Thị trường vỏ xe: Lăn theo bánh xe ngoại
Với dự báo tăng trưởng từ 2012 đến 2016 trung bình mỗi năm trên 5%, thị trường vỏ xe Việt Nam đã thu hút hầu hết các tên tuổi lớn như Bridgestone, Michelin, Kumho, Yokohama, Kenda... Tình hình này khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất vỏ xe chủ lực của Việt Nam như Cao su Sao Vàng (SRC), Cao su Đà Nẵng (DRC) Cao su Miền Nam (CSM) phải điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh.
Cuộc đua radial
Trước tiềm năng của thị trường Việt Nam, năm 2012, Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) đã thành lập Công ty TNHH Bridgestone Việt Nam và triển khai dự án Nhà máy sản xuất vỏ xe Bridgestone tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD. Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và năng lực sản xuất, tập đoàn này đã rót thêm 573,5 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 1,224 tỷ USD.
Nhà máy đẩy nhanh tiến độ sản xuất vỏ xe Bridgestone dòng vỏ radial cho xe du lịch, nửa đầu năm 2016, đạt công suất sản xuất 24.700 vỏ/ngày. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường toàn cầu tăng mạnh, Bridgestone quyết định sẽ đẩy mạnh năng lực sản xuất lên 49.000 vỏ/ngày vào năm 2017.
Tiếp theo năm 2013, Công ty Săm lốp Kumho Tire (thành viên của Tập đoàn Kumho Asiana – Hàn Quốc) dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất vỏ tại tỉnh Bình Dương, nâng công suất từ 3,3 triệu vỏ/năm lên 5 triệu vỏ/năm.
Trong khi đó, ông Lionel Cadeau, Tổng giám đốc Michelin Việt Nam, cho biết: "Tại Việt Nam, Michelin phân phối chủ lực vỏ xe du lịch, xe tải nhẹ, nặng, xe buýt, xe công trình. Tuy nhiên, do thị trường Việt Nam số lượng xe hai bánh rất cao nên sản phẩm dành cho vỏ xe 2 bánh cũng đang được triển khai mạnh". Dù chưa có kế hoạch đầu tư mở nhà máy ở Việt Nam nhưng ông Lionel cho rằng, với 5 nhà máy tại Thái Lan, Michelin vẫn có đủ năng lực để cung ứng vỏ xe các loại cho thị trường Việt Nam, đặc biệt là vỏ xe tải.
Theo khảo sát, hiện các công ty nội đang nắm hơn 40% thị trường vỏ xe cả nước, trong khi con số này của các DN nước ngoài là 60%. Đặc biệt, các DN nước ngoài còn sở hữu thị phần nhiều lợi nhuận nhất là vỏ xe du lịch, đòi hỏi công nghệ sản xuất cao và giá bán cao hơn so với các sản phẩm của DN trong nước.
Trước sự đầu tư của các công ty nước ngoài, nhất là xu hướng ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Malaysia, Trung Quốc... có đến 50 - 100% nhà sản xuất vỏ xe đã chuyển hẳn sang sản xuất vỏ radial, nên các công ty nội đã tập trung đầu tư vào sản xuất loại vỏ này.
Giữa năm 2013, Công ty Cao su Đà Nẵng đã tiên phong đầu tư 2.900 tỷ đồng xây dựng nhà máy săm vỏ radial, dự kiến sản lượng năm 2014 đạt 175.000 vỏ. Sản lượng tăng dần theo các năm và đến năm 2018 sẽ đạt công suất một triệu vỏ xe /năm. Theo khẳng định của đại diện DRC, khi nhà máy hoàn thành sẽ tạo thay thế vỏ ngoại nhập.
Năm 2014, Casumina đầu tư 3.380 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất vỏ xe tải toàn thép Casumina Radial ở Bình Dương. Dự án Casumina Radial được xây dựng theo 3 giai đoạn và công suất lên tới 1 triệu vỏ xe/năm.Theo tính toán của Casumina, khi toàn bộ nhà máy hoàn thành, Công ty sẽ có thêm 5.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Để đạt tham vọng trở thành nhà sản xuất săm vỏ xe hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mới đây Casumina đã quyết định thoái vốn các dự án bất động sản tại liên doanh Tân Thuận Việt để tập trung vào ở thị trường vỏ radial. Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina, cho biết, năm qua xuất khẩu chiếm 30% doanh số của Công ty.
Dự kiến, năm nay, xuất khẩu sẽ tăng trưởng 15% và Casumina đang hướng đến mục tiêu chiếm tới 50% lượng vỏ xe xuất khẩu. Mục tiêu chiến lược của Nhà máy Casumina Radial là cung cấp lốp ô tô toàn thép công nghệ cao được làm tại Việt Nam, có chất lượng tốt và ổn định, chủng loại đa dạng để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, các thị trường mới đang phát triển như Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á và vươn đến những thị trường đã phát triển như Mỹ, Bắc Mỹ, châu Âu.
Tương tự, DRC và SRC cũng có kế hoạch tăng doanh thu từ xuất khẩu ở mức 7,4% và 6,9% (2013) lên khoảng 10% trong năm nay. Hiện thị trường xuất khẩu chính của 2 DN này là Campuchia, Bangladesh, Myanmar và Angola.
Mối lo từ Trung Quốc
Theo các chuyên gia trong ngành, cơ sở để các công ty săm vỏ nội địa tự tin là do thị trường Việt Nam đang ở thời điểm có nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên dồi dào. Thị trường cao su nguyên liệu trên thế giới giảm đã khiến các DN sản xuất vỏ radial trong nước thuận lợi hơn.
Ngoài ra, hiện nay nhu cầu sử dụng vỏ radial cho xe tải hạng nặng và xe buýt trong nước ước tính khoảng 2 triệu vỏ/năm và kỳ vọng sẽ tăng 3,5% mỗi năm trong những năm tới. Theo ông Phạm Hồng Phú, 80% thị trường Việt Nam đang dùng vỏ radial toàn thép nhưng chỉ mới có 2 công ty DRC và Casumina sản xuất nên cơ hội còn lớn. Bên cạnh đó, việc sản xuất được vỏ radial toàn thép sẽ giúp tự chủ được vỏ ô tô công nghệ cao, giảm nhập khẩu và tận dụng được nguồn cao su nguyên liệu giá rẻ.
Cũng theo ông Phú, chất lượng vỏ xe ô tô của các DN trong nước rất tốt, cạnh tranh được với sản phẩm cùng lọai của DN nước ngoài, nhất là nguồn cung ứng của cả Casumina và DRC đều cao, công suất của mỗi công ty đạt hơn một triệu vỏ xe/ năm. Song, khó khăn hiện nay là DN trong nước đang phải cạnh tranh bất bình đẳng với vỏ xe Trung Quốc.
Vì không có hàng rào kỹ thuật kiểm tra, không đăng kiểm nên vỏ do Trung Quốc sản xuất nhập khẩu về Việt Nam được kê khai giá trị chỉ bằng 30% giá xuất xưởng (là giá nhà nhập khẩu thanh toán thật cho các hãng lốp Trung Quốc) của sản phẩm. Khi nhà vận tải trong nước mua vỏ Trung Quốc để sử dụng, họ chỉ nhận được hóa đơn thanh toán bằng 30% giá trị phải trả tiền mua thực tế.
Đơn cử, lốp ô tô toàn thép TBR khai báo 75USD/cái, trong khi giá xuất xưởng của sản phẩm này vào khoảng 210 USD (1.300 nhân dân tệ), số tiền thuế nộp là 28,12USD/cái, nếu khai báo đúng giá trị thật thì tiền thuế phải nộp là 78,75USD/cái. Hành động gian lận này của các DN gây thất thoát cho Nhà nước là khá lớn.
Theo tính toán của ông Phú, với lượng nhập trung bình hoảng 1,5 triệu vỏ/năm, chỉ cần quản lý chặt chẽ, hạn chế được nhập lậu lốp xe từ Trung Quốc thì DN sản xuất lốp xe trong nước sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn, mỗi năm Nhà nước thu hơn 75 triệu USD tiền thất thoát từ hàng trốn thuế và nhập lậu. Số tiền này bằng số tiền đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất lốp ô tô hiện đại có quy mô khu vực.