Motorola tạm biệt giấc mơ Mỹ

Dù đặt rất nhiều hy vọng nhà máy tại Mỹ sẽ giúp mình hồi sinh thương hiệu công nghệ Mỹ nổi tiếng một thời, Motorola một lần nữa lại phải thất vọng.

Theo Wall Street Journal, Motorola sẽ chính thức đóng cửa nhà máy lắp ráp smartphone tại Texas, Mỹ vào cuối năm nay. Lý do Tập đoàn đưa ra là doanh số bán smartphone của Hãng không đủ mạnh để duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp điện thoại tại Mỹ.

"Điều chúng tôi nhận ra là thị trường Bắc Mỹ đặc biệt khó khăn. Bạn không thể nào tiến hành quá trình sản xuất tại đây vì chi phí quá đắt đỏ", Chủ tịch Motorola, ông Rick Osterloh, tiết lộ.

Quyết định đưa toàn bộ quy trình lắp ráp chế tạo Moto X về Mỹ được coi là một hành động quảng bá nhằm nâng cao vị thế sản phẩm cho Moto X của Motorola. Nhà máy sản xuất này có ý nghĩa rất quan trọng cho chương trình tùy biến thiết kế của Moto X mà mọi người biết đến với tên gọi MotoMaker. Kế hoạch này cũng cho phép các kỹ sư của Motorola có thể phản ứng, thực hiện các thay đổi tinh chỉnh về mặt kỹ thuật một cách nhanh chóng hơn là nếu nhà máy được đặt ở châu Á hay một khu vực nào đó ngoài nước Mỹ.

Motorola tạm biệt giấc mơ Mỹ

Tuy nhiên, doanh số tệ hại của Moto X tại thị trường Mỹ, được chào với giá 600 USD trước khi giảm giá xuống còn 399 USD, đã khiến Hãng phải cân nhắc tới việc đóng cửa nhà máy. Theo Strategy Analytics, Motorola bán được 900 ngàn Moto X trên toàn thế giới trong 3 tháng đầu năm. Trước khi quyết định đóng cửa nhà máy tại Mỹ, Motorola đã cắt giảm nhân công từ khoảng 3.000 người xuống còn 700 người.

Motorola cho biết sẽ vẫn duy trì dịch vụ tùy biến smartphone MotoMaker, nhưng sẽ chỉ còn hoạt động ở Brazil và Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các smartphone mang mác "được lắp ráp tại Mỹ" từ Motorola sẽ không còn nữa. Khi ra mắt Moto X, Motorola hy vọng người dùng tin vào chất lượng "made in USA" và mua nhiều hơn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, người dùng vẫn quan tâm chủ yếu đến cấu hình, thiết kế, tính năng và giá cả trước khi quan tâm đến xuất xứ thương hiệu. Có lẽ hướng đi của Motorola là đúng nhưng họ cần phải có thời gian, mà thời gian thì không chờ đợi một hãng điện thoại thua lỗ đã từng phải bán cho Google với giá 12,5 tỷ USD để tránh phá sản.

Sản xuất tại Mỹ vẫn là giấc mơ của nhiều hãng công nghệ, đặc biệt khi Chính phủ của ông Obama đang muốn thu hút các hãng sản xuất Mỹ trở về nước.

Một số công ty nước ngoài như Volkswagen và Siemens còn mở nhà máy ở Mỹ, thậm chí Siemens vẫn đang xuất khẩu một số sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Hãng công nghệ Trung Quốc Foxconn lại đang có tham vọng có thể cho ra đời những chiếc smartphone và tablet được sản xuất tại Mỹ. Tham vọng của Foxconn được đặt ra trên cơ sở tầm nhìn thực tế khi chi phí nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng.

Motorola sẽ chính thức đóng cửa nhà máy lắp ráp smartphone tại Texas, Mỹ vào cuối năm nay. Lý do Tập đoàn đưa ra là doanh số bán smartphone của Hãng không đủ mạnh để duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp điện thoại tại Mỹ.

Mức độ tự động hóa cao tại các nhà máy ở Mỹ sẽ giúp giảm được số lượng công nhân làm việc trong nhà máy, do đó có thể đạt được số lượng sản xuất tương tự như ở Trung Quốc nhưng thuê ít nhân công hơn và nhân công có tay nghề cao hơn. Theo báo cáo mới nhất của The Boston Consulting Group (BCG), khoảng cách dần thu hẹp và khi cộng thêm chi phí vận chuyển thì việc sản xuất tại Mỹ xem ra có lợi hơn tại Trung Quốc.

Theo Business Week, mỗi USD chi phí sản xuất tại Mỹ tương đương với 96 xu sản xuất ở Trung Quốc. Khi chi phí lao động tại Trung Quốc tăng lên thì năng suất của Mỹ lại cải thiện, đồng thời chi phí năng lượng Mỹ giảm xuống đã giúp thu hẹp khoảng cách giá sản xuất giữa Mỹ và Trung Quốc gần như bằng 0.

Quốc gia có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới không còn là Trung Quốc mà là Indonesia. Tiếp đến là Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Mỹ xếp ở vị trí thứ 7. Lực lượng lao động Mỹ có năng suất cao nhất thế giới.

Ngược lại, chi phí trong những "thiên đường" sản xuất như Brazil, Trung Quốc, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Nga đã tăng đáng kể từ năm 2004 vì những yếu tố kết hợp, như lương tăng mạnh, tăng trưởng năng suất chậm chạp, biến động tiền tệ bất lợi và chi phí năng lượng tăng cao.

Khi các doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất mới, họ thường lên kế hoạch trên 25 năm nhưng với trường hợp của Motorola thì 25 năm là khoảng thời gian quá dài.

Nguồn Chiến lược Marketing