Kinh Đô bước vào lĩnh vực Dầu ăn, Mì gói-Gia vị, Café
Tương lai CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC) vạch ra là chiến lược Food & Flavor, đa dạng hóa danh mục sản phẩm.
Nhờ M&A, Tập đoàn đang từng bước được hiện thực hóa thông qua việc chính thức tham gia vào 3 ngành hàng mới Dầu ăn, Mì gói-Gia vị và Café ngay trong năm nay, bên cạnh ngành bánh kẹo cốt lõi của Tập đoàn.
Sau một giai đoạn trì trệ ảnh hưởng nặng nề đến sức mua cũng như nhu cầu tiêu dùng, nền kinh tế đã có những tia sáng. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) liên tục nằm trên ngưỡng 50 điểm, sản lượng sản xuất tăng tháng thứ 8 liên tiếp, lạm phát (CPI) được kiềm chế và có thể thấp hơn mục tiêu 7% Chính phủ đặt ra, lãi suất cho vay giảm đáng kể xuống 9-12%/năm… Bên cạnh đó, với các chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thông qua việc tham gia đa dạng hóa ngành nghề, đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các hiệp định TTP, ACE, RCEP…
Thời cơ đã chín muồi, sau hai năm tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A, chiến lược mở rộng và đa dạng hóa ngành hàng, Kinh Đô chính thức tham gia vào 3 ngành hàng mới Dầu ăn, Mì gói – Gia vị và Café với mục tiêu đáp ứng được tốt nhất cho nhu cầu người tiêu dùng trong suốt cả ngày. Và đặc biệt, sản phẩm mì gói mới của Kinh Đô sẽ được tung ra thị trường ngay trong quý 3/2014.
Mì ăn liền – Mảnh đất màu mỡ
Bước đi đầu tiên của Kinh Đô là mở rộng sang mặt hàng mì ăn liền. Đây là ngành thiết yếu có tiềm năng và tốc độ phát triển rất tốt. Quy mô thị trường đạt hơn 22,340 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng “nóng” trên 20%/năm trong những năm qua, hai năm gần đây dù tốc độ tăng trưởng có chậm lại nhưng với thị trường dân số trẻ, mì ăn liền là ngành hàng có tiềm năng và tốc độ phát triển tốt tại Việt Nam.
Lựa chọn con đường hợp tác với các công ty sẵn có nhằm tận dụng chuyên môn về sản xuất, phân phối nội địa và kiến thức địa phương, Kinh Đô đã bắt tay hợp tác toàn diện với Công ty TNHH Sài Gòn Vewong - đối tác có bề dày thâm niên và chuyên môn, công nghệ về mì gói với thương hiệu A-One.
Được biết, theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (World Instant Noodles Association), nhu cầu tiêu thụ mì tại Việt Nam đứng thứ 4 trên toàn thế giới với 5.2 tỷ gói mì. Ngoài ra, theo nhận định của Euromonitor, lượng bán lẻ mì gói hàng năm dự báo có mức tăng trưởng kỳ vọng 3%. Và mặc dù mức tiêu thụ ở Việt Nam tương đối cao nhưng mì gói vẫn còn nhiều “đất” để phát triển và nhu cầu với sản phẩm này vẫn tiếp tục tăng cùng nhịp sống hiện đại của người dân. Đây chính là các yếu tố quan trọng khiến Kinh Đô khi tham gia vào ngành hàng này.
Hợp tác toàn diện cùng Sài Gòn Vewong
Thông qua Sài Gòn Vewong, Kinh Đô sẽ mở rộng mặt hàng mì ăn liền và nước chấm hợp tác theo hình thức OEM (Original Equipment Manufacture – sản xuất theo thiết bị gốc – thuê gia công) để sản xuất sản phẩm của Kinh Đô.
Đây là mô hình kinh doanh được đánh giá hệ thống phân phối là xương sống của sự thành công. Trong khi đó, KDC đã thiết lập được một hệ thống quản trị vững vàng, xây dựng thương hiệu mạnh nhất trong ngành thực phẩm tại Việt Nam, đặc biệt là 200,000 điểm bán lẻ và 300 nhà phân phối thực phẩm và kênh phân phối lạnh rộng khắp cả nước.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), chi phí Kinh Đô sẽ phải quảng cáo và tiếp thị để tung ra sản phẩm và phát triển sản phẩm sẽ khá cao, ước tính lên đến 15-20 triệu USD nhằm giành thị phần tại hai thị trường vốn đã khá nhiều đối thủ này. Với năng lực và đặc biệt là thương hiệu mạnh, Kinh Đô cho biết rất tự tin khi tham gia vào ngành hàng này.
Theo lộ trình, trước tiên Saigon Vewong sẽ là đơn vị sản xuất mì gói, cháo, phở ăn liền cho Kinh Đô. Ngược lại, Kinh Đô sẽ giúp Saigon Vewong phân phối các sản phẩm gia vị, bột nêm. Dự kiến Kinh Đô sẽ tung các sản phẩm mì ăn liền, cháo, phở ăn liền trong quý 3/2014. Sau đó, Kinh Đô sẽ chọn lọc một số sản phẩm gia vị phù hợp với thị trường Việt Nam và sẽ hợp tác sản xuất, tung sản phẩm ra thị trường.
Cũng theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, thị phần mì ăn liền Việt Nam phần lớn đang thuộc về Vina Acecook (52%), Masan (17%), Asia Foods (12%) và các doanh nghiệp còn lại chia nhau khoảng 20% thị phần. Trong đó, khảo sát của Euromonitor với thông tin Vifon, Saigon Vewong (Aone), Colusa - Miliket... chiếm từ 2-5% thị phần.… và đón chờ sản phẩm dầu ăn, café thông qua M&A
Chưa dừng lại ở bước ngoặt tham gia ngành hàng mì ăn liền – gia vị, tham vọng của KDC còn vươn rộng và sẽ chính thức lấn sân vào thị trường dầu ăn và café thông qua việc hợp tác mua cổ phần với hai đơn vị trong nước.
Bước đi đầu tiên của Kinh Đô là mở rộng sang mặt hàng mì ăn liền. Đây là ngành thiết yếu có tiềm năng và tốc độ phát triển rất tốt.
Thông qua việc hợp tác này, KDC sẽ tận dụng kiến thức về phân phối và sự am hiểu thị trường nhằm hợp lý hóa và phát triển công ty tham gia hợp tác, qua đó, đa dạng hóa sản phẩm, ngành hàng, gia tăng sản phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức cả ngày của người tiêu dùng.
Trong năm 2013, quy mô thị trường ngành nước chấm đạt 15,303 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng 6-8%; lĩnh vực café là 4,757 tỷ đồng, trong đó 1,000 tỷ café tươi, xay và tốc độ tăng trưởng từ 15-20%. Thị phần mảng café thuộc về các “ông lớn” Nescafe, Vinacafe, Trung Nguyên… Mục tiêu của KDC là sẽ mua cổ phần một thương hiệu café đã có sẵn tại thị trường Việt Nam.
Lĩnh vực còn lại KDC sẽ tham gia là dầu ăn, quy mô thị trường này trong năm 2013 đạt hơn 22,300 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng 7-9%. Dự kiến KDC sẽ mua cổ phần tại một công ty sẵn có nhằm tích hợp, phát huy lợi thế của hai bên để cùng tiếp tục phát triển công ty mà KDC tham gia hợp tác.
Nhìn chung, trong các ngành hàng mới này, Kinh Đô hướng đến việc tích hợp và phát huy lợi thế của các bên để thâm nhập thị trường, hợp lý hóa và tiếp tục phát triển công ty mà KDC tham gia đầu tư hợp tác. Năm 2013, KDC đã đạt kết quả kinh doanh kỷ lục với doanh thu 4,561 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 619 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2012. Đến quý 1/2014, Tập đoàn đạt gần 793 tỷ đồng doanh thu và 51 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà đầu tư vẫn đang có những nhận định trái chiều về triển vọng của KDC trước bước ngoặt mở rộng ngành hàng này. Song, rõ ràng khi “lấn sân” sang các lĩnh vực mới này, KDC đã cho thấy sự sẵn sàng bằng qui mô, nền tảng cạnh tranh cốt lõi mà Tập đoàn đã xây dựng cùng kết quả kinh doanh rất khả quan trong bối cảnh nhiều khó khăn của nền kinh tế trong những năm qua. Liệu KDC sẽ “làm nên chuyện” với các ngành hàng mới như dấu ấn mà Tập đoàn đã thành công và thống trị thị trường bánh kẹo suốt 2 thập niên qua?