở thành đối tác chiến lược của Sabeco. Trong số này, Asia Pacific Breweries - đối tác liên doanh với SATRA tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) - là đối thủ lớn nhất của Sabeco trong phân khúc cao cấp với nhãn hàng Heineken được sản xuất tại Việt Nam.
Cụ thể, theo số liệu thống kê không chính thức, Heineken đã tăng dần thị phần ở phân khúc cao cấp từ 18,9% trong năm 2007 lên 25,4% trong năm 2011. Sức tiêu thụ của nhãn hàng này cũng khá tốt. Từ năm 2008-2013, sản lượng tiêu thụ bia Heineken đạt tốc độ tăng bình quân là 14%/năm so với 11% của Sabeco.
Hiện tại, các ứng viên cho vị trí cổ đông chiến lược của Sabeco vẫn còn đang ẩn mặt. Nhưng ý kiến chung từ giới nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều cho rằng nếu cuộc hôn nhân giữa Sabeco và VBL diễn ra thì họ sẽ tiến dần tới vị trí thống lĩnh thị trường bia Việt Nam do có thể bổ sung các thế mạnh cho nhau.
Mới đây, Giám đốc một công ty tư vấn của Nhật đã nói trên báo Yomiuri rằng: “Nếu Sabeco không tăng tốc trong cuộc đua chọn nhà đầu tư chiến lược thì sẽ bị chậm chân vì các khách hàng lớn của tôi đang có ý định chuyển vốn sang Indonesia”.
Giới đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào quyết định của Chính phủ đối với việc bán 49% vốn nhà nước tại Sabeco cho nhà đầu tư chiến lược và các đối tác khác nhằm chính thức mở đường cho việc niêm yết cổ phiếu. Đây chính là cơ sở giúp Công ty có thể đảm bảo mục tiêu trong dài hạn là tiếp tục đứng đầu Việt Nam, thứ ba Đông Nam Á về sản lượng, đồng thời duy trì mức cổ tức không dưới 30%/năm.