Hàng hiệu phớt lờ suy thoái

Bất chấp kinh tế khó khăn, kinh doanh thời trang hàng hiệu vẫn sống khỏe nhờ một bộ phận người tiêu dùng xài sang.

Tăng trưởng đều

Tháng 3/2014, Công ty Thời trang Luala đã chính thức có mặt tại TP.HCM bằng cửa hàng rộng 300m2 tại 88 Đồng Khởi, Q.1 sau 2 năm tìm hiểu thị trường. Đây là cửa hàng được ông Đỗ Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty Thời trang Luala với một loạt thương hiệu thời trang đến từ Đức, Pháp, Ý như Escada, Dolce&Gabbana, Canili, Elie Saab, Oscar de la Renta, Milano... cùng với Iximbank mua hệ thống cửa hàng Gucci-Milano.

Hàng hiệu phớt lờ suy thoái

Sự kiện này là bàn đạp để Luala, khai thác thị trường tiêu dùng lớn của Việt Nam. Bởi theo ông Minh, thị trường thời trang hàng hiệu dù đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng vẫn đang rất tiềm năng khi người giàu đang tăng lên.

Khảo sát của Boston Consulting Group (BCG - Mỹ) cuối năm 2013, cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu và giàu có cao nhất Đông Nam Á. Theo dự báo, số người giàu của Việt Nam sẽ tăng lên 33 triệu người vào năm 2020, tăng gấp đôi so với hiện nay và gần bằng 2/3 Thái Lan.

Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng từ 1.400 USD lên 3.400 USD/năm. "Có đến 90% người tiêu dùng Việt Nam nghĩ rằng con cháu họ có cuộc sống tốt đẹp hơn trong khi trong khi tỷ lệ này tại các nước nói trên chỉ 70%", BCG nhận định.

Ngoài số người giàu đang tăng nhanh, hiện nay, ngành du lịch phát triển cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013, đã có hơn 7,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy chưa phải là "kinh đô thời trang" nhưng lượng khách tăng cũng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng tăng.

Vì thế, ngoài việc nhắm tới người tiêu dùng nhiều tiền trong nước, các công ty kinh doanh thời trang hàng hiệu cũng đang nhắm đến việc khai thác khách du lịch nước ngoài. Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty IPP, phân khúc khách du lịch nước ngoài chiếm tỷ lệ không nhỏ trong thị trường mua sắm hàng hiệu tại Việt Nam. Và nhờ khai thác tốt phân khúc này nên trong năm 2013, doanh thu của IPP tăng trưởng 10% so với năm trước.

Không chỉ có IPP tăng trưởng ổn định mà các công ty kinh doanh thời trang khác như Bốn Mùa, Mai Sơn... đều tăng trưởng hai con số. Các thương hiệu như Aldo, Charles & Keith, Mango... đều có doanh thu tăng từ 10 - 20% so với năm 2012. Theo ông Minh, hiện nay, lợi nhuận của Luala chủ yếu đến từ việc phân phối các thương hiệu lớn vốn đã rất quen thuộc với khách hàng trong nước như Dolce&Gabbana, Escada, Canali. Các thương hiệu Elie Saab, Oscar de la Renta có giá rất cao nhưng vẫn có một số khách hàng trung thành.

Hàng hiệu phớt lờ suy thoái

Tiếp tục làm mới

Hàng hiệu thời trang được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2014 này. Trong một cuộc khảo sát công bố ngày 6/5 của Công ty Nielsen Việt Nam, cho thấy, có đến 31% số người được hỏi (trong số 30.000 người), cho biết đang dần "thả lỏng" việc chi tiêu sau 2 năm thắt lưng buộc bụng.

Theo họ, tình hình tài chính và khả năng mua sắm sẽ tăng mạnh trong năm nay. Thậm chí, có đến 39% số người trả lởi khảo sát đánh giá năm nay sẽ tốt hoặc rất tốt để mua sắm những thứ mình cần hoặc muốn. Đó là lý do khiến các nhà đầu tư bán lẻ lớn trên thế giới đổ vào Việt Nam.

Mới đây, vào cuối tháng 4, nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan là Central Group đã khai trương trung tâm mua sắm Robbins tại Hà Nội. Trung tâm này quy tụ đến 120 thương hiệu thời trang, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Ralph Lauren, CK, Diesel, Versace, Lacoste, Guess...

Kinh doanh thời trang hàng hiệu tuy nhiều cơ hội nhưng cũng cạnh tranh gay gắt. Để tăng trưởng tốt, nhà kinh doanh không thể phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý tiêu dùng của khách hàng mà tăng cường việc bàn hàng, hậu mãi, thậm chí là thay đổi cách kinh doanh.

Ông Minh, cho biết, thay vì tập trung vào việc mở các cửa hàng đơn thương hiệu hay phát triển các trung tâm thương mại, Luala đầu tư vào các cửa hàng đa thương hiệu như Luala và Milano. Trong đó, các thương hiệu do Luala phân phối sẽ "đứng chung" trong cùng cửa hàng. Và dù tuân thủ các quy định của chính hãng nhưng Luala cũng sáng tạo trong kinh doanh, dịch vụ, quảng bá để phù hợp với thị trường và khách hàng Việt.

Hàng hiệu phớt lờ suy thoáiCũng theo ông Minh, kinh doanh thời trang hàng hiệu vẫn là một lĩnh vực còn gặp nhiều thách thức, như thủ tục hải quan ngặt nghèo, thuế nhập khẩu cao, khan hiếm mặt bằng... Vì thế, trong điều kiện cạnh tranh khá gay gắt, để có chỗ đứng trên thị trường, Luala đẩy mạnh phát triển các cửa hàng Luala và Milano ở Hà Nội và TP.HCM.

Song song đó, Công ty tiếp tục làm việc với các hãng để giới thiệu những thương hiệu phù hợp cho mô hình đa thương hiệu của mình. Không dừng lại ở đó, Luala còn phát triển dịch vụ may đo đồng phục theo đơn đặt hàng cho các công ty có nhu cầu và từng bước hoàn thiện kế hoạch giới thiệu thương hiệu may sẵn "Made in Vietnam" trong tương lai gần.

Trong khi đó, Công ty IPP tiếp tục mở rộng danh sách các thương hiệu thời trang phân phối tại Việt Nam. Bên cạnh việc đưa các thương hiệu này vào các trung tâm thương mại lớn, IPP còn đầu tư vào trung tâm mua sắm để chủ động hơn về mặt bằng. Bên cạnh việc kinh doanh thời trang hàng hiệu cao cấp, IPP hướng đến phát triển chuỗi cửa hàng trung cấp để mở rộng khách hàng.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn