Khúc mắc định giá thương hiệu

Khúc mắc định giá thương hiệuKinh Đô đã khấu trừ giá trị thương hiệu Kinh Đô lũy kế là hơn 24 tỉ đồng đã làm không ít cổ đông công ty này đặt câu hỏi, có nên chấp nhận chi phí này? Bởi việc góp vốn bằng thương hiệu được coi tương đương tiền thật này chưa được pháp luật quy định, nhưng nhiều công ty vẫn ghi nhận.

Công ty kiểm toán Ernst & Young đã lưu ý trong báo cáo soát xét giữa niên độ của công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) rằng, công ty này đã định giá 50 tỉ đồng thương hiệu Kinh Đô trong tổng tài sản của công ty. Đây được coi là số tiền mà công ty TNHH xây dựng và chế biến thực phẩm Kinh Đô góp vốn vào công ty, được hạch toán như giá trị tài sản vô hình vào vốn chủ sở hữu.

Đủ kiểu… định giá thương hiệu

KDC đã tính toán rằng sẽ khấu trừ thương hiệu Kinh Đô trong 20 năm. Sáu tháng đầu năm nay, số khấu trừ tính vào chi phí là 1,25 tỉ đồng, giá trị khấu trừ luỹ kế là hơn 24 tỉ đồng, “ăn” vào khoản lợi nhuận thuần sau thuế số tiền tương đương. Đồng thời, việc ghi nhận tài sản thương hiệu này cũng làm tăng giá trị tổng tài sản và vốn chủ sở hữu với số tiền lần lượt là hơn 25,83 tỉ đồng và 50 tỉ đồng. Công ty kiểm toán đã lưu ý điều này vài năm nay.

Nhiều năm nay, các tập đoàn, tổng công ty như Vinaconex, Sông Đà, Vinashin... đã sử dụng nhãn hiệu để góp vốn liên doanh liên kết, coi như tương đương với tiền thật. Việc định giá cùng một nhãn hiệu cũng không dựa vào tiêu chuẩn nào mà tuỳ nơi quyết định. Trước đây, nếu việc góp vốn bằng nhãn hiệu Vinaconex thường được áp tỷ lệ góp là 5% vốn điều lệ, thì không ít công ty đã chịu chấp nhận tới 30% vốn điều lệ để được gắn “mác” Vinashin. Hoặc ở các công ty con của tập đoàn Sông Đà, như trong khi công ty cổ phần Sông Đà 9.09 (S99) đã ghi nhận khoản vốn góp bằng thương hiệu Sông Đà là 250 triệu đồng, khấu hao luỹ kế đến hết năm 2007 là 28 triệu đồng, thì tại công ty cổ phần Sông Đà 10 (SDT) định giá thương hiệu công nghiệp xây dựng này là 4,93 tỉ đồng, khấu hao luỹ kế đến năm 2007 là hơn 1,2 tỉ đồng.

Khúc mắc định giá thương hiệu

Khi nhận chuyển giao công ty thuộc Vinashin, doanh nghiệp tiếp nhận không thích công nhận vốn góp bằng thương hiệu Vinashin.

Từ năm 2009, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quy định chi phí sử dụng nhãn hiệu của tập đoàn ít nhất 1 tỉ đồng mỗi năm, và đã có khoảng 70 công ty đã ký hợp đồng nhận “vốn góp” như vậy. Chẳng hạn, báo cáo sáu tháng đầu năm của công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVCR) cho thấy công ty phải trả trước dài hạn 846 triệu đồng chi phí sử dụng thương hiệu và hình ảnh PVN. Tính đến cuối năm 2011, chi phí phải trả cho việc sử dụng này là gần 1,5 tỉ đồng. Dù vậy, PVCR chưa phân bổ chi phí và đã xin PVN miễn giảm phí này, nhưng đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính sáu tháng, PVN vẫn chưa có quyết định.

Rắc rối vốn góp

Việc gắn “mác” những tên tuổi có sức ảnh hưởng trên thị trường, theo các chuyên gia, là như một sự “bảo lãnh” cho các công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp và có mối quan hệ để nhận được những đơn hàng từ những tên tuổi này.

Tuy nhiên, theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và công văn số 21414 do bộ Tài chính ban hành năm 2005, thương hiệu được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp thì không được ghi nhận là tài sản cố định vô hình vì ba lý do. Thứ nhất loại thương hiệu này không phải là nguồn lực có thể xác định được; thứ hai, loại thương hiệu này không được đánh giá một cách đáng tin cậy và thứ ba, doanh nghiệp không thể kiểm soát được loại thương hiệu này. Đồng thời, hiện nay cơ chế tài chính của Nhà nước chưa quy định về giá trị quyền sử dụng thương hiệu. Thông tư số 203 ngày 20.10.2009 của bộ Tài chính ban hành chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định cũng chưa quy định thương hiệu là tài sản cố định vô hình nên cũng chưa có cơ sở hạch toán. Vì vậy, trong khi Nhà nước chưa hướng dẫn cơ chế tài chính, các công ty không được phép sử dụng thương hiệu để góp vốn.

Cũng vì chưa có hướng dẫn, nên có nơi chấp nhận, có nơi từ chối dù vẫn là một thương hiệu. Cuối năm ngoái, trong khi nhận chuyển giao công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Bình Định thuộc tập đoàn Vinashin, Vinalines chỉ chịu nhận số vốn thực góp bằng tiền của Vinashin là hơn 108,8 triệu đồng (2,18% vốn điều lệ), và không công nhận phần vốn góp bằng thương hiệu Vinashin (tương đương 30% vốn điều lệ) không bằng tiền thật.

Theo một chuyên gia tài chính, việc góp vốn quy đổi bằng tiền nhưng lại không phải là tiền thật này gây rắc rối cho việc hạch toán kế toán, cũng như gây ra nhiều vướng mắc nếu doanh nghiệp góp vốn muốn rút vốn hay doanh nghiệp nhận vốn góp không muốn tiếp tục hợp tác. Đó là chưa kể việc định giá thương hiệu thấp hay cao đã lấy đi lợi nhuận của cổ đông, cũng như quyền sở hữu thương hiệu không nằm trong tay những doanh nghiệp này, nhưng họ vẫn phải bỏ chi phí quảng bá nó hàng ngày, chẳng hạn trường hợp của Kinh Đô, trong khi công ty mẹ “vừa được tiếng lại vừa có miếng”.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị