Khai phá thị trường nông thôn

Chiếm 68% trong tổng số 90 triệu dân của cả nước, người tiêu dùng tại nông thôn có thu nhập tăng đến 44% so với năm 2012 và ngày càng nhiều người đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp vẫn bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng này do còn thiếu thông tin và các nghiên cứu kỹ lưỡng về thói quen tiêu dùng nơi đây.

Theo Khảo sát Niềm tin người tiêu dùng toàn cầu cho quý I/2014 do Nielsen thực hiện, người tiêu dùng Việt Nam tự tin về tương lai và là một trong 20 nước lạc quan nhất thế giới. Sự lạc quan này đồng nhất ở mọi khu vực nông thôn. Khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên, họ bắt đầu nâng cấp cuộc sống của mình và con cái, sửa sang nhà cửa, phát triển sự nghiệp và sắm sửa đồ gia dụng như tủ lạnh và máy giặt.

Không dừng ở đó, nhiều người còn đầu tư cho tương lai của con mình trong nhiều lĩnh vực, cụ thể là giáo dục. Và khi ngày càng nhiều người được tiếp cận thông tin dễ dàng thông qua các thiết bị như điện thoại di động thì sự tò mò và nhu cầu trải nghiệm những điều mới lạ càng tăng lên.

Khai phá thị trường nông thôn

Khảo sát của Nielsen với 700 người tiêu dùng tại các khu vực nông thôn trên cả nước cho thấy, đa số họ quan tâm đặc biệt đến những người xung quanh, quan hệ trong gia đình và cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày. Họ lắng nghe, tin tưởng vào lời khuyên từ mọi người và quyết định dựa vào ý kiến của người khác.

Thực tế, gần 3/4 người tiêu dùng ở nông thôn quan tâm đến những gì người khác nghĩ và hơn 8 trong 10 người (81%) nói rằng họ lắng nghe ý kiến và gợi ý từ người khác, cao hơn nhiều so với 46% người tiêu dùng ở thành thị. Hơn 70% người tiêu dùng ở nông thôn bị ảnh hưởng bởi gợi ý trước khi ra quyết định mua sắm.

Mặc dù kinh tế và tài sản của người tiêu dùng nông thôn có khá hơn, nhiều người vẫn cân nhắc chi tiêu một cách cẩn thận, họ thích các sản phẩm có uy tín và ít rủi to. Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái đang lan tràn (1/4 người tiêu dùng đã từng gặp phải sản phẩm nhái, kém chất lượng), người tiêu dùng nơi đây đang thận trọng khi mua sắm.

Khai phá thị trường nông thôn

Doanh nghiệp nên chọn cách lấy lòng tin của người tiêu dùng nông thôn bằng sự trung thực, chứng nhận chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Quảng bá sản phẩm thông qua sự tin dùng của khách hàng sẵn có cũng là cơ hội đáng chú ý vì 95% người tiêu dùng tìm kiếm các mặt hàng được nhiều người tin tưởng, đây là một trong 3 yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng.

Chợ truyền thống là kênh bán lẻ được ghé thăm nhiều nhất ở nông thôn với 16 lần mua sắm tại đây mỗi tháng, sau đó là chợ phiên (14 lần mỗi tháng) và hàng rong (9 lần mỗi tháng). Người tiêu dùng nông thôn ghé các cửa hàng tạp hóa trung bình 6 - 9 lần mua sắm mỗi tháng.

Người tiêu dùng ở nông thôn hiện nay đang háo hức với các sản phẩm mới. Có đến 77% số người được khảo sát cho biết rất muốn dùng thử những sản phẩm mới và 95% đánh giá cao sự đa dạng của sản phẩm.

Tuy nhiên, đối với siêu thị thì tỷ lệ rất thấp (chỉ 1 lần mỗi 2 tháng). Chợ truyền thống chiếm tỷ trọng cao trong tiêu dùng tại nông thôn. Trung bình hằng tháng một người tiêu dùng chi khoảng 655.200 đồng tại các kênh thương mại truyền thống và chỉ 175.000 đồng cho các cửa hàng thương mại hiện đại.

Người mua hàng chủ yếu quan tâm tới các sản phẩm như chăm sóc gia đình và cá nhân, thức uống, gia vị và sản phẩm từ sữa ở các cửa hàng thương mại hiện đại, còn thực phẩm tươi sống, gia vị thông thường và các vật dụng gia đình thì chủ yếu được mua tại kênh thương mại truyền thống.

Một điều đáng lưu ý đối với doanh nghiệp là người tiêu dùng ở nông thôn hiện nay đang háo hức với các sản phẩm mới. Có đến 77% số người được khảo sát cho biết rất muốn dùng thử những sản phẩm mới và 95% đánh giá cao sự đa dạng của sản phẩm.

Nhưng trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang vô cùng đa dạng như hiện nay thì việc đảm bảo sản phẩm luôn có sẵn và đến được tay người tiêu dùng mới là yếu tố giúp doanh nghiệp thành công.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn