Bia Sài Gòn hướng tới phân khúc thị trường cao cấp
Thị trường chủ yếu vẫn thuộc về 4 hãng bia sừng sỏ là Bia Sài Gòn (BSG), Bia Hà Nội, Cty TNHH Nhà máy bia VN (VBL) và Carlsberg.
Năm 2014 dù đánh giá là năm nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, sự cạnh tranh giữa các hãng bia trong nước với nhau và với các thương hiệu ngoại đã xuất hiện tại VN khiến thị trường bia, rượu, nước giải khát cạnh tranh khốc liệt, song TCty CP Bia- Rượu – NGK Sài Gòn (Bia Sài Gòn) vẫn đặt mục tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ cao nhất với gần 1,4 tỉ lít các loại, trong đó bia Sài Gòn khoảng 1,37 tỉ lít. Không chỉ tăng số lượng, Bia Sài Gòn còn cơ cấu lại sản phẩm, thay đổi phương thức quản trị DN, nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu để phát triển bền vững.
Dẫn đầu thị trường
TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - NGK VN (VBA) cho biết: Hiện thị trường VN đã đủ mặt anh tài là các hãng bia tên tuổi đến từ các quốc gia trên thế giới, cạnh tranh quyết liệt ở các phân khúc thị trường, đặc biệt là thị trường bia cao cấp. Tuy nhiên, ngoại trừ thời điểm Tết Nguyên đán thì nhìn chung sức tiêu thụ bia của toàn ngành trong 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ, với tổng sản lượng bia các loại đạt khoảng 873,5 triệu lít.
Thị trường chủ yếu vẫn thuộc về 4 hãng bia sừng sỏ là Bia Sài Gòn (BSG), Bia Hà Nội, Cty TNHH Nhà máy bia VN (VBL) và Carberg. Trong đó dẫn đầu thị trường và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh là Bia Sài Gòn với thị phần khá ổn định 40%. Tiếp đến là Bia Hà Nội khoảng 20%, Bia VBL 15%, Carberg khoảng 10%, các đối thủ khác chia nhau thị phần còn lại. Nhờ không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả mà nhiều năm qua BSG đã không ngừng phát triển, trở thành hãng bia đại chúng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Từ một nhà máy bia ban đầu, đến nay, BSG đã có một hệ thống các nhà máy bia trải dài khắp nước, với 2 nhà máy trung tâm, 10 nhà máy vệ tinh, với tổng năng lực sản xuất khoảng 1,7 tỉ lít bia/năm, góp phần giải quyết công ăn việc làm và nộp ngân sách cho nhiều địa phương nơi DN đứng chân.
Dù định vị ở dòng bia bình dân với lợi thế ăn sâu vào tiềm thức của người dân về khẩu vị BSG, song những năm gần đây BSG đã có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh. Thay vì vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thị trường dòng bia phổ thông, BSG sẽ đồng thời quốc tế hóa thương hiệu, tung ra thị trường các sản phẩm bia cao cấp, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu và gu ẩm thực của người Việt.
Hai trong số các sản phẩm bia mới đã “trình làng” ra thị trường và nhận được phản hồi tốt là bia lon Sài Gòn Special và Sài Gòn Lager với gam màu xanh lá cây, hướng tới phân khúc người tiêu dùng trẻ, năng động. Điều này cho thấy, BSG đã kịp thời nhận ra “lỗ hổng” trong phân khúc thị trường cao cấp, điều mà các đối thủ cạnh tranh với các thương hiệu mạnh như Heineken, Tiger, Sapporo... đã nhắm đến ngay từ khi đặt chân vào VN.
Không chịu dừng lại
Trong môi trường cạnh tranh, nếu không vận động thì các đối thủ sẽ tăng tốc và đứng im là thụt lùi. Ý thức được điều này, BSG luôn không ngừng vận động với chiến lược hướng đến người tiêu dùng. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đồ uống VN sẽ có những thay đổi đáng kể trong thời gian tới, khi VN hội nhập sâu vào sân chơi toàn cầu. TS Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Bia Sài Gòn nhận định: “Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi VN ký Hiệp định TPP, khi đó, việc giảm thuế nhập khẩu đối với bia từ 45% hiện nay và đối với NGK có gas đang từ 30% xuống ngay lập tức 0% sẽ đặt ngành bia, NGK trong nước trước cuộc cạnh tranh không cân sức”.
Tuy nhiên, không phải đến bây giờ, mà từ nhiều năm nay, với việc triển khai tuyên bố về “Tầm nhìn, Sứ mạng, An toàn Vệ sinh thực phẩm và Bảo vệ môi trường”, BSG đã xây dựng được thương hiệu là một DN có trách nhiệm trong kinh doanh, có trách nhiệm xã hội vì cộng đồng và hướng tới sự phát triển bền vững. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả SXKD, đầu tư chiều sâu để cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng cường máy móc thiết bị kiểm soát tại nơi sản xuất, BSG tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hệ thống bán hàng và chính sách bán hàng, đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, phương tiện vận tải đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, TCty đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cấu trúc DN phù hợp với tình hình SXKD mới, phát huy lợi thế nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Đến năm 2025, Bia Sài Gòn đặt mục tiêu phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp đồ uống hàng đầu quốc gia, có vị thế trong khu vực và quốc tế.