Việt Nam sẽ vượt qua thử thách

Tập đoàn Boston Consulting Group (BCG), hãng nghiên cứu và tư vấn chiến lược nổi tiếng của Mỹ, đã chính thức mở văn phòng đại diện tại TP.HCM vào cuối năm ngoái. Được thành lập từ năm 1963, BCG là 1 trong 3 tập đoàn tư vấn chiến lược uy tín nhất thế giới, hay còn được mệnh danh là nhóm Big Three. NCĐT đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Hans-Paul Bürkner, Chủ tịch BCG, nhân dịp ông đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

* Vai trò của các ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông đánh giá thế nào về quá trình cải tổ của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua?

Dù đã có những hành động cụ thể, nhưng tôi cho rằng phải đến cuối thập kỷ này Việt Nam mới có thể hoàn thành cải tổ hệ thống ngân hàng. Hãy nhìn sang châu Âu, các ngân hàng ở đấy vẫn phải tiếp tục dọn dẹp những vấn đề từ khủng hoảng năm 2008.

Việt Nam sẽ vượt qua thử thách

Tiến sĩ Hans-Paul Bürkner, Chủ tịch BCG. Ảnh: Tuyển Phan

Vấn đề mà các ngân hàng Việt Nam gặp phải là hệ thống phòng ngừa rủi ro chưa tốt. Sở hữu chéo cũng là một vấn đề. Các ngân hàng phải cho vay đúng người cần vay chứ không phải vì các mối quan hệ. Cũng phải thay đổi quan điểm cho rằng khi doanh nghiệp nhà nước vay thì sẽ an toàn tuyệt đối. Thay vào đó, hãy chú ý nhiều hơn đến nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị còn phụ thuộc nhiều vào thị trường vốn không chính thống.

* Trước mắt, Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn. Ông có lạc quan về triển vọng phát triển của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh này?

Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy các công ty đầu ngành của Việt Nam đều có những kế hoạch lớn. Tất cả đều mong muốn nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh và có khả năng tài chính để đầu tư lớn. Tôi rất ấn tượng với cách nghĩ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt. Họ không chỉ tham vọng mà còn có tinh thần làm việc đáng nể. Tất nhiên các doanh nghiệp vẫn còn nhiều điều cần học hỏi, nhưng đó là điều hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, điều khiến tôi lạc quan nhất về thị trường đang phát triển như Việt Nam nằm ở chỗ con người luôn đặt ra nhiều mục tiêu cho bản thân cũng như cho con cái, tất cả đều hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Trái ngược với tình cảnh ở những nước phát triển, nơi mà con người tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại, người Việt có ý chí phấn đấu mạnh mẽ. Đó là yếu tố quan trọng nhất giúp thành công.

* Một vấn đề thường gặp ở các doanh nghiệp Việt là sau khi thế hệ đầu sáng lập và phát triển công ty, thế hệ thứ 2 hoặc 3 lại không thể tiếp nối được. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Câu chuyện tìm người kế nhiệm hiển nhiên là không đơn giản. Tuy nhiên, chuyện này không liên quan đến khả năng của thế hệ thứ 2 hay thứ 3. Chúng ta đều biết rằng thế hệ trẻ càng được đào tạo đầy đủ và chuyên sâu hơn và tôi tin rằng họ cũng có tham vọng của riêng mình. Thực sự, tôi không lo lắng về thế hệ trẻ của Việt Nam.

Việt Nam sẽ vượt qua thử thách

Tôi từng được đọc một bài viết nói về Julius Caesar. Ngay từ thời xa xưa, ông ta đã than phiền về việc thế hệ trẻ không có khả năng, thiếu siêng năng và chỉ biết hưởng thụ. Đấy là một suy nghĩ rất thường gặp, nhưng hầu hết trong các trường hợp đều không đúng. Tôi không tin rằng thế hệ sau kém hơn thế hệ trước. Nếu thực sự là vậy thì thế giới đã chẳng phát triển đến ngày hôm nay. Dù không dễ dàng, nhưng các doanh nghiệp Việt sẽ tìm ra cách vượt qua thử thách.

* Các doanh nghiệp Việt Nam được làm quen với khái niệm tư vấn chiến lược cách đây chưa lâu và vẫn còn một bộ phận không mặn mà với ý tưởng mời nhà tư vấn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng điều này phụ thuộc nhiều vào quan điểm cá nhân. Một số người có thể chào đón đơn vị tư vấn, số khác thì không. Tuy nhiên, khái niệm tư vấn vẫn chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam vì các doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều. Năm 1980, ngành tư vấn ở Đức cũng tương tự như Việt Nam hiện tại. Các quốc gia đang phát triển ở châu Á mới biết đến tư vấn gần đây, nên sẽ cần nhiều thời gian trải nghiệm để các doanh nghiệp hiểu được lợi ích. Khi mọi người đã nhận ra vai trò hữu ích của tư vấn thì họ sẽ chủ động tìm đến chúng tôi.

Có một điều thú vị là tại Việt Nam, đa số khách hàng BCG đang làm việc đều là các đơn vị nội địa. Dù cũng có khách hàng đa quốc gia, nhưng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư của Việt Nam vẫn chiếm đa số. Hiện các công ty nước ngoài chỉ chiếm khoảng 25-30% lượng khách hàng của BCG tại đây.

* Ở những quốc gia BCG đã có Sau những va chạm gần đây với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần thoát khỏi tầm ảnh hưởng kinh tế của nước láng giềng. Ông nhận xét thế nào về tình hình hiện nay?

Việt Nam sẽ vượt qua thử tháchTrước hết, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần toàn bộ biển Đông là không chấp nhận được. Mọi việc phải được phân xử theo luật pháp và công ước quốc tế. Nhưng sự cố xảy ra ở các nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng không đúng. Chúng ta phải đảm bảo được an toàn và quyền lợi của nhà đầu tư trong bất kỳ trường hợp nào.

Giữa Việt Nam và Trung Quốc tuy có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ, nhưng Việt Nam cũng là đối thủ kinh tế của Trung Quốc trong khá nhiều trường hợp. Nhiều công ty đa quốc gia đã di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Năng lực sản xuất của các nhà máy may mặc và điện tử tại Việt Nam cũng rất tốt nếu đem so với Trung Quốc.

Nếu muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến những thị trường lân cận trong khu vực Đông Nam Á hơn nữa. Tuy nhiên, vị trí địa lý của Việt Nam vẫn nằm kề với Trung Quốc cho nên quốc gia này vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của các bạn. Đó là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi, vì vậy doanh nghiệp cần cân nhắc thận trọng khi đưa ra các quyết định.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư