4000 tỷ tiền mặt trong tay, Kinh Đô sẽ mua một công ty dầu ăn?
Lượng tiền mặt của Kinh Đô hiện lên đến trên 4.000 tỷ đồng, con số đủ để thực hiện những thương vụ M&A tầm cỡ như định hướng của công ty.
Sau nửa năm tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, tuần qua, CTCP Kinh Đô đã công bố danh sách 5 nhà đầu tư chiến lược tham gia mua 40 triệu cổ phần của công ty. Mặc dù Kinh Đô định hướng thời gian tới sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm nhưng điều thú vị là cả 5 nhà đầu tư chiến lược này đều là những doanh nghiệp bất động sản nội địa.
Với 1.700 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán này, lượng tiền mặt của Kinh Đô hiện lên đến trên 4.000 tỷ đồng, con số đủ để thực hiện những thương vụ M&A tầm cỡ như định hướng của công ty.
Nếu chỉ dựa vào ngành bánh kẹo như hiện tại, kết quả kinh doanh của Kinh Đô khó có thể bứt phá trong dài hạn. Đầu năm 2013, lãnh đạo Kinh Đô đã tuyên bố tại Đại hội cổ đông là sẽ tham gia lĩnh vực mỳ gói, dầu ăn và sữa, coi đây là giải pháp quan trọng để công ty tăng trưởng trên 20%/năm.
Theo công ty chứng khoán HSC, với số tiền hiện có, Kinh Đô có ý định mua cổ phần lớn tại một công ty dầu ăn và sau đó mở rộng sang sản phẩm mỳ ăn liền & nước chấm thông qua hợp tác với một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Thị trường dầu ăn không có quá nhiều lựa chọn để thực hiện M&A. Hai doanh nghiệp chính đang chiếm phần lớn thị phần là Cái Lân và Tường An. Những doanh nghiệp nhỏ hơn có Tân Bình (Nakydaco), Golden Hope Nhà Bè, Vinacommodites – Quang Minh…
Sắp tới, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật – Vocarimex sẽ được cổ phần hóa. Vocarimex có vai trò rất lớn đối với thị trường dầu ăn khi kiểm soát 2 công ty Tường An – Tân Bình đồng thời có vốn góp trong 2 liên doanh Cái Lân – Golden Hope Nhà Bè.
Đối với lĩnh vực mỳ ăn liền, từng có thông tin Kinh Đô sẽ tung ra sản phẩm vào tháng 9/2013 nhưng đến nay vẫn “lặn tăm”. Theo HSC, mặc dù Kinh Đô có thể không cần đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp mỳ ăn liền thì khoản đầu tư ban đầu nhằm nâng cao nhận diện thương hiệu và phát triển sản phẩm cũng sẽ là không nhỏ.
Thị trường mì ăn liền Việt Nam khá tiềm năng và đang có sự cạnh tranh gay gắt giành thị phần. Nhiều khả năng Kinh Đô sẽ không hợp tác với 3 doanh nghiệp đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần là Acecook – Masan – Asia Food (Gấu Đỏ); thay vào đó là một trong những doanh nghiệp cỡ trung “đang nổi” như Việt Hưng (Reeva), Micoem, Vifon…