Phải chăng Samsung chỉ lắp ráp tại Việt Nam?
Sự xuất hiện của các tập đoàn lớn trên toàn cầu như Samsung, Nokia, Canon… đang tạo cơ hội để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
“Mọi người nói rằng, Samsung chỉ lắp ráp tại Việt Nam, nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng tôi đang sản xuất cả linh kiện ở Việt Nam và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vệ tinh đến Việt Nam”, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp Samsung (Samsung Complex) đã khẳng định như vậy với báo giới mới đây.
Thực tế, trên diện tích 110 ha của Samsung Complex (Bắc Ninh), Samsung có tới 8 nhà máy tại đây. Trong đó, ngoài 2 nhà máy lắp ráp điện thoại di động, còn có 1 nhà máy sản xuất máy hút bụi, 1 nhà máy sản xuất pin điện thoại và 4 nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện như màn hình LCD, camera, vỏ máy… cho điện thoại di động.
“Đây là một trong những nhà máy hiện đại nhất thế giới của Samsung và được sản xuất hoàn toàn khép kín”, ông Shim nói và cho biết, ngoài việc tự sản xuất linh kiện, mà sau này công suất sẽ tăng cao sau khi nhà máy SAMCO, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, ở Thái Nguyên, đi vào hoạt động, thì Samsung hiện đã thu hút được 60 nhà đầu tư vệ tinh ở Việt Nam.
Trong số này, theo thông tin từ ông Shim, có 45 nhà cung cấp Hàn Quốc, 5 nhà cung cấp của Việt Nam và 10 nhà cung cấp khác. Trong đó, tại Bắc Ninh có 28 nhà cung cấp, Bắc Giang 10 nhà cung cấp, Hưng Yên 9 nhà cung cấp, Hà Nội 7 nhà cung cấp và Vĩnh Phúc có 6 nhà cung cấp.
Nhờ sự có mặt của các nhà cung cấp này và sự chủ động sản xuất linh kiện, năm 2013, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 23,9 tỷ USD, Samsung Bắc Ninh đã đạt giá trị gia tăng trên 7,6 tỷ USD và tỷ lệ nội địa hóa trên 33%.
“Con số này sẽ tăng nhanh trong những năm tới, khi các nhà máy sản xuất linh kiện của Samsung, cũng như các nhà máy vệ tinh sản xuất ổn định”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc SamsungVina nói.
Câu chuyện không chỉ dừng ở Samsung, mà theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc Samsung kéo theo hàng chục nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam đã và đang góp phần hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ, vốn rất thiếu và yếu ở Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, trong một cuộc hội thảo diễn ra tuần trước, ông Duangdej Yuaikwamdee, Phó giám đốc Điều hành Công ty Reed Tradex, một công ty của Thái Lan chuyên tổ chức các triển lãm về công nghiệp phụ trợ cho biết, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhằm tăng xuất khẩu và đón đầu các dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.
“Xuất khẩu các mặt hàng điện tử và linh kiện điện tử của Việt Nam đã tăng gần 68% năm 2012 và tăng 35% trong năm 2013. Xuất khẩu mặt hàng điện thoại và các linh kiện điện thoại còn ngoạn mục hơn, lần lượt tăng 85% và 67% trong 2 năm này. Đó là lý do vì sao, Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu nước ngoài trong các lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin”, ông Duangdej phân tích.
Thực tế cho thấy, sau sự xuất hiện của Intel, hàng loạt nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, điện tử đã có mặt ở Việt Nam, như Samsung, Nokia, LG… Sự đổ bộ của những người khổng lồ này đang biến Việt Nam trở thành một trong những công xưởng lớn của thế giới trong lĩnh vực điện tử. Thậm chí, khi nhà máy Samsung Thái Nguyên hoạt động ổn định, có tới 50% sản lượng điện thoại của Samsung trên toàn cầu sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Hệ thống nhà máy sản xuất linh kiện điện tử đã bắt đầu được hình thành và đang phát triển.
Thông tin từ Ban quản lý Khu công nghiệp Thái Nguyên và Hải Phòng cho biết, thời gian gần đây, số lượng nhà đầu tư trong lĩnh vực linh kiện điện tử tìm đến hai địa phương này ngày một nhiều. Hàng trăm triệu USD đã được các nhà đầu tư vệ tinh của Samsung đổ vào Thái Nguyên. Trong đó, riêng hai nhà máy sản xuất linh kiện của Samsung đã có tổng vốn đầu tư lên tới 1,35 tỷ USD.
Năm ngoái, trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới vào tỉnh Bắc Ninh là 1,474 tỷ USD, ngoài dự án tăng vốn 1 tỷ USD của SEV, thì trong phần còn lại, có đến 94% là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có liên quan đến điện tử. Trong số này, chủ yếu là các dự án vệ tinh cho Samsung.
Khi mạng lưới các nhà cung cấp này hình thành, ngày một hoàn thiện hơn, không chỉ Samsung, mà cả Nokia và LG, cũng như các nhà sản xuất điện thoại di động khác ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Chỉ tiếc một điều, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh các nhà đầu tư vệ tinh nước ngoài, thì các nhà cung ứng Việt Nam vẫn còn quá lép vế. “Điều quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là phải có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài, vì chi phí sản xuất - kinh doanh của họ sẽ rẻ hơn”, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành JETRO TP.HCM phát biểu.
Không chỉ là lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia cũng sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam.
“Phải tạo được sức lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước, thì Việt Nam mới có thể tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Mại nói.