“Hàng hiệu” Việt có còn xa ?
Việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc không phải là mới, ở nhiều nước trên thế giới phong trào này đã được phát động thành các chiến dịch. Nhiều báo cáo nghiên cứu về hàng hóa Trung Quốc đã chỉ ra mức độ độc hại và kém chất lượng khiến người mua phải rùng mình.
Không còn là hiện tượng mới
Tại Mỹ để chống hàng Trung Quốc kém chất lượng, Mỹ đã phát động cuộc tẩy chay Hàng made in China. Đặc biệt, sau hàng loạt những bê bối như sữa nhiễm độc, đồ chơi trẻ em chứa chất gây ung thư, “giầy độc”, hoa quả, thực phẩm chứa quá nhiều chất bảo quản,… liên tiếp được phát hiện từ hàng Trung Quốc, chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc của Mỹ đã lan sang các nước Châu Âu…
Tâm lý tẩy chay hàng “made in China” kém chất lượng đang là cơ hội tốt cho hàng hóa Việt
Nằm trong chiến dịch này, ngày 16/3 vừa qua, đồng loạt trên toàn nước Mỹ xuất hiện các lời kêu gọi: “Không nên mua bất cứ thứ gì của China”, “ Không nên cho họ làm giàu bằng sự thờ ơ của chúng ta, mà còn sử dụng những hàng giả, độc hại, và kém phẩm chất lượng”, “Hãy tham gia hoạt động triệt để tẩy chay hàng made in China trên toàn nước Mỹ”, “Hãy tập thói quen không xài sản phẩm Made in China”… Thậm chí, một bản tin đặc biệt trên ABC News còn đưa ra hàng loạt đồ vật làm tại Mỹ có thể thay thế hàng Trung Quốc, sau đó giới thiệu người dân có thể mua chúng ở đâu với giá cả như thế nào. Năm 2011, người dân Mỹ cũng đã từng tổ chức tháng tẩy chay hàng Trung Quốc kéo dài từ 1/8 - 1/9. Tiếp sau, Canada, Úc và châu Âu, cũng như nhiều nước châu Á khác cũng học cách từ bỏ thói quen dùng hàng Trung Quốc.
Nhờ bóng thương hiệu ngoại
Quay trở lại với thói quen tiêu dùng của người Việt trong thời gian gần đây, chúng ta đang dần sử dụng quyền năng thực sự của mình khi tiếp cận với sản phẩm trên thị trường. Trước sự lựa chọn “lại” của người tiêu dùng, các DN nội hoàn toàn có thời cơ vàng để khai thác thị trường.
Thực tế, đã có rất nhiều sản phẩm Việt chiếm ưu thế trên thị trường và vươn xa cộng đồng quốc tế. Đơn cử, chúng ta không khó để tìm thấy một sản phẩm “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) ở bất kỳ đâu tại Mỹ. Từ thực phẩm, nông sản, hàng may mặc bình dân... trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Los Angeles, Las Vegas... cho tới các nhãn hiệu thời trang cao cấp bán ở những đại lộ danh tiếng như đại lộ số 7 – đại lộ thời trang – ở New York.
Tuy nhiên, so với hàng hoá sản xuất tại Mỹ, các mặt hàng tương tự, thậm chí cùng một thương hiệu nhập khẩu vào Mỹ, giá hàng “Made in Vietnam” luôn thấp hơn từ 1/5 đến thậm chí 1/2 lần. Ví dụ, áo nỉ trùm đầu sản xuất tại Mỹ của Lands End giá 59 USD so cùng loại “Made in Vietnam” 25 USD. Nhãn hiệu Abercrombie & Fitch nổi tiếng với các sản phẩm áo thun, áo len… sản xuất tại VN cũng luôn có giá dưới 1/2 so với sản xuất tại Mỹ.
Điều này có lẽ cũng dễ hiểu, bởi thực tế đến nay, hàng hóa Việt chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao và cũng ít thương hiệu Việt được khẳng định trên thị trường thế giới. Đơn cử như: hàng dệt may của VN, dù được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và được bày bán trong nhiều cửa hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng vẫn dưới cái tên của thương hiệu thời trang nước ngoài và phần giá trị gia tăng thu về chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Còn một số DN Việt đã đầu tư thương hiệu cao cấp cho riêng mình như May 10, An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè... nhưng sức lan tỏa của sản phẩm chưa đủ để lấp đầy mong muốn được sử dụng “hàng hiệu” Việt thực sự của người dân Việt.
Tạo dựng “vị thế”
Vậy làm sao để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài “làm ăn” mà “có ăn” luôn như các hàng hiệu thế giới?
Việc xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm mua sắm hiện đại với sự hiện diện của sản phẩm nổi tiếng toàn cầu như Louis Vuitton, Boss, Pierre Cardin, Valentino… đã tạo áp lực để các nhà sản xuất trong nước phải tìm cách "len" vào phân khúc hàng dùng cao cấp. Dẫu chưa thể “sánh vai”, nhưng các thương hiệu Sanciaro, Manhattan, Pierre Cardin, Gusto cũng đã tạo được chỗ đứng trên thị trường và đạt được thành công nhất định góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt.
An Phước là một trong những cái tên tiên phong với nhiều mặt hàng như vest nam nữ, sơmi nam nữ, giày tây.... Một trong những sản phẩm nổi tiếng của An Phước được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn là nhãn hàng Pierre Cardin - sản xuất theo hình thức nhượng quyền. Giá sản phẩm, dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/ sản phẩm nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận bởi mẫu mã và chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu.
May Việt Tiến cũng đã cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, chẳng hạn sơ mi nam Mattana, Sanciaro... cũng với giá lên tiền triệu/ sản phẩm.
“Hàng hiệu” không chỉ thuần túy là quảng bá rùm beng hay giá thật cao, bán thật đắt mà đòi hỏi có một chiến lược rõ ràng.
Còn nhớ, đầu năm 2008, nhà sản xuất Biti’s đã gây ngạc nhiên khi đưa ra thị trường nhiều sản phẩm da cao cấp với thương hiệu goSto. Nhiều sản phẩm, như túi xách goSto có giá trị rất cao lên tới 8 triệu đồng,... Theo nhận định của nhiều người chất lượng và mẫu mã không thua sản phẩm cùng loại của các thương hiệu ngoại nhập nổi tiếng. Nhãn hiệu thời trang cao cấp gồm giày dép, ví này được khá đông người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn. Điểm đặc biệt là hầu hết những sản phẩm này đều tự tin ghi rõ nơi xuất xứ: Made in Vietnam.
Với dân số gần 90 triệu người, và là một nước có dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng cũng đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây, việc các DN đầu tư thiết bị, công nghệ và nhân lực để đưa ra thị trường các sản phẩm cao cấp thể hiện tư duy nhạy bén. Tuy nhiên để tạo dựng được vị thế vững chắc cho “hàng hiệu” VN trên thị trường vẫn là bài toán khó. Cần có thời gian kiểm chứng và sự đầu tư nhiều hơn nữa của các DN. Bởi “hàng hiệu” không chỉ thuần túy là quảng bá rùm beng hay giá thật cao, bán thật đắt mà đòi hỏi có một chiến lược rõ ràng, vừa tránh đối đầu trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài vừa đưa ra được các sản phẩm chất lượng cao giá hợp lý và phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt.
Dẫu các thương hiệu “tiên phong” nói trên có vẻ như đang bớt dần độ “nóng”, song đây cũng là một hướng đi cần được khuyến khích nhằm nâng cao giá trị cho hàng Việt không chỉ ở trong nước mà còn hướng tới chinh phục thị trường thế giới. Và hy vọng, con đường của “hàng hiệu” Việt không còn quá xa...