Công việc chính là cuộc sống của tôi
Nhắc đến Paul Nguyễn, nhiều người biết anh với vai trò là người sáng lập ra Công ty Vietnam Online Network (VON) với sản phẩm nổi tiếng là hai trang mạng Kiemviec.com và HRVietnam.com chuyên về việc làm và tuyển dụng trực tuyến đã rất phổ biến ở Việt Nam từ nhiều năm qua.
Đầu năm 2013, VON chính thức sáp nhập vào Tập đoàn CareerBuilder của Mỹ và cha đẻ của VON, Paul Nguyễn đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc CareerBuilder Việt Nam. Điều này cho thấy vai trò của anh được tập đoàn tuyển dụng nhân sự hàng đầu thế giới ghi nhận.
Dấu ấn mới của anh là tháng 8/2013, CareerBuilder Việt Nam tổ chức thành công sự kiện ngày hội Nghề nghiệp và Giáo dục kết nối trực tiếp doanh nghiệp và người lao động, tạo được tiếng vang trong cộng đồng doanh nghiệp.
Bận rộn với lịch làm việc dày đặc, cố gắng lắm anh mới thu xếp được một buổi trò chuyện tại văn phòng công ty với lời trần tình: “Thông cảm nhé, tôi chỉ có đủ thời gian nói về công việc thôi. Công việc cũng chính là cuộc sống của tôi”.
* Anh sang Mỹ khi còn trẻ, dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống ở đó. Vì sao anh quyết định trở về Việt Nam làm việc ở thời điểm đất nước còn khó khăn?
- Tôi sang Mỹ năm 14 tuổi và xác định phải tiếp tục học cho có một nghề trong tay, vì đó mới là con đường giúp mình tự lực cánh sinh lâu dài. Những năm đầu thập niên 1980, ngành công nghệ thông tin ở Mỹ rất phát triển nên tôi theo học kỹ sư phần mềm.
Ra trường đi làm ổn định, thử thách qua nhiều công việc để có vị trí tốt hơn, tôi tự tin hòa nhập vào cuộc sống xứ người, thế nhưng trong những lần về thăm Việt Nam, tôi thấy tình cảm của mình hoàn toàn thuộc về quê hương.
Ở đâu cũng phải làm việc để sống nhưng có đi xa, có sống ở nơi khác mới thấy tình cảm không nơi đâu bằng ở nước mình. Đó là lý do chính khiến tôi quyết định trở về.
Đúng là năm 1994, thời điểm tôi về Việt Nam, đất nước mở cửa chưa lâu nên vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi nghĩ trong bất kỳ khó khăn nào cũng có cơ hội, quan trọng là mình có dám làm hết sức mình hay không mà thôi. Với tôi, tìm thấy niềm vui trong công việc là điều hạnh phúc mà tôi đạt được.
* Như vậy là theo anh, thành công sẽ đến với những ai làm hết sức mình?
- Tôi chỉ nói riêng trường hợp của mình, chứ với mỗi người, thành công là tổng hợp của nhiều yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa, cả sự may mắn nữa. Tôi quan niệm dù ở đâu, làm gì mình cũng chia sẻ hiểu biết, kiến thức với bạn bè, vì họ là những người mà mình có thể học hỏi được rất nhiều.
Nhờ vậy mà khi mới về nước, tôi cũng không quá bỡ ngỡ trước mọi việc. Có gặp việc gì khó khăn cũng được bạn bè giúp đỡ.
Thật ra trong công việc, tôi cũng không hoạch định được kết quả sẽ thành công hay thất bại. Một khi đã quyết định bắt tay vào làm việc gì đó thì tôi nỗ lực hết sức mình mỗi ngày để đạt được mục đích.
Trường hợp mình đã cố gắng nhưng có những yếu tố khách quan không thuận lợi xảy đến khiến thất bại thì cũng phải chịu.
* Phải chăng nhờ sự nỗ lực hết sức đó mà công việc đầu tiên khi anh về Việt Nam, dù không đúng chuyên môn nhưng anh vẫn làm tốt?
- Thời điểm mới về nước, tôi làm giám đốc đối ngoại cho một công ty liên doanh xây dựng của nước ngoài. Vừa làm vừa quan sát học hỏi, tôi thấy có cơ hội để thử sức mình ở nhiều lĩnh vực.
Lúc đó kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhiều, sẽ có nhiều cao ốc văn phòng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Nhận thấy đây là mảnh đất mới chưa có ai khai phá ở Việt Nam nên tôi mở dịch vụ vệ sinh công nghiệp, bảo trì các tòa nhà cao ốc.
Tôi làm song song hai công việc này suốt một thời gian cho đến khi thành lập VON.
* Với VON, anh đã nắm bắt cơ hội như thế nào?
- Những năm đầu thập niên 2000, công ty tôi làm có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự, nhưng việc tìm kiếm rất khó khăn. Hầu như chỉ có kênh quảng cáo qua báo giấy mà muốn đăng thông tin phải xếp hàng chờ đến lượt mình.
Từ lúc công ty có quyết định tuyển dụng xong phải lên kế hoạch đăng quảng cáo, tìm báo phù hợp để đăng thông tin rồi chờứng viên đến nộp đơn, rồi phỏng vấn… Chi phí thì lớn mà lại kéo dài mất thời gian, có khi kết quả vẫn không tìm được nhân sự phù hợp.
Khi gặp sự việc này tôi cảm thấy rất phiền toái. Chỉ vì thiếu phương tiện kết nối mà nhà tuyển dụng và người lao động rất khó gặp nhau, trong khi nhu cầu là rất lớn. Lúc đó internet còn khá xa lạ nên chưa mấy người biết đến sự tiện ích của nó, càng không biết đến thư điện tử.
Đến năm 2004, hạ tầng cơ sở cho internet đã được Nhà nước đầu tư, internet được phổ cập rộng rãi. Là kỹ sư phần mềm nên khi có đất dụng võ, tôi muốn ứng dụng sở trường của mình, dùng công nghệ internet để truyền tải thông tin.
Tôi thành lập VON không chỉ để giải quyết bài toán tìm nhân sự nhanh, chi phí hợp lý cho chính công ty mình, mà còn vì thấy cảnh sinh viên, người cần việc đội nắng mưa đến các trung tâm giới thiệu việc làm, chen chúc đọc thông tin tuyển dụng được dán trên bảng thông báo rồi ghi ghi, chép chép, rất mất thời gian lẫn công sức.
Đã vậy, có nhiều thông tin tuyển dụng cũ không được cập nhật, không còn giá trị. Với internet, chỉ cần vài cái click chuột, trong 1-2 phút, mọi thông tin mới nhất bạn cần sẽ hiện ra. Tôi muốn thông qua internet giúp đỡ người lao động để họ không phải tìm việc một cách vất vả như thế.
Thế là tôi thành lập Công ty cổ phần Vietnam Online Network (VON) với sản phẩm là trang giới thiệu việc làm trực tuyến (Kiemviec.com) và dịch vụ tuyển dụng và giải pháp nguồn nhân lực (HR Vietnam.com).
* Chỉ sau một thời gian ngắn, Kiemviec.com đã nhanh chóng phát triển, là một trong những trang tìm việc có lượng truy cập nhiều nhất tại Việt Nam. Anh có hài lòng với thành công này?
- Tôi rất vui khi Kiemviec.com ra đời lập tức được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt. Những người biết về internet liền sử dụng để tìm kiếm thông tin việc làm.
Tôi nghĩ mỗi sản phẩm phục vụ cho xã hội có giá trị riêng tại thời điểm khác nhau. Vì thế, không cần phải làm ra một sản phẩm để đời mới thành công, mà chỉ cần đáp ứng được nhu cầu cần thiết của con người.
Với Kiemviec.com, mục đích của tôi là để kết nối doanh nghiệp và người lao động càng rộng, càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Mong muốn của tôi là tất cả người lao động Việt Nam không phải tốn một khoản chi phí nào khi tìm việc làm nên tôi luôn chủ trương không bao giờ thu phí người lao động.
"Không cần phải làm ra một sản phẩm để đời mới thành công, mà chỉ cần đáp ứng được nhu cầu cần thiết của con người."
Tuy nhiên, có điều tôi thấy rất lạ là cho đến bây giờ, khi internet đã rất phổ biến mà nhiều người vẫn bỏ qua tiện ích của nó để trung thành với cách làm việc cũ, trì trệ và lạc hậu. Có người vẫn chịu mất công, mất tiền để mua thông tin từ những trung tâm giới thiệu việc làm và chịu những bất cập như trên thì tôi “phục” họ quá!
* Kiemviec.com có một vị thế nhất định tại thị trường Việt Nam, vì sao anh lại đồng ý sáp nhập vào CareerBuilder? Có phải mục đích của anh là xây dựng những trang mạng mới để bán cho các “ông lớn” khi họ đến Việt Nam?
- Phải nhìn nhận rằng lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ để đi ra biển lớn, nên việc được một “ông lớn” lựa chọn để hợp tác, sáp nhập là một cơ hội để phát triển. Ngay từ lúc thành lập, chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề này có khả năng sẽ xảy ra, quan trọng là thời điểm nào mà thôi.
Lĩnh vực công việc của tôi liên quan đến internet, nhưng khi mới ra đời, thị trường còn nhỏ, hạ tầng internet của Việt Nam mới phát triển, chỉ vài chục ngàn người sử dụng. Sau khoảng năm năm hoạt động, tôi có nhận được lời đề nghị hợp tác của một số đối tác, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng nên đã từ chối.
CareerBuilder là công ty đến từ Mỹ chuyên cung ứng các giải pháp về nguồn nhân lực, dịch vụ tìm kiếm và thu hút các ứng viên tài năng cho các nhà tuyển dụng. Hiện nay, CareerBuilder có mặt tại hơn 70 thị trường quốc tế, hơn 2 triệu việc làm và hơn 200 triệu ứng viên trên toàn thế giới.
Khi đến Việt Nam vào cuối năm 2012, CareerBuilder muốn tìm đối tác hợp tác để phát triển toàn cầu. Họ cũng đã tìm hiểu nhiều đối tác, nhưng điều mà chúng tôi tạo được ấn tượng với CareerBuilder để họ đi đến quyết định hợp tác không phải ở chỗ số lượng người dùng lớn, có nhiều khách hàng doanh nghiệp, mà quan trọng họ cảm thấy ở chúng tôi có được tiếng nói và tầm nhìn chung. Chúng tôi mất hơn nửa năm để đi đến thỏa thuận cuối cùng.
* Tuy vậy, dưới góc độ kinh doanh, trong việc sáp nhập này thì CareerBuilder cũng có những thuận lợi…
- Đúng vậy. Thay vì phải xây dựng một nhóm phát triển sản phẩm mới tại thị trường mới là Việt Nam thì việc hợp tác với một công ty đã có kinh nghiệm lẫn khách hàng sẽ có hiệu quả hơn.
Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian, công sức tìm hiểu thị trường, vừa nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm của mình. CareerBuilder có quá nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác nên tôi không phải lo về vấn đề này.
* Nhiều doanh nghiệp than phiền chất lượng nguồn lao động Việt Nam còn thấp, là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, anh thấy thế nào?
- Nói về chất lượng lao động Việt Nam hiện nay là cả một câu chuyện dài nhiều tập. So với các nước trong khu vực, đúng là chúng ta còn kém hơn nhiều.
Về tổng quan do đất nước ta mở cửa chưa lâu, thời gian thật sự tiếp cận với thế giới bên ngoài để học hỏi chưa nhiều. Muốn tiếp thu kiến thức, tri thức cần phải có thời gian tạo nền tảng chứ không thể “ngày một, ngày hai”.
Trong khi đó, vì rào cản ngôn ngữ mà chúng ta bỏ qua cơ hội tiếp thu kiến thức cực kỳ rộng lớn được phổ biến trên internet. Đây là một vấn đề lớn, để khắc phục phải thay đổi rất nhiều.
Đất nước ta trải qua chiến tranh trong thời gian dài, khi hòa bình thì đến thời bao cấp phải giải quyết nhiều khó khăn, phải xây dựng từ đầu nên nguồn nhân lực còn yếu kém là điều có thể hiểu được.
Cũng phải kể đến nguyên nhân bắt nguồn từ giáo dục. Chúng ta có quá ít đội ngũ giáo sư để đào tạo lực lượng kế thừa.
Ngôi sao sáng đó chỉ là thành phần rất nhỏ, không thể đại diện cho mặt bằng dân trí Việt Nam được. Chúng ta phải nhìn vào số đông thì mới phản ánh đúng thực tế, từ đó mới có động lực thay đổi cục diện.
Phải có thầy giỏi mới dạy nên trò giỏi nhưng thực tế hiện nay chúng ta đang có nhiều trường hơn giáo sư. Việc thiếu cơ sở vật chất, trường lớp dễ khắc phục hơn việc cốt lõi là cần có những giáo sư giỏi.
Muốn thay đổi chất lượng nguồn lao động, chúng ta phải kiên nhẫn làm từng chút một như thế. Nếu không làm gì, hoặc làm không đến nơi đến chốn mà ca thán thì không biết đến bao giờ xã hội mới thay đổi, mới tốt đẹp hơn được.
* Không phủ nhận vai trò của giáo dục trong việc phát triển đất nước, bởi “Phi trí bất hưng”. Chúng ta có nhiều nhân tài trong nhiều lĩnh vực, nhưng để nuôi dưỡng, phát huy tài năng lại là một việc đáng bàn khác. Anh có thấy như vậy không?
- “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, chính môi trường sống, môi trường giáo dục mới tạo nên sự khác biệt từ suy nghĩ cho đến nhận thức và hành động của mỗi người.
Nhiều người cho rằng người Việt mình giỏi, bằng chứng là có những người thành công nổi trội ở nước ngoài. Như thế là “sướng một cách mù lòa”. Vì ngôi sao sáng đó chỉ là thành phần rất nhỏ, không thể đại diện cho mặt bằng dân trí Việt Nam được. Chúng ta phải nhìn vào số đông thì mới phản ánh đúng thực tế, từ đó mới có động lực thay đổi cục diện.
Tôi muốn chia sẻ quan điểm của tôi về cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ hiện nay là vấn đề đáng bàn. Chính cách sử dụng ngôn ngữ có phần tùy tiện, không chính xác dẫn đến những ngộ nhận trong suy nghĩ lẫn hành vi.
Ví dụ như trong suy nghĩ chủ quan, mình nghĩ rằng mình không đói thì mình có phải đi kiếm đồ ăn không. Tương tự, nếu không biết mình sai thì mình có sửa sai không? Nếu không biết mình dốt thì mình có chịu học không?
Nếu cứ suy luận theo kiểu dân tộc Việt Nam giỏi, thông minh, tôi là người Việt Nam nên tôi cũng thông minh, giỏi giang. Nếu tôi đã đủ thông minh thì tôi không cần phải học nữa. Hành vi của con người được kiểm soát bởi tư duy, chính cách tư duy và sử dụng ngôn ngữ “tự sướng” như vậy dẫn đến hành vi sai “chết người”.
* Vâng, quy luật phát triển của xã hội sẽ điều chỉnh những điều chưa hợp lý. Cũng như so với những ngày đầu anh về Việt Nam làm việc, mặt bằng thị trường nhân lực đã có nhiều cải thiện. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, ở vị trí mới, anh có hướng đi nào để phát triển công việc của mình?
- Nhiều người cho rằng kinh tế đang khủng hoảng, gặp nhiều khó khăn, nhưng theo tôi đó là nói riêng về thị trường địa ốc là chính. Tôi thấy thị trường lao động vẫn phát triển ổn định.
Hiện nay trong khu vực, các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… giá lao động đắt hơn Việt Nam. Với những biến động gần đây về thị trường gia công, các công ty, tập đoàn Nhật Bản, Mỹ… bắt đầu nghĩ đến việc sang Việt Nam xây dựng nền tảng nhằm chống rủi ro. Việc của chúng ta là chuẩn bị nhân lực để đáp ứng nhu cầu của họ từ bây giờ.
Dân số Việt Nam đông và trẻ, nhưng tỷ lệ người sử dụng internet còn thấp, khoảng trên 30 triệu người. Cả những người đã sử dụng internet nhưng cũng chưa biết dùng phương tiện này để tìm việc làm. Vì vậy, khai thác số lượng khách hàng tiềm năng này cũng là mục tiêu hướng đến của chúng tôi trong vòng 10 năm nữa.
Về doanh nghiệp hiện nay cũng chỉ có khoảng 20 ngàn trên vài trăm ngàn doanh nghiệp biết sử dụng công cụ tìm kiếm tuyển dụng nhân sự bằng internet. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm từ 6 – 8%, cùng với tỷ lệ người sử dụng internet ngày càng tăng, tôi có niềm tin thị trường tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
"Kinh tế Việt Nam phát triển quá nóng trong những năm qua nhưng nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng hết được nhu cầu cấp bách đó, nhiều công ty phải tuyển dụng ở các quốc gia khác."
Về đối tác, trong kế hoạch đầu tư lớn ở Việt Nam của Microsoft, họ muốn hợp tác với chúng tôi trong việc cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng để người sử dụng có thể xin việc trên điện thoại di động. Đó chỉ là một hướng hợp tác của chúng tôi. Tôi nghĩ còn rất nhiều hướng phát triển khác mà trong 15 năm tới lĩnh vực này mới có thể bão hòa.
* Có nghĩa là ngành tuyển dụng nhân sự không chịu quá nhiều tác động của nền kinh tế nói chung?
- Tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam có đặc thù riêng, dù không tạo thêm công ăn việc làm cũng không có nghĩa không phát triển. Nếu trong công ty có người nghỉ việc thì sẽ có người khác thay thế nên doanh nghiệp cũng phải tuyển dụng nhân sự. Hay có những chu kỳ “phát triển nóng”, doanh nghiệp tuyển dụng ồ ạt và sau đó phải sàng lọc, tuyển dụng lại…
* Việc “săn đầu người” ở Việt Nam cũng rất nóng trong thời gian qua. CareerBuilder tham gia như thế nào vào lĩnh vực này?
- Thị trường “săn đầu người” trong nước có nhu cầu rất lớn, trong khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ. Kinh tế Việt Nam phát triển quá nóng trong những năm qua nhưng nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng hết được nhu cầu cấp bách đó, nhiều công ty phải tuyển dụng ở các quốc gia khác.
Từ khi mới thành lập, chúng tôi đã nhận được lượng đơn đặt hàng dịch vụ “săn đầu người” rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Thế nên hiện nay, với sự hỗ trợ của CareerBuilder toàn cầu, chúng tôi có khả năng đáp ứng nhu cầu này cũng như các dịch vụ tìm kiếm, tuyển dụng nhân sự.
* Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện.