Có quản được giá sữa?
Việc áp trần giá sữa mà Bộ Tài chính triển khai liệu có quản được được giá sữa hay lại sinh ra những biến tướng mà không bảo vệ được doanh nghiệp (DN) trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng ngoại nhập?
Biến tướng
Bắt đầu từ ngày 11/6, áp trần giá bán buôn đối với các mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi đã được triển khai (dự kiến, giá bán lẻ sẽ chính thức áp dụng từ ngày 21/6). Thế nhưng, đã có nhiều mặt hàng trong danh sách áp trần của một vài hãng đã "biến mất" khỏi thị trường.
Chẳng hạn như các sản phẩm Enfamil A+1, Enfamil A+2, Enfamil A+3 của Mead Johnson đã được thay thế bằng nhưng dòng sản phẩm tương tự với tên mới là Enfamil A+1 360o Brain Plus, Enfamil A+2 360o Brain Plus, Enfagrow A+3 360o Brain Plus... Một số sản phẩm không nằm ngoài danh mục áp trần cũng không còn được sản xuất.
Sản phẩm Pediasure của Abbott loại 1,7kg (giá 980.000 đ/hộp) đã không còn và lon sữa Pediasure 900gr được thay bằng lon có trọng lượng 850g. Điều đáng nói là những sản phẩm này dù trọng lượng giảm so với sản phẩm cũ nhưng giá bán lại tăng 50.000đ/lon 900g. Chẳng hạn như Enfamil A+1 trước đây có giá 555.000đ/lon 900g thì sản phẩm mới Enfamil A+1 360o Brain Plus lên đến 605.000đ/lon.
Việc áp trần mà Bộ Tài chính triển khai là nhằm bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em và buộc các DN tiết giảm chi phí để kéo giá sữa xuống. Thế nhưng, theo các chuyên gia, quản lý mặt hàng sữa bằng phương cách quy định giá trần là rất khó. Hầu hết các loại sữa kinh doanh trên thị trường đều được nhập khẩu.
Khi tính giá trần cho sữa nhập khẩu thì phải dựa vào giá thành nhập khẩu nhưng điều này là không thể. Bởi, thực tế là mỗi hàng sữa và mỗi quốc gia có một tiêu chuẩn, bí quyết công nghệ riêng và chỉ cần thêm, bớt thành phần là tính chất sữa thay đổi, kéo theo sự thay đổi về giá.
Đó là chưa kể việc xác định giá sữa nguyên liệu là rất khó khăn khi mà thời gian qua vấn đề chuyển giá luôn làm đau đầu cơ quan thuế. Vì thế, nếu lấy sản phẩm của DN này so sánh với DN kia là điều rất khó khăn. Còn nếu tính theo phương pháp chi phí thì chỉ những DN trực tiếp nhập khẩu hoặc sản xuất mới biết chi phí thực. Và thực tế hiện nay là mỗi hãng sữa trưng một giá thành khác nhau khiến các cơ quan quản lý khó kiểm soát.
Đại diện một DN sữa lớn nhất của Việt Nam, cho rằng, việc áp trần giá sữa là không công bằng đối với DN trong nước. Nếu xét về nguồn gốc thì hầu như các loại sữa bán tại Việt Nam đều có nguồn nguyên liệu từ các nước châu Âu. Chất lượng sản phẩm có thể nói là tương đương vì DN trong nước đã đầu tư công nghệ không thua gì nước ngoài.
Để có giá tốt nhất cho người tiêu dùng, các DN đã tối ưu hóa sản xuất, tiết giảm chi phí, giảm lãi xuống mức thấp nhất có thể. Vì vậy, giá bán các loại sữa trong nước mới có giá thấp hơn 40-50% so với sữa nhập khẩu. Điều này cũng cho thấy, sữa nhập khẩu có mức lãi rất cao so với sữa nội.
Hiện nay, mặt hàng sữa, đặc biệt là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi gần như nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu từ nước ngoài. Giá sữa thành phẩm và nguyên liệu sữa trên thế giới thời gian qua cũng biến động thường xuyên. Áp trần giá sữa đối với DN sản xuất đã khó, quản được khâu bán lẻ càng không hề dễ.
Vậy nhưng, phương pháp áp giá lại không dựa trên mặt bằng chung về giá mà áp theo từng đơn vị sản phẩm và theo từng DN. Trong khi DN sản xuất có giá bán thấp hơn 40-50% so với sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng nhập khẩu nhưng lại bị áp mức giảm giá như các sản phẩm có mức giá cao hơn đến 40-50%.
Với cách tính này, DN nhập khẩu chỉ mất một phần trong số lãi rất cao đó. Trong khi đó, tỷ lệ lãi của DN sản xuất trong nước rất thấp nên mức lãi cho phép quyết định của Bộ Tài chính đã khiến DN trong nước khó khăn.
Đó cũng chính là lý do khiến 12 DN sản xuất sữa tại TP.HCM vẫn chưa thể công bố giá trần bán buôn dù thời hạn cuối ngày 11/6 đã qua. Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết, hiện Sở đã kiến nghị Bộ Tài chính cho 12 DN này rà soát, xây dựng lại chi phí giá thành để đề xuất giá bán buôn tối đa nhằm kịp công bố giá bán lẻ tối đa trong thời gian tới.
Bài học nhãn tiền
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trách nhiệm quản lý giá sữa thuộc về Bộ Tài chính nhưng thời gian qua, cơ quan quản lý đã buông lỏng quản lý nên xảy ra tình trạng "loạn giá”. Và trên thực tế, đã có nhiều loại sữa ngoại giá thấp nhưng bán lẻ cao gấp 5 lần giá nhập khẩu. Trong khi đó, các DN sữa nội đưa ra giá bán chưa bằng 50% sữa nhập ngoại lại bị cạnh tranh khốc liệt từ chính hàng ngoại nhập này.
Việc quản lý giá sữa hiện nay khiến nhiều người liên tưởng đến chuyện quản lý giá xi măng năm 2008. Vào thời điểm đó, giá xi măng liên tục tăng khiến các cơ quan quản lý phải triển khai chính sách áp trần giá bán. Không chỉ giá xi măng và clinker (nguyên liệu sản xuất xi măng) nhập khẩu liên tục tăng mà chi phí vận chuyển và lưu kho cũng tăng khiến DN hết sức khó khăn.
Trong khi đầu vào tăng liên tục thì đầu ra không được phép tăng (vì đã được áp trần) nên để cắt lỗ, các DN phải sản xuất cầm chừng. Khi DN giảm sản xuất cũng đồng nghĩa với nguồn cung thiếu hụt. Lúc này các nhà phân phối mới "tung chiêu" tăng giá bán lẻ lên nhiều lần (trong khi giá nhập khẩu từ DN không đổi) khiến thị trường càng loạn giá. DN sản xuất xi măng lỗ mà người tiêu dùng cũng bị thiệt hại. Việc áp trần giá xi măng đã phá sản!
Hiện nay, mặt hàng sữa, đặc biệt là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi gần như nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu từ nước ngoài. Giá sữa thành phẩm và nguyên liệu sữa trên thế giới thời gian qua cũng biến động thường xuyên. Áp trần giá sữa đối với DN sản xuất đã khó, quản được khâu bán lẻ càng không hề dễ.
Dù quy định của Bộ Tài chính chỉ cho phép đại lý bán cao hơn giá mua sỉ tối đa là 15% nhưng khi tình trạng "sốt" sữa xảy ra, làm sao có thể đảm bảo nhà phân phối không ép giá người tiêu dùng? Đó là chưa kể những chiêu "lách luật" của người bán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã từng cho rằng, một trong những nguyên nhân đẩy giá sữa lên cao là do các chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị... chưa hợp lý. Luật pháp Việt Nam đã có những quy định về vấn đề này, vì vậy, nếu quy định chưa đủ, còn kẻ hở thì có thể sửa đổi và bổ sung.
Còn nếu giá bất hợp lý do tình trạng DN độc quyền, lợi dụng thế thống lĩnh thị trường hoặc bắt tay nhau để làm giá thì vẫn có thể dùng luật để giải quyết. Vì thế, để quản được giá sữa, các chuyên gia cho rằng, phải thật khéo léo, có chính sách linh hoạt, ứng phó kịp thời trước biến động của thị trường chứ nếu không đi vào vết xe đỗ của mặt hàng xi măng khiến DN thiệt hại, người tiêu dùng thiệt thòi.