World Cup 2014: Xu hướng "đa màn hình" lên ngôi

World Cup 2014 không chỉ ghi nhận số chi phí kỷ lục mà còn là cột mốc đánh dấu xu hướng "đa màn hình" - nơi các mạng xã hội trở thành những "sân vận động ảo" khổng lồ.

Tổng chi phí của Brazil cho World Cup 2014 được ghi nhận là 14 tỷ USD - số tiền cao nhất từ trước tới nay cho một kỳ World Cup và gần bằng tổng cộng chi phí của cả 3 kỳ tổ chức World Cup trước đó cộng lại. Không chỉ là giải đấu có chi phí cao nhất trong lịch sử FIFA mà đây còn là sự kiện thể thao trên mạng xã hội lớn nhất từng diễn ra kể từ khi Facebook, Twitter xuất hiện.

World Cup chưa khai mạc, Facebook đã tuyên bố có thể đạt 500 triệu người dùng hâm mộ bóng đá, cao hơn so với Twitter hay mạng truyền hình. Nếu đúng với những gì Facebook tuyên bố thì mạng xã hội này sẽ trở thành "sân vận động" ảo lớn nhất mùa hè này, nơi các nhà quảng cáo, marketing đều muốn hướng tới.

Trong khi đó, Twitter đã nổi lên từ World Cup 2010 nên cúp bóng đá thế giới tại Brazil là cơ hội rất lớn cho mạng xã hội này phát triển. Giám đốc điều hành trang mạng xã hội Twitter tại Brazil, ngày 12/6, Guilherme Ribenboim tuyên bố, World Cup 2014 là sự kiện được "tweet" (bình luận) nhiều nhất từ trước đến nay.

World Cup 2014: Xu hướng đa màn hình lên ngôi

Theo đó, lượng tin nhắn được gửi đi trong thời gian 1 tháng giải đấu diễn ra sẽ không chỉ dừng ở mức khiếm tốn là 150 triệu tweet như tại Olympic London năm 2012. Với 255 triệu người dùng trên khắp thế giới, Twitter là một diễn đàn được ưa chuộng để bình luận về các sự kiện toàn cầu, trong đó có thể thao.

Tất cả 32 đội bóng tham gia vào World Cup lần này, cũng như phần lớn các cầu thủ đều có tài khoản chính thức trên Twitter. Dẫn đầu về lượng người theo dõi là Cristiano Ronaldo, chân sút của đội tuyển Bồ Đào Nha với 26,6 triệu người, theo sau là tiền đạo Neymar (Brazil) với 10,8 triệu người và Wayne Rooney (Anh) là 8,8 triệu người.

World Cup năm nay cũng sẽ thể hiện rõ nét xu hướng "đa màn hình" (TV / web / di động) mà truyền thông thế giới đang theo đuổi. "Đây là lần đầu tiên người xem có thể "đút" cả sân vận động vào túi quần thông qua smartphone, cập nhật liên tục kết quả trận đấu, đội hình, chấn thương, thẻ vàng, thẻ đỏ... và có thể chia sẻ bình luận với hàng vạn người hâm mộ...", ông Will Platt-Higgins, Giám đốc Toàn cầu của Facebook bình luận.

Trong khi Twitter định vị là dịch vụ đồng hành cùng các kênh truyền thông truyền thống, thì Facebook cho rằng có thể bổ sung hay thậm chí là thay thế TV để tiếp cận người hâm mộ.

Để phục vụ cho World Cup, Facebook bổ sung một loạt tính năng và nội dung mới. Chẳng hạn, trang Trending World Cup còn có tính năng FAN MAP thống kê số người hâm mộ của các cầu thủ nổi tiếng tại từng quốc gia cụ thể để biết được mức độ được yêu thích của họ trên toàn cầu.

Một số cầu thủ được hiển thị trên FAN MAP gồm Cristiano Ronaldo, Messi, Neymar, Rooney, Iniesta,... Trong khi đó, Twitter đưa trở lại tính năng Hashflags đã có từ World Cup 2010.

Với tính năng này, người dùng dễ dàng chèn được biểu tượng hình lá cờ của các quốc gia tham dự World Cup 2014 chỉ bằng nhập hashtag ứng với mã quốc gia đó (nhập ba ký tự đầu trong tên quốc gia). Ví dụ, gõ hashtag #GER, biểu tượng cờ Đức sẽ hiện ra bên cạnh, gõ #ESP để chèn cờ Tây Ban Nha.

Trong 6 đối tác hạng A của FIFA gồm Adidas, Coca Cola, Hyundai, Visa, Sony và Emirates chi 708,5 triệu USD trong chu kỳ 4 năm tài trợ cho World Cup. 8 đối tác hạng B gồm: Budweiser, Castrol, Continental, Johnson & Johnson, McDonald, Moy Park, Oi, Yimgli chi thêm 524 triệu USD cùng với 120 triệu USD tiền tài trợ nội địa của Brazil.

World Cup 2014: Xu hướng đa màn hình lên ngôiTổng cộng World Cup thu về hơn 1 tỷ 352 triệu USD tiền tài trợ. Giải bóng đá lớn nhất hành tinh là cơ hội tốt nhất của các nhãn hàng truyền tải hình ảnh, thông điệp cho hàng tỷ người đang theo dõi từng trận đấu diễn ra và quảng cáo mạng xã hội đang trở thành tâm điểm mới của các nhãn hàng.

Các chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng thể thao adidas, với hạt nhân là siêu sao Lionel Messi, được đẩy mạnh qua các kênh truyền thông xã hội. "Truyền thông xã hội cho phép chúng tôi quảng cáo hiệu quả hơn 30 hoặc 60 giây quảng cáo trên truyền hình", Tom Ramsden, Giám đốc Tiếp thị thương hiệu toàn cầu của adidas cho biết.

Các nhãn hiệu khác cũng tận dụng sức mạnh của các "ngôi sao Twitter" như cầu thủ Cristiano Ronaldo (ký hợp đồng quảng cáo cho Nike) trong nỗ lực tiếp cận các thị trường mới.

Nhiều thương hiệu cũng đang tạo ra những quảng cáo hướng tới cá nhân từng người hơn để thu hút người dùng Internet. Hãng bia Budweiser khai thác các quảng cáo sử dụng những người có ảnh hưởng ở các quốc gia nhằm dựng thành các video và đưa lên mạng.

Kevin Burke, Giám đốc Marketing của Visa, chi khoảng 30% kinh phí marketing cho truyền thông số, nhiều hơn mức 23% của trung bình toàn cầu. Visa đang đặt cược vào Facebook để tiếp cận khách hàng dựa trên theo dõi sở thích mua sắm của họ.

Trong khi đó, Coca-Cola sẽ chọn những tấm hình do người hâm mộ bóng đá chia sẻ trên Facebook và Twitter rồi đem in lên lá cờ do một nghệ sĩ đường phố của Brazil thiết kế và trình diễn vào trận đấu diễn ra vào ngày 12/6...

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn