Áp giá trần sữa: Coi chừng lợi ích ngắn hạn
Như vậy, sau một khoảng thời gian ngắn cân nhắc, Bộ Tài chính đã chính thức áp giá trần (giá bán buôn) cho 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Một loạt công ty tên tuổi đã chính thức bị dính trong vụ này như Vinamilk, Nestle Việt Nam, Frieslandcampina Việt Nam, Công ty Dinh dưỡng 3A, Mead Johnson Việt Nam. Trên cơ sở mức giá tối đa này, sản phẩm đến tay người tiêu dùng (giá bán lẻ) sau khi tính các chi phí khác cũng bị áp mức trần khi không được vượt quá 15% so với giá bán buôn.
Tuy vậy, đối với một nền kinh tế theo hướng thị trường, việc can thiệp quản lý giá trực tiếp từ cơ quan nhà nước như thế có thể chỉ mang lại những lợi ích ngắn hạn cho người tiêu dùng. Còn về lâu dài, chưa chắc người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế sẽ được hưởng lợi một khi sự sáng tạo nghiên cứu hay tham gia sản xuất của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, NCĐT đã phỏng vấn ông Adam R. Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội.
* Theo ông, những lý do chính nào tác động khiến giá sữa cho trẻ em tăng khá nhanh trong thời gian qua?
Có nhiều nhân tố tác động đến chi phí của sản phẩm tiêu dùng, cũng như tác động đến quyết định đi vào sản xuất và phân phối của doanh nghiệp. Giá sữa tại Việt Nam thật ra không tăng nhanh hơn nhiều sản phẩm và dịch vụ khác. Sữa và ngành công nghiệp sữa tại Việt Nam rất năng động và cạnh tranh giữa những doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hàng trăm sản phẩm có thể được chọn ở nhiều mức giá khác nhau và người tiêu dùng cũng có thể chọn cho mình doanh nghiệp bán lẻ phù hợp.
Nếu Chính phủ quan tâm đến giá sữa cũng như bất kỳ thực phẩm nào khác, họ nên thực hiện các biện pháp như giúp đỡ nông dân, hay cải thiện hệ thống phân phối đắt đỏ và không hiệu quả của Việt Nam. Hay nếu mục tiêu là các sản phẩm sữa nhập khẩu, Chính phủ có thể cân nhắc việc giảm thuế nhập khẩu để làm cho các phẩm này vừa túi tiền hơn cho người dân.
* Ông có nghĩ rằng việc áp trần chi phí quảng cáo hiện nay đã tác động không tốt và có thể đã không giúp tạo ra một hệ thống giá cả phù hợp?
Chi phí Marketing là một trong những nhân tố quyết định đến giá thích hợp của bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào. Lấy ví dụ, một chai bia có thể có giá 10.000 đồng khi uống trên những con đường bụi bặm và nóng bức. Tuy vậy, cùng một chai đó có thể có giá cao hơn 5 lần nếu được phục vụ trong các quán bar với máy lạnh và có không gian đẹp.
Tổng thể, có nhiều sản phẩm sữa tại Việt Nam. Một vài cái thì căn bản, những số khác được phát triển bởi công nghệ hay tính chất đặc biệt. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn để mua sữa với mức giá phù hợp tốt nhất với nhu cầu của riêng mình.
* Người tiêu dùng thì ủng hộ chính sách này. Vậy theo ông việc áp dụng mức trần giá sữa là đúng hay sai, đặc biệt khi đánh giá tác động cả trong ngắn hạn và dài hạn?
Các quyết định của Chính phủ để hạ giá sữa như thế sẽ khiến một số sản phẩm biến mất trên thị trường, hay một số nhà sản xuất sẽ không có động cơ tạo ra các dòng sản phẩm mới, thậm chí là một vài công ty có thể cùng nhau rút lui khỏi thị trường.
Tôi ngạc nhiên khi thấy Chính phủ can thiệp không theo quy tắc thị trường như thế chỉ một tuần trước chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục kêu gọi Mỹ thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chính sách áp giá trần được thông báo là ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của tự do thương mại và cạnh tranh công bằng.
Các quyết định của Chính phủ để hạ giá sữa như thế sẽ khiến một số sản phẩm biến mất trên thị trường, hay một số nhà sản xuất sẽ không có động cơ tạo ra các dòng sản phẩm mới hay thậm chí là một vài công ty có thể cùng nhau rút lui khỏi thị trường. Việc trở lại chính sách kế hoạch tập trung vào thập kỷ 1980s khi mà người tiêu dùng không có nhiều sản phẩm để lựa chọn không phải là những gì mà hiện nay các hộ gia đình Việt Nam mong muốn.
* Từ việc so sánh giá sữa của Việt Nam với các quốc gia lân cận trong khu vực, ông có nghĩ là giá sữa tại Việt Nam cao hơn đáng kể so với các quốc gia đó, đặc biệt khi xem xét ở khía cạnh thu nhập bình quân theo đầu người?
Trong khi tôi rất nhạy cảm về việc giá sữa tăng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của hộ gia đình Việt Nam, nhưng tôi không cho rằng giá sữa bị định giá quá cao khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Tôi cũng không thấy có bằng chứng về hành vi độc quyền trong ngành công nghiệp sữa Việt Nam.
Như tôi đã nói trên đây, có nhiều nhân tố quyết định giá của bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào. Sữa cần tốn tiền để sản xuất. Việt Nam cũng áp dụng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nhập. Hệ thống phân phối của Việt Nam đắt và không hiệu quả. Tất cả những nhân tố này đều được tính vào chi phí cuối cùng mà hộ gia đình Việt Nam phải trả.
* Bài học nào từ các quốc gia đang phát triển khác đã quản lý giá sữa hiệu quả và phù hợp với túi tiền cho đại đa số người dân?
Không nghi ngờ gì sữa là sản phẩm tiêu dùng quan trọng, nhưng các nguyên tắc thị trường cần được thực thi. Việc kiểm soát giá là phản tác dụng và cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi giới hạn các lựa chọn của họ.
Việt Nam đang nỗ lực để giữ vững hình ảnh là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, vì vậy tôi thật sự ngạc nhiên khi hành động can thiệp không theo nguyên tắc thị trường như thế được áp dụng.
Một trong các cách tốt nhất tại các quốc gia đang phát triển đã giảm được giá sữa là đảm bảo thị trường của họ cởi mở và cạnh tranh, chuỗi cung ứng hiệu quả và thuế nhập khẩu thấp. Đó là những chính sách và luật lệ hấp dẫn cho doanh hiệp hơn là các chính sách hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và kiềm hãm sự cạnh tranh trên thị trường.