Ép bản quyền: ép cả tiền lẫn tiếng
Sau khi cả Coca-Cola lẫn Samsung đăng đàn trên hãng thông tấn Mỹ AP tẩy chay Zing vì vi phạm bản quyền âm nhạc trực tuyến, một chương trình khuyến mãi do Coca-Cola kết hợp với Zing, Samsung và Vinaphone tổ chức trước đó vẫn đang chạy tại cổng coco-cola.zing.vn. Chỉ cái tên này đã phản ánh mối quan hệ chặt chẽ trong kinh doanh tiếp thị lâu nay giữa Zing với Coca-Cola hay Samsung.
Tổn thất thương hiệu
Không những thế, nhiều chương trình khác cũng có sự hợp tác này như coladaunam.zing.vn, Giọng hát Việt, Samsung Photo Challenge… Sự kiện điển hình của mối quan hệ này là đại nhạc hội Sound Fest 2012 do Coca-Cola và Samsung tổ chức, phối hợp với Zing quảng bá cho dòng điện thoại Galaxy Y, thành công về truyền thông khá rõ. Điều này cho thấy cộng đồng của Zing là điểm truyền thông quan trọng của các nhà tiếp thị.
Cho đến nay, trong các nhà cung cấp điện thoại tại Việt Nam, Samsung có quan hệ đối tác nội dung rộng rãi nhất. Năm 2010, khi Samsung khởi xướng chương trình phát triển ứng dụng, tập đoàn VNG (đơn vị sở hữu Zing) đã trở thành một trong chín đối tác đầu tiên của Samsung. VNG cũng ra thương hiệu ZingPhone trên điện thoại Galaxy Y của Samsung để thúc đẩy các ứng dụng đến người dùng. Dường như ít có mối quan hệ nào gắn bó hơn quan hệ hai công ty này tại Việt Nam. Chuyện giữa đường gãy gánh đang tạo sức ép lên VNG không chỉ ở quyền lợi kinh doanh mà lớn hơn là tổn thương về thương hiệu. Trong khi nếu rút quảng cáo, Coca-Cola và Samsung vẫn có thể hưởng lợi, có thể có nhiều chọn lựa khác, thậm chí biến nó thành một cuộc “PR” thương hiệu đẳng cấp cho riêng mình.
“Đây là một tiếng nói cảnh tỉnh với nạn vi phạm bản quyền của các website hiện nay tại Việt Nam. Sự cảnh tỉnh này, dù muộn màng, vì các web đã phá tan hoang nền âm nhạc với hàng triệu bài hát không bản quyền đã lan truyền khắp nơi, vẫn còn hơn không. Tuy nhiên theo tôi, câu hỏi lớn đặt ra là, vì sao các đơn vị vi phạm bản quyền như thế vẫn tồn tại quá lâu tại Việt Nam? Không trả lời được câu hỏi này thì cho dù vài tập đoàn lớn ngưng hợp tác với họ cũng không có ý nghĩa gì hết”.
Nhạc sĩ Quốc Trung
Trả lời phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, cả đại diện Samsung và Coca-Cola tại Việt Nam đều xác nhận đã kiểm soát và rút tất cả các quảng cáo trên Zing, và sắp tới sẽ không có bất kỳ chương trình hợp tác truyền thông hay quảng cáo nào với nhà cung cấp này. Tuy nhiên những chương trình hợp tác liên quan đến người dùng đã thực hiện trước đó vẫn cần thời gian xử lý. Theo bà Nguyễn Hương Mai, đại diện truyền thông Samsung Việt Nam, các liên kết ứng dụng trên điện thoại ZingPhone – Galaxy Y thì Samsung cần có thời gian xử lý. Còn theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, giám đốc truyền thông Coca-Cola Việt Nam, vì chương trình khuyến mãi đã tung ra trước đây, nên các thông tin trên báo, bao bì, poster, các hoạt động liên quan và cổng coco-cola.zing.vn vẫn đang giữ nguyên phục vụ người dùng và chờ xử lý kỹ thuật để dời sang nền tảng khác.
Bà Mai nhận xét, Zing là kênh truyền thông phù hợp Samsung nhắm đến tiếp cận cộng đồng trẻ, trong khi theo ông Mỹ, Zing là kênh tương tác tốt với người tiêu dùng. “Coca-Cola đã chọn Zing dựa trên cơ sở đây là web hợp pháp và có những nguyên tắc về sở hữu trí tuệ, nhưng nay chúng tôi quyết định rút khỏi trang web này sau khi quan sát, lắng nghe các bên liên quan và dựa trên nguyên tắc ứng xử kinh doanh của Coca-Cola”.
Cảnh tỉnh các web vi phạm bản quyền khác
Chưa biết “nồi cơm” của Zing sẽ ra sao sau sự kiện này nhưng sức ép về thương hiệu quả là lớn. Thống kê mới nhất của Google AD Planner, do MV Corp tổng hợp cho biết, Zing đang chiếm thị phần nhạc số lớn nhất tại Việt Nam với 44% (các vị trí tiếp sau đó là Nhaccuatui, Nhac.vui.vn, Nhacso.net, Nghenhac.info, Soha). Ở thị phần nhạc mobile Việt Nam 2012, Zing cũng chiếm phần lớn nhất với 34%. Rõ ràng là, dưới danh nghĩa liên minh Sở hữu trí tuệ thế giới (IIPA), các công ty liên kết không chỉ “ép” Zing – đơn vị chiếm thị phần lớn nhất mà còn gửi lời cảnh báo đến các đối tác khác lẫn lên tiếng về tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam (nước đang có hơn 150 web vi phạm bản quyền nhạc số).
Tuy nhiên, ở góc độ thị trường người nghe và giới giải trí hiện nay, câu chuyện bản quyền vẫn là một vấn đề phức tạp. Thói quen mua nhạc trên mạng của người Việt chưa được hình thành, và trong khi có những nghệ sĩ mạnh miệng ủng hộ sân chơi tác quyền (như Lệ Quyên, Hà Anh Tuấn, nhạc sĩ Quốc Trung…), còn rất nhiều ca sĩ sẵn sàng biếu không sản phẩm, thậm chí trả tiền ngược lại cho các website âm nhạc để sản phẩm của họ được quảng bá ồ ạt, tồn tại càng lâu trên trang chủ càng tốt.
Thêm vào đó, sự rạn nứt của bộ ba đối tác này sẽ còn nhiều điều để phân tích, khi ngày 1.11 tới, các đơn vị âm nhạc trực tuyến như Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn, Socbay.com. Nghenhac.info, Go.vn sẽ đồng loạt thu phí bản quyền nhạc trên mạng với mức phí 1.000 đồng/lần tải nhạc.