Dính "tình tay tư", Bibica có thoát thâu tóm?

Số phận của Bibica - "ông lớn" ngành bánh kẹo Việt Nam - càng trở lên khó định đoạt khi doanh nghiệp này dính "tình tay tư" thay vì tay ba như trước đây.

Gương mặt thứ tư

“Tình tay ba” giữa Lotte, SSI và Bibica đã được phân tích rất nhiều. Trong đó, đa số các chuyên gia đều nhận định Bibica “dại” khi tự làm khó mình.

Đầu tiên, vì muốn phát triển lên một tầm cao mới, Bibica “kết duyên” cùng ông lớn Hàn Quốc Lotte Confectionery Co.Ltd (Lotte). Vào năm 2007, Lotte trở thành cổ đông lớn và tham gia hoạt động điều hành Bibica với tỷ lệ nắm giữ hơn 30%. Lotte bày tỏ “tình yêu” của mình với Bibica khi sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cổ phần Bibica. Tại thời điểm giá trên sàn của Bibica là 70.000 - 80.000 đồng/CP, Lotte đã mua với giá 110.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, Lotte liên tục nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu BBC của Lotte. Theo báo cáo quản trị 2013 của Bibica, hiện Lotte đang sở hữu 6.718 (tỷ lệ 43,56%).

Khi Bibica nhận ra ý đồ thâu tóm của Lotte thì sự việc đã đi quá xa khỏi tầm kiểm soát của Bibica. Vì vậy, Bibica đã tìm một “đối trọng” trong nước với hy vọng “đối trọng” này sẽ giúp Bibica thoát khỏi ý định thâu tóm mà Lotte đã lập kế hoạch. Và công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn SSI là gương mặt được lựa chọn. SSI là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam. SSI nổi tiếng với “thuyền trưởng” Nguyễn Duy Hưng, một cái tên rất có uy tín trong làng chứng khoán. Hai bên hợp tác thông qua công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM). Thời gian đầu, SSI chiếm trên 35% cổ phần tại Bibica.

Dính tình tay tư, Bibica có thoát thâu tóm?

Bibica vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người Việt và người Việt cũng nảy sinh vấn đề. Tại đại hội cổ đông dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm nay, SSI đã bất ngờ vắng mặt khiến đại hội phải hoãn. Vì thế, người ta càng có lý do nghi ngờ SSI có thể “bán lúa non” để nhận “tiền tươi thóc thật”. Nỗi lo này không được vơi đi dù phía SSI "cam kết sẽ đồng hành lâu dài" cùng với Bibica và các cổ đông lớn khác. Kể từ đó, SSI chưa có bất cứ động thái nào “hợp tác” với Lotte. Thương vụ thâu tóm này tạm thời lắng xuống.

Tuy nhiên, tới tháng 8/2013, số phận của Bibica lại được nhắc đến nhiều hơn khi gương mặt thứ 4 khẳng định vị thế của mình trong “cuộc tình tay ba” đầy rắc rối này. Đó là công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời.

“Tình tay ba” trở thành “Tình tay tư”. Nhưng về thực chất, đây vẫn chỉ được xem là “Tình tay ba” vì Đường Mặt trời có liên quan khá mật thiết tới SSI. Về góc độ kinh doanh, SSI đang đầu tư gần 15 tỷ vào Đường Mặt Trời. Còn dưới góc độ cá nhân, Chủ tịch HĐQT Đường Mặt Trời, ông Nguyễn Hồng Nam là em ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI.

Trước khi gây sự chú ý bằng cách mua vào 141.220 cổ phiếu BBC, Đường Mặt Trời đã sở hữu 1.105.220 cổ phiếu BBC, tương đương 7,17%. Tuy nhiên, thời gian đầu, Đường Mặt Trời không được nhắc đến nhiều vì lép vế so với 2 cổ đông lớn nhất là SSI và Lotte.

Đường Mặt Trời “hâm nóng” cuộc đua

Sau khi gây chú ý từ tháng 8/2013, Đường Mặt Trời chính thức “hâm nóng” cuộc đua trở thành ông chủ đích thực của Bibica khi liên tục nâng tỷ lệ sở hữu. Kể từ tháng 8/2013 đến ngày 6/5/2014, sau gần 10 lần mua vào liên tiếp, Đường Mặt trời đã sở hữu 20% vốn Bibica, tương đương 3.084.650 cổ phiếu.

Dính tình tay tư, Bibica có thoát thâu tóm?

Một số ý kiến cho rằng, Bibica đã gặp sai lầm khi chọn đối tác chiến lược.

Đường Mặt Trời vượt qua SSI để trở thành cổ đông lớn thứ 2, chỉ sau Lotte. Hiện SSI là cổ đông lớn thứ 3 khi nắm giữ 3.081.020 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 19,98%. SSI không hề có thêm giao dịch nào từ tháng 1/2013. Như vậy, chỉ Lotte mới tham gia “cuộc đua” tăng tỷ lệ sở hữu tại Bibica. Tuy nhiên, tốc độ “gom hàng” của Lotte khiêm tốn hơn rất nhiều so với Đường Mặt Trời. Số lần mua BBC của Lotte ít hơn và số lượng cổ phiếu được mua vào cũng khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, hiện tại, Lotte vẫn là cổ đông lớn nhất của Bibica khi có tỷ lệ nắm giữ là 43,56%.

Rất khó lý giải tại sao Lotte lại “nhường” cho đối thủ không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại Bibica. Có người cho rằng 2013 là năm Lotte phải dành số vốn khổng lồ để hoàn thiện tòa nhà Lotte Center Ha Noi tại “mảnh đất vàng” Đào Tấn - Liễu Giai (Ba Đình). Năm 2014, Lotte gây chú ý khi bỏ cả “núi tiền” thâu tóm tòa nhà Mipec Tower ( Ba Đình, Hà Nội).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác khẳng định hai hoạt động lớn này không đủ sức “làm khó” Lotte, đơn vị rất mạnh về tài chính. Vì vậy, việc Lotte không đẩy mạnh gom hàng dù “room” vẫn còn nhiều khiến không ít người phải đặt ra câu hỏi.

Hiện tại, thế của SSI và Lotte khá cân bằng tại Bibica. Cộng cả sở hữu của Đường Mặt Trời, SSI đang có gần 40%. Trong khi Lotte nhỉnh hơn một chút với 43,56%. Dù có tỷ lệ cao hơn nhưng Lotte cũng khó vượt mặt được SSI trong việc đưa ra các quyết sách cho Bibica. Tuy nhiên, Lotte vẫn có lợi thế hơn chút ít khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Bibica là người của Lotte.

Ai định đoạt số phận Bibica?

Lotte đang là cổ đông lớn nhất của Bibica nhưng người định đoạt số phận Bibica lại là SSI.

Lotte đang là cổ đông lớn nhất của Bibica nhưng người định đoạt số phận Bibica lại là SSI. Từ lâu, trên thị trường xuất hiện những giả định cho rằng SSI là nhà đầu tư tài chính nên chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Nếu được giá, SSI có thể sẽ sẵn sàng bán lượng cổ phần nắm giữ cho chính Lotte khiến Bibica phải “mang quốc tịch” Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trong đại hội cổ đông thường niên của SSI diễn ra vào ngày 25/4/2014, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI khẳng định ông không bao giờ ủng hộ một phương án nào để biến Bibica thành Lotte Việt Nam. Còn nếu SSI bán cổ phần cho một đối tác nào đó thì phải kèm theo một cam kết là không biến BBC thành một thương hiệu nước ngoài. Có nghĩa ông Hưng vẫn bỏ ngỏ khả năng SSI bán cổ phần BBC cho một đối tác khác. Nếu khả năng đó xảy ra, đây cũng chỉ là chuyện rất bình thường trong đầu tư.

Tháng 3 năm nay, thị trường cũng chứng kiến SSI thoái bớt vốn tại công ty cổ phần Hùng Vương. SSI giảm tỷ lệ sở hữu và không còn là cổ đông lớn của Hùng Vương. Vì vậy, không ai dám chắc điều này không lặp lại tại Bibica. Và không loại trừ khả năng, đối tác mới của SSI có thể tìm cách lách cam kết “không biến BBC thành một thương hiệu nước ngoài” mà SSI đặt ra.

Nguồn Zing News