Tổng quan "Top 50" năm 2014
Số công ty vào vòng xếp hạng năm nay đã trên 110 công ty do các công ty hoạt động tốt nhưng trước đây chưa đáp ứng điều kiện quy mô vốn đã có tăng trưởng tài sản, một số công ty khác đã cải thiện doanh thu và lợi nhuận.
113 công ty đủ điều kiện vào vòng xếp hạng
Có hơn 660 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán với quy mô vốn tự có rất cách biệt, từ 10 tỉ đồng đến 54.000 tỉ đồng. Quản trị một công ty có quy mô lớn rất khác so với công ty có quy mô nhỏ. Do vậy, 3 năm qua chúng tôi luôn duy trì 3 tiêu chí cho vòng 1 là: (1) Giá trị vốn hóa thị trường tại một thời điểm từ 500 tỉ đồng trở lên, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hằng năm trong 3 năm liên tục đạt tương ứng từ 200 tỉ đồng và 20 tỉ đồng trở lên.
Tin vui là số công ty vào vòng xếp hạng năm nay đã trên 110 công ty do các công ty hoạt động tốt nhưng trước đây chưa đáp ứng điều kiện quy mô vốn đã có tăng trưởng tài sản, một số công ty khác đã cải thiện doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, vẫn còn 40 công ty thỏa điều kiện vốn hóa nhưng chưa thỏa điều kiện doanh thu và lợi nhuận do ảnh hưởng kết quả năm 2012 và 2011.
16 công ty vào Top 50 năm 2014
Chúng tôi tiếp tục dùng 3 tiêu chí tăng trưởng doanh thu trung bình kép 3 năm, ROE, ROC trung bình 3 năm cho vòng xếp hạng để tìm ra các công ty tốt nhất trong từng ngành. Nhằm tôn vinh các công ty kinh doanh hiệu quả nhất từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, chúng tôi đã điều chỉnh tỉ trọng các tiêu chí để đạt sự tương quan giữa tăng trưởng và hiệu quả. Hai tiêu chí ROE, ROC chỉ còn chiếm 55% (năm ngoái 70%), 45% còn lại cho tăng trưởng doanh thu.
Có 16 công ty mới vào Bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2014, trong đó có 4 gương mặt từng xuất hiện trong Top 50 năm 2012 nay quay trở lại: Chứng khoán Hồ Chí Minh (HCM), Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Xây dựng Coteccons (CTD), Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC).
Số công ty do nhà nước nắm cổ phần đã giảm xuống
Năm 2014 số công ty trong Top 50 do nhà nước nằm giữ cổ phần đã giảm còn 62%, so với 70% của năm ngoái do các công ty tư nhân ngày càng lớn mạnh về quy mô tài sản lẫn hiệu quả kinh doanh. 62% số công ty có mặt trong Top 50 vẫn do nhà nước nắm tỉ lệ sở hữu cao, trong đó 14/50 công ty nhà nước sở hữu từ 51-97% tập trung vào các doanh nghiệp dầu khí, cảng biển, điện, cao su.
Cả 50 công ty đều có khối ngoại sở hữu cổ phần
Top 50 bao gồm những công ty có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất ngành, giá trị vốn hóa đủ lớn để khối ngoại mua vào, do đó tất cả các công ty trong top 50 đều có nhà đầu tư ngoại. Có 24/50 công ty được khối ngoại sở hữu từ 25% trở lên, trong đó 9 công ty nắm 49% (VNM, VSC, HCM, DHG, BMP, FPT, JVC, CTD, REE).
Top 10 đón nhận 3 gương mặt mới và 3 công ty tHăng hạng
Các công ty thăng hạng mà chúng tôi đã đề cập ở trên là Vingroup, Traphaco, Dược Hậu Giang. 2 năm trước các công ty cao su chiếm đến 3 vị trí trong Top 10, năm nay đã được thay bởi Fecon, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng và Đường Ninh Hòa. Cả 3 công ty này không được xếp hạng vào Top 50 do mức vốn hóa chưa đủ. Sự góp mặt của Vingroup và 3 công ty mới đã nâng số công ty trong Top 10 không do nhà nước sở hữu lên con số 4 thay vì 1 như trước, cho thấy kinh tế tư nhân ngày càng mạnh lên.
* Fecon: Doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật nền móng công trình tại Việt Nam
Thành lập năm 2004, Fecon chọn chiến lược “tập trung và chuyên sâu” vào ngành khá đặc thù, đó là chuyên về kỹ thuật nền móng công trình. Với những lợi thế vượt trội như chất lượng thi công tốt, tiến độ rút ngắn giúp tiết kiệm chi phí, Fecon ký được nhiều hợp đồng lớn và phát triển vượt bật từ năm 2011 với doanh thu tăng gấp 2,5 lần, lợi nhuận tăng 72% và tăng trưởng liên tục qua các năm. Theo Fecon, công ty này được ghi nhận là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật nền móng công trình tại Việt Nam với nhiều công trình lớn phức tạp như Tổ hợp dự án Samsung Thái Nguyên, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa - Hà Tĩnh, nhà máy LG Electronics Hải Phòng, nhà máy Bridgestone… Nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông, không gian ngầm tại các đô thị, tầng hầm trong nhà cao tầng đang gia tăng nhanh chóng là những động lực thúc đẩy tăng trưởng của Fecon trong tương lai.
* VTF: Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Đồng bằng Sông Cửu Long, chiếm 14% thị phần thức ăn cá tra. Sản lượng và doanh thu của VTF không ngừng tăng trong những năm qua: doanh thu tăng gấp đôi và lợi nhuận gấp 3 trong giai đoạn 2010 - 2013. Với sự hỗ trợ của HVG (HVG nắm 62,1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của VTF), VTF được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ quản trị tốt hơn, cũng như bảo đảm đầu ra khi cung ứng nội bộ cho chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín của HVG.
* NHS: Lợi thế nguyên liệu và đầu ra
Sản phẩm chủ lực của NHS là đường kính trắng, chiếm 84% trong cơ cấu doanh thu. Sản lượng đầu ra của NHS khá ổn định nhờ liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thương mại. NHS có lợi thế về vùng nguyên liệu và phế phẩm từ công nghiệp đường được sử dụng để sản xuất điện.
Hạn chế của bảng xếp hạng
Sau 3 năm thực hiện, một số điểm hạn chế của phương pháp nghiên cứu xếp hạng cũng được chúng tôi ghi nhận. Đầu tiên là sự chênh lệch về quy mô giữa các công ty trong Top 50. Chúng tôi luôn mong muốn có thể xếp hạng các công ty quy mô lớn và quy mô nhỏ thành 2 nhóm riêng nhằm phản ánh chính xác hiệu quả quản trị doanh nghiệp ở từng công ty. Các doanh nghiệp nhỏ hơn thường có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và đòi hỏi năng lực quản lý không phức tạp như các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp niêm yết còn ít và thiếu công ty lớn chưa cho phép chúng tôi thực hiện điều này.
Một điểm hạn chế khác là chỉ tiêu ROE, ROC mới chỉ phản ánh kết quả quá khứ và thực tại của doanh nghiệp, chưa phản ánh hết tiềm năng dài hạn của công ty. Các công ty trong giai đoạn tăng vốn và mở rộng đầu tư sẽ tạm thời chịu mức ROE thấp hơn và có thể bị xếp hạng thấp hơn hoặc không vào Top 50. Tuy nhiên, rất có thể 3 đến 5 năm sau, khi các khoản đầu tư bắt đầu thu lợi nhuận, các công ty này sẽ vào Top 50 và xếp hạng cao. Hoàng Anh Gia Lai là một công ty đại diện cho trường hợp này. Trong 2 năm 2012 và 2013 HAG thực hiện tái cấu trúc tập đoàn và chuyển trọng tâm tăng trưởng sang nông nghiệp kỹ thuật cao và bất động sản nghĩ dưỡng ở nước ngoài. HAG đang trong giai đoạn đầu tư nên lợi nhuận ghi nhận giảm sút so với thời hoàng kim.
Năm 2014 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm thử thách đối với nền kinh tế với các mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất và tăng trưởng hợp lý. Năm 2014, Việt Nam tiếp tục tham gia đàm phán TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các doanh nghiệp dệt may và ngành gỗ đang tự đổi mới để đón đầu vận hội này. Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ góp mặt trong bảng xếp hạng Top 50 2015.